1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu Thủ tướng Anh: Phương Tây trong "cuộc chiến ủy nhiệm" với Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 29/11 nói rằng, các nước phương Tây đang trong "cuộc chiến ủy nhiệm" với Nga nhưng lại phải chiến đấu ở tình trạng "một tay bị trói sau lưng".

Cựu Thủ tướng Anh: Phương Tây trong cuộc chiến ủy nhiệm với Nga - 1

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: Reuters).

Trong một cuộc phỏng vấn với Daily Telegraph, cựu Thủ tướng Anh cũng thừa nhận phương Tây về cơ bản đang sử dụng Ukraine như công cụ để chống lại Nga và nhấn mạnh việc không nên trì hoãn việc cung cấp vũ khí cho Kiev.

Cựu Thủ tướng Johnson đã chỉ trích phương Tây vì những gì ông coi là sự thiếu quyết tâm trong việc hỗ trợ Ukraine, đồng thời nhấn mạnh "họ nên gạt sang một bên những lo ngại về khả năng leo thang xung đột".

"Vấn đề không phải là leo thang xung đột mà vấn đề là không leo thang đủ nhanh. Đó là sự do dự, trì hoãn và tính toán từng xu một trong các biện pháp hỗ trợ", ông nói, than thở về tình trạng bế tắc tại quốc hội Mỹ vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, đã ngăn cản viện trợ chảy vào Kiev. "Đó là cơn ác mộng đối với Ukraine", ông nói thêm.

Cựu Thủ tướng Johnson nói thêm rằng, các nước phương Tây cũng tiếp tục gặp phải tình trạng tương tự trong việc chấp thuận cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga. Ông lưu ý rằng, Đức vẫn đang chống lại áp lực thực hiện một động thái tương tự như vậy.

"Thật thảm hại… Hãy nhìn nhận thực tế: Chúng ta đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga nhưng lại không trao cho những người ủy nhiệm của chúng ta năng lực để thực hiện nhiệm vụ. Trong nhiều năm nay, chúng ta đã để họ chiến đấu với một tay bị trói sau lưng, và điều đó thật tàn nhẫn", ông Johnson tuyên bố.

Theo cựu thủ tướng, phương Tây cần đạt được tiến triển trong việc Kiev gia nhập NATO, cung cấp cho Ukraine nhiều hỗ trợ quân sự và hậu cần khác nhau mà không xung đột trực tiếp với Nga, và gửi thêm tiền cho Ukraine.

Ngoài ra, ông cho rằng, cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nga và Ukraine "phải biết chúng ta… muốn điều này kết thúc ở đâu". "Cho đến khi và trừ khi chúng ta làm sáng tỏ vấn đề, phương Tây sẽ không thể thuyết phục được Nga lùi bước", ông nhấn mạnh.

Moscow từng cáo buộc cựu Thủ tướng Johnson làm chệch hướng các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine tại Istanbul vào mùa xuân năm 2022, tuyên bố rằng ông đã khuyên Kiev nên tiếp tục chiến đấu.

Các nhân vật thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thừa nhận rằng, ông Johnson có "vai trò có ảnh hưởng". Cựu thủ tướng đã phủ nhận cáo buộc này, lập luận rằng Kiev sẽ không bao giờ đồng ý với các điều khoản của Nga, bao gồm việc cắt giảm quân đội Ukraine và công nhận trên thực tế các quyền kiểm soát lãnh thổ của Moscow.

Nga đã nhiều lần cáo buộc phương Tây sử dụng Ukraine như một "công cụ phá hoại" chống lại nước này, đồng thời cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí sẽ không thay đổi kết quả của cuộc xung đột. Moscow cũng cảnh báo việc cho phép các cuộc tấn công sâu vào Nga bằng vũ khí tầm xa do nước ngoài sản xuất đánh dấu một sự leo thang nghiêm trọng.

Sau khi Kiev thực hiện một số cuộc tấn công như vậy, Nga đã trả đũa bằng cách tấn công một cơ sở phòng thủ của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik mới nhất của mình.

Theo RT