Cựu Ngoại trưởng Kishida sẽ trở thành thủ tướng mới của Nhật Bản
(Dân trí) - Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản, sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của đảng cầm quyền diễn ra hôm nay.
Theo hãng tin Japan Times, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, 64 tuổi, đã đánh bại ứng viên Taro Kono trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 bầu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) của Nhật Bản diễn ra hôm nay, 29/9.
Có 4 ứng viên chạy đua vào ghế lãnh đạo LDP, gồm: Bộ trưởng Bộ trưởng Cải cách hành chính kiêm phụ trách vấn đề vắc xin Taro Kono, 58 tuổi; cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, 64 tuổi; cựu Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi, 60 tuổi và chính trị gia Seiko Noda, 61 tuổi.
Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông Kishida giành 256 phiếu bầu, nhiều hơn Bộ trưởng Cải cách Taro Kono một phiếu (255 phiếu) và vượt xa hai nữ ứng viên còn lại. Do hai ứng viên dẫn đầu không có ai chiếm số phiếu quá bán trong tổng số 764 phiếu, nên ông Kono và Kishida tiếp tục cạnh tranh trong vòng bỏ phiếu thứ hai.
Ở vòng bỏ phiếu thứ hai, ông Kishida dẫn trước với 257 phiếu, trong khi ông Kono giành được 170 phiếu.
Chiến thắng này mở đường để ông Kishida trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản, kế nhiệm Thủ tướng Suga Yoshihide.
Nhà lãnh đạo mới của LDP dự kiến sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản, khi đảng này chiếm đa số ghế trong Hạ viện quyền lực.
Cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Hai tuần tới và tân thủ tướng Nhật Bản sẽ lập ra một nội các mới ngay trong ngày.
Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Suga Yoshihide đã tuyên bố không tranh cử vào vị trí lãnh đạo đảng LDP, chỉ sau một năm lên nắm quyền.
Vực dậy nền kinh tế giữa đại dịch
Ông Kishida từng là ngoại trưởng Nhật Bản trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2017 dưới thời cựu Thủ tướng Abe Shinzo.
Tân thủ tướng Nhật Bản sẽ phải tiến hành một cuộc tổng tuyển cử khoảng vài tuần sau đó và sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong đó có việc ứng phó với đại dịch Covid-19, vực dậy nền kinh tế.
Giới quan sát cho rằng, chiến thắng của ông Kishida sẽ ít khả năng kéo theo một sự dịch chuyển lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản. Một trong những ưu tiên của ông Kishida là giảm tình trạng mất cân đối thu nhập. Ông cũng ủng hộ quan điểm tăng cường năng lực quốc phòng, nâng cao quan hệ an ninh với Mỹ và các đối tác khác trong đó có các nước trong nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), mặt khác vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.