1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu nổ ra chiến tranh Mỹ - Triều

(Dân trí) - Mỹ hoàn toàn có thể đánh bại Triều Tiên trong cuộc chiến nhưng cái giá phải trả cho chiến thắng trong cuộc chiến sẽ vô cùng khủng khiếp, một quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo.


Máy bay Mỹ phô diễn sức mạnh quân sự gần không phận Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Máy bay Mỹ phô diễn sức mạnh quân sự gần không phận Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Trong bài phát biểu lần đầu tiên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cảnh báo Triều Tiên rằng Washington có thể “hủy diệt một cách toàn diện” Bình Nhưỡng. Phát ngôn này đã khiến các chiến lược gia quân sự đưa ra dự đoán điều gì sẽ xảy ra nếu 2 bên bắt đầu cuộc chiến.

Ông Rob Givens, cựu chỉ huy cấp cao không quân Mỹ, cho biết Lầu Năm Góc cảnh báo ít nhất 20.000 người Hàn Quốc có thể thiệt mạng mỗi ngày nếu chiến tranh Triều Tiên lần thứ 2 xảy ra. Và đây là con số dự đoán trước khi Triều Tiên triển khai vũ khí hạt nhân.

“Chỉ có một cách để kết thúc cuộc chiến là sự thất bại của Triều Tiên. Nhưng chúng ta sẽ phải trả giá bằng gì?”, ông Givens đặt câu hỏi.

Kịch bản cuộc chiến tranh Mỹ- Triều Tiên

James Stavridis, một đô đốc hải quân đã nghỉ hưu và hiện là người đứng đầu trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts (Mỹ), đánh giá khả năng xảy ra chiến tranh thông thường là 50% và chiến tranh hạt nhân là 10%.

“Chúng ta đang ở gần cuộc chiến hạt nhân hơn bao giờ hết trong lịch sử thế giới”, ông Stavridis nhận định. Chuyên gia này dự đoán kịch bản cuộc chiến có thể bắt đầu bằng việc Triều Tiên tấn công tên lửa tới đảo Guam.

Mỹ sau đó sẽ chuyển các nhóm tác chiến tàu sân bay tới gần bán đảo Triều Tiên và sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công Triều Tiên như những gì Mỹ đã làm để trừng phạt Syria phát triển vũ khí hóa học. Và Triều Tiên dĩ nhiên sẽ không ngồi yên.


Các tên lửa của Triều Tiên (Đồ họa: BBC)

Các tên lửa của Triều Tiên (Đồ họa: BBC)

Bình Nhưỡng sẽ triển khai hệ thống hỏa lực gồm 11.000 hệ thống pháo ở ngọn núi phía bắc đường biên giới liên Triều nhằm vào 35.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Mặc dù hệ thống pháo của Triều Tiên đều từ thời Liên Xô nhưng chúng có thể hoạt động hiệu quả nhằm chống lại các đợt không khích hoặc tấn công từ máy bay không người lái.

Mỹ có thể chống lại dàn hỏa lực bằng máy bay chiến đấu nhưng sẽ mất nhiều ngày để hoàn toàn vô hiệu hóa Triều Tiên. Trong lúc đó, Triều Tiên có thể đã dội "mưa hỏa lực" vào 25 triệu dân ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Khi chiến tranh leo thang, Triều Tiên có thể ném bom cây cầu bắc qua sông Hàn nhằm chặn dân thường Hàn Quốc di tản, điều động lực lượng đặc biệt tấn công vào cơ sở chiến lược của Hàn Quốc, nã tên lửa tầm ngắn vào căn cứ quân sự Mỹ - Hàn.

Bên nào sẽ giành chiến thắng?


So sánh tương quan lực lượng quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc (Đồ họa: BBC)

So sánh tương quan lực lượng quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc (Đồ họa: BBC)

Đó chỉ là kịch bản của cuộc chiến tranh thông thường. Với cuộc chiến tranh hạt nhân, mức độ phức tạp của cuộc xung đột tăng lên rất nhiều.

Tại thời điểm chiến tranh nổ ra, Triều Tiên có thể sẽ thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân hoặc nhiệt hạch gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa và có thể tấn công tới lãnh thổ Mỹ ở phía bên kia địa đại dương. Mặt khác, Triều Tiên có thể tấn công bằng vũ khí hạt nhân nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á.

“Trong cuộc chiến toàn diện để bảo vệ sự sống còn của chế độ, họ có thể thua Mỹ. Nhưng tôi đảm bảo họ sẽ kiên quyết chiến đấu”, ông Givens nhận định.

Và đó có thể là một trong những điều khiến cho Triều Tiên khác biệt so với các đối thủ khác của Mỹ trong quá khứ. Ví dụ, khi so sánh với những đối thủ gần đây của Mỹ như Iraq, Syria, Afghanistan, đây đều là những nước có tiềm lực quân sự kém xa Triều Tiên. Bình Nhưỡng có lực lượng bộ binh chính quy 1,2 triệu người, lớn thứ 4 thế giới và 100.000 lực lượng đặc biệt được huấn luyện nhằm thâm nhập vào Hàn Quốc.

Dù khí tài quân sự Bình Nhưỡng đều từ thời Liên Xô nhưng họ có 3.500 xe tăng, nhiều hơn Mỹ với 2.381 chiếc, và dàn pháo hùng hậu hơn Trung Quốc. Ngoài ra, Triều Tiên đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân với ít nhất là 12 vũ khí và nhiều nhất là 60.

Chuyên gia Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nhận định nếu cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra lần nữa và cuộc chiến lần này sẽ có sự góp mặt của hàng loạt vũ khí tiên tiến, hiện đại và có độ sát thương cao hơn, và sẽ phức tạp, rối ren không kém cuộc chiến năm 1950 khiến 2 triệu người thiệt mạng.

Ngoài ra, một nhân tố khác có thể tham gia cuộc chiến này là Trung Quốc. Họ đã từng tuyên bố nếu Mỹ và Hàn Quốc tấn công và muốn lật đổ chế độ Triều Tiên, họ sẽ ngăn chặn điều đó.

Trung Quốc có thể sẽ không điều quân sang bên kia sông Áp Lục để tham chiến cùng Triều Tiên giống kịch bản năm 1950 nhưng họ có thể cân nhắc thực hiện các cuộc không kích hỗ trợ. Và họ cũng có thể dùng quyền thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn hiệp ước hòa bình có điều khoản xóa bỏ chế độ Triều Tiên hiện tại.

Đức Hoàng

Theo SCMP