Mục tiêu của Nga trong cuộc chiến với Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức
(Dân trí) - Nga được cho là sẽ tìm cách đạt được một số mục tiêu trong cuộc xung đột với Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 tới.
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ. Ông không nêu kế hoạch cụ thể, song một số tín hiệu cho thấy ông sẽ buộc Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với những nhượng bộ nhất định.
Một số hãng tin của Mỹ tuần trước nói rằng, kế hoạch của ông Trump là đóng băng xung đột, buộc Ukraine hoãn tham vọng gia nhập NATO, lập một khu phi quân sự ở miền Đông Ukraine.
Từ nay cho đến khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức, mọi thứ vẫn có thể thay đổi. Do vậy, cả Ukraine và Nga đang tìm cách nâng vị thế đàm phán trước bất cứ một cuộc hòa đàm tiềm tàng nào.
Với tình hình chiến trường hiện có lợi cho Nga, Moscow có thể hy vọng giành lại toàn bộ vùng biên giới Kursk bị Ukraine chiếm giữ, tiến sâu hơn vào miền Đông Ukraine và mở một trục mới ở tỉnh miền Nam Zaporizhia để giúp Nga chiếm thế thượng phong trước khi ông Trump nhậm chức.
Đẩy lùi quân Ukraine khỏi Kursk
Một trong những mối lo ngại cấp bách nhất đối với Moscow là một lượng lớn quân Ukraine vẫn còn đóng trên đất Nga ở tỉnh Kursk.
Sau khi mở chiến dịch đột kích vào Kursk hồi đầu tháng 8, quân đội Ukraine nhanh chóng kiểm soát gần 1.300km2 lãnh thổ ở đây. Nga đã giành lại một nửa số lãnh thổ đó và đang ra sức đánh bật hoàn toàn quân Ukraine khỏi Kursk.
Từ những gì tôi thấy, dường như Nga buộc phải chiếm lại Kursk vào đầu năm tới", Tiến sĩ Stephen Hall, giảng viên về chính trị Nga và hậu Xô Viết, nhận định với Kyiv Independent.
Giới chức Ukraine hôm 11/11 cho biết, Nga đã triển khai khoảng 50.000 quân, bao gồm cả binh sĩ Triều Tiên, đến Kursk để chuẩn bị phản công quy mô lớn.
Giao tranh ở đó sẽ rất khốc liệt nếu Ukraine có thể cầm cự cho đến khi ông Trump nhậm chức. Ý tưởng đóng băng xung đột với chiến tuyến nằm trong lãnh thổ Nga sẽ khó chấp nhận đối với Moscow.
John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng của Vương quốc Anh tại Moscow từ năm 2019 đến năm 2022, nói: "Nga đã tập trung lực lượng và sẽ sử dụng chiến thuật tương tự như ở Donbass, dùng pháo binh và bom lượn để phá hủy hệ thống phòng thủ của Ukraine trước khi thực hiện các cuộc tấn công bộ binh quy mô nhỏ".
Mở rộng kiểm soát Donbass
Một trong những mục tiêu của Ukraine khi tấn công Kusrk là rút quân đội Nga khỏi tỉnh Donetsk ở khu vực Donbass miền Đông nước này, nơi quân đội Nga đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong nhiều tháng nay.
Tuy nhiên, mục tiêu của Ukraine đã thất bại bởi chiến dịch Kursk dường như tạo cơ hội cho Nga kiểm soát nhiều lãnh thổ ở miền Đông Ukraine hơn nữa. Lực lượng Nga cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể về mặt hoạt động gần Toretsk, Chasiv Yar và Kupiansk.
Trong tuần cuối tháng 10, Nga đã giành nhiều lãnh thổ trong vòng một tuần hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ đầu năm nay.
Theo các nhà phân tích, bất chấp tốc độ này, Nga sẽ phải mất gần một năm để kiểm soát thêm 10.000km2 lãnh thổ cần thiết để chiếm toàn bộ vùng Donetsk và Lugansk (gọi chung là Donbass).
Ngay cả khi không giành được toàn bộ Donbass, Nga vẫn có thể có vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán khi mở rộng kiểm soát lãnh thổ ở đây.
Mở trục tiến công mới ở Zaporizhia
Nga đang đạt được bước tiến ổn định dù chậm và có thể cố gắng mở một trục tiến mới ở tỉnh Zaporizhia", ông Foreman nhận định, đồng thời cho biết thêm đó là một cách khác mà Điện Kremlin có thể sử dụng lãnh thổ giành được để củng cố vị thế đàm phán.
Quân đội Ukraine hôm 11/11 đã cảnh báo các cuộc tấn công của Nga ở tỉnh Zaporizhia có thể bắt đầu "bất cứ ngày nào". Tình báo quân sự Ukraine cho biết Nga đang có kế hoạch sử dụng xe bọc thép và một số lượng đáng kể máy bay không người lái.
Tăng cường không kích
Ukraine đang chuẩn bị cho kịch bản Nga tăng cường tấn công tên lửa nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng khi mùa đông sắp đến.
Thêm vào tình trạng căng thẳng trên thực địa ở các thành phố như Kiev, trong những ngày gần đây, Nga cũng đã tiến hành các cuộc tấn công mô phỏng, xuất kích số lượng lớn máy bay ném bom và sử dụng tác chiến điện tử để mô phỏng tên lửa đã phóng, khiến còi báo động vang lên khắp Ukraine.