1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cựu Ngoại trưởng Ukraine cảnh báo nguy cơ Kiev "sụp đổ"

Thành Đạt

(Dân trí) - Cựu Ngoại trưởng Ukraine cảnh báo Kiev có thể phải đối mặt với tình trạng bất ổn dân sự, thậm chí "sụp đổ" hoàn toàn nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền.

Cựu Ngoại trưởng Ukraine cảnh báo nguy cơ Kiev sụp đổ - 1

Cựu Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba (Ảnh: Getty).

"Nếu nguồn tiền cạn kiệt, động lực mới sẽ xuất hiện và không phải tất cả đều trên chiến trường. Đúng vậy, nếu không có tài trợ, Ukraine có thể mất hoàn toàn vị thế", cựu Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cảnh báo trong một bài bình luận được đăng trên tạp chí Economist tuần này.

Ông Kuleba cho rằng Ukraine có thể lao vào một cuộc xung đột dân sự nếu Mỹ buộc Kiev phải ký một thỏa thuận hòa bình tồi tệ.

Ông cũng nhận định, nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm về việc hỗ trợ Ukraine vô điều kiện, Kiev có thể đối mặt với nguy cơ bất ổn, thậm chí "sụp đổ" hoàn toàn.

"Nếu chính quyền Trump sau đó áp đặt các điều khoản hòa bình khó chấp nhận đối với Ukraine, và nếu Tổng thống Zelensky đồng ý một kịch bản như vậy, một bộ phận người dân Ukraine sẽ phản đối. Bất ổn trong nước sẽ có nguy cơ khiến đất nước sụp đổ", ông Kuleba cho biết.

Theo cựu ngoại trưởng Ukraine, diễn biến đầy kịch tính như vậy sẽ mang lại cho Nga "chiến thắng" mà Moscow "mong muốn từ lâu". Ông Kuleba cảnh báo ông Trump "không thể để Ukraine trở thành Afghanistan".

Cựu Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đã nộp đơn từ chức hồi tháng 9 sau khoảng thời gian làm việc cho chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Đảm nhiệm chức vụ ngoại trưởng từ năm 2020, ông Kuleba đã đi đầu trong các nỗ lực của Ukraine nhằm lôi kéo các đồng minh quốc tế và xây dựng các mối quan hệ đối tác mới của Kiev kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào năm 2022.

Trước khi rời nhiệm sở, ông Kuleba từng chỉ trích các đồng minh phương Tây không cung cấp hệ thống phòng không đã cam kết cho Kiev. Ông cũng không thành công trong việc vận động Mỹ và các đồng minh cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào trong lãnh thổ Nga.

Tổng thống đắc cử Trump liên tục chỉ trích viện trợ vô điều kiện của Washington dành cho Kiev và tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột. Để làm được điều này, ông có thể buộc Ukraine phải đình chỉ tham vọng trở thành thành viên NATO và đóng băng các hoạt động giao tranh dọc chiến tuyến hiện tại.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần cam kết sẽ chấm dứt xung đột Ukraine "trong vòng 24 giờ" nếu đắc cử. Ông Trump không giải thích cách ông sẽ thực hiện cam kết này, mặc dù ông tuyên bố sẽ sử dụng "mối quan hệ tuyệt vời" với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky để làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình.

Ông Trump đã nói chuyện với Tổng thống Zelensky vào tuần trước và nói với NBC News rằng ông có thể sẽ nói chuyện với Tổng thống Putin trong tương lai gần. 

Trong khi Điện Kremlin liên tục hoài nghi các đề xuất về việc ông Trump có thể dễ dàng chấm dứt xung đột với Ukraine, Tổng thống Putin cho biết các tuyên bố của ông Trump về vấn đề này "ít nhất cũng đáng được chú ý".

Hiện chưa rõ ông Trump sẽ thúc đẩy giải pháp nào cho cuộc xung đột. Trong chiến dịch tranh cử, Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance đã gợi ý rằng có thể tuyên bố ngừng bắn và thiết lập một khu phi quân sự dọc theo tiền tuyến dài 1.300km hiện tại, đồng thời Ukraine bị từ chối tư cách thành viên NATO.

Tổng thống Zelensky gần đây đưa ra "kế hoạch chiến thắng", trong đó có các đề xuất như Nga rút hết quân khỏi Ukraine và Ukraine ngay lập tức được mời gia nhập NATO.

Theo RT