Cựu quan chức châu Âu: Nhiều máy bay tham gia bắn hạ Su-24 của Nga
(Dân trí) - Willy Wimmer, cựu Phó Chủ tịch OSCE của Nghị viện Châu Âu, cựu nghị sĩ Quốc hội Đức, nói rằng chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ với sự hỗ trợ của máy bay NATO đã bắn rơi máy bay Su-24 của Nga gần biên giới Syria cuối năm ngoái.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, ông Willy Wimmer nói rằng: “Theo dữ liệu của tôi, một máy bay của Mỹ và một máy bay của Ả rập Xê út đã tham gia vào vụ bắn hạ này. Một máy bay ném bom như của Nga không thể dễ dàng bắn hạ. Điều này chỉ có thể thực hiện bởi máy bay chiến đấu của Ả rập Xê út được trang bị hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm (AEW&C)”.
Cựu quan chức châu Âu này cho biết thêm rằng, thời điểm đó một máy bay của Mỹ đã cất cánh từ đảo Síp, trong khi một chiếc khác cất cánh từ căn cứ ở Ả rập Xê út.
Ông giải thích rằng NATO có bản hướng dẫn hành động như thế nào trong trường hợp vi phạm không phận: các cơ quan điều khiển chuyến bay dân dụng thiết lập liên lạc với máy bay vi phạm đồng thời cảnh báo phi công về hành vi vi phạm. Nếu điều này là không đủ, các cơ quan quân sự sẽ vào cuộc.
“Những gì xảy ra ở đó chẳng tuân thủ bất cứ một luật lệ quốc tế nào. Họ bắn hạ máy bay Nga vì họ muốn”, ông Wimmer nói. Ông cũng cho rằng, hành động đó còn nhằm phá hủy mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khi đó vốn ở thời kỳ đỉnh cao.
Máy bay F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ bắn hạ máy bay Su-24 của Không quân Nga gần biên giới Syria hôm 24/11 năm ngoái với cáo buộc máy bay vi phạm không phận trong 17 giây. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ cáo buộc và cho rằng hành động của Ankara là “đâm sau lưng”. Nga đã đáp trả bằng một loạt lệnh trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ.
Những tranh cãi về việc ai đã ra lệnh và vì sao ra lệnh bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga gần biên giới Syria đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Cựu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thừa nhận ông đã ra lệnh bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga. Tuy nhiên, ông cho biết thêm, lệnh bắn hạ máy bay không chỉ liên quan tới một máy bay của Nga, mà là chỉ thị chung cho sự an toàn không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Căng thẳng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tạm lắng gần đây sau khi Tổng thống Recep Erdogan gửi thư xin lỗi và ngỏ ý muốn bình thường hóa quan hệ với Moscow. Nga được cho là đã giúp chính quyền của ông Erdogan dập tắt đảo chính hôm 15/7 khi báo trước cho Ankara về âm mưu đảo chính.
Minh Phương
Tổng hợp