1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu lính biệt kích đánh bật ghế thủ tướng Israel của ông Netanyahu

Minh Phương

(Dân trí) - Chính phủ liên minh của tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett - chính trị gia xuất thân từ doanh nhân - đã đặt dấu chấm hết cho 12 năm cầm quyền của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Cựu lính biệt kích đánh bật ghế thủ tướng Israel của ông Netanyahu - 1

Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett (trái) và người tiền nhiệm Benjamin Netanyahu (Ảnh: EPA).

Ông Naftali Bennett, một triệu phú công nghệ từng là biệt kích trong lực lượng đặc nhiệm của Israel, ngày 13/6 chính thức tuyên thệ trở thành thủ tướng mới của Israel, thay thế ông Benjamin Netanyahu - người nắm quyền lâu nhất ở Israel.

Ông Bennett, 49 tuổi, trở thành người đứng đầu chính phủ, sau khi quốc hội Israel bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ liên minh mới được lập ra. Theo thỏa thuận lập chính phủ liên minh, ông Bennett, 49 tuổi, một triệu phú công nghệ sẽ làm thủ tướng trong hai năm đầu, trong khi lãnh đạo đảng đối lập Yesh Atid, ông Yair Lapid, 57 tuổi, làm thủ tướng trong hai năm sau.

Đảng Yamina của ông Bennett chỉ giành được 7 trong tổng số 120 ghế trong quốc hội sau cuộc bầu cử hồi tháng 3, sự ủng hộ của đảng này đối với sự thành lập của chính phủ liên minh được cho là vô cùng quan trọng.

Từ lính biệt kích trở thành chính trị gia

Ông Bennett sinh ra tại Israel, có cha mẹ là người nhập cư từ Mỹ do vậy ông sử dụng tiếng Anh trôi chảy.

Ông từng là lính biệt kích trong lực lượng đặc nhiệm của Israel trước khi trở thành một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Năm 1999, ông đồng sáng lập và đồng sở hữu công ty Cyota tại Mỹ hoạt động trong lĩnh vực chống gian lận, tập trung vào gian lận ngân hàng trực tuyến, gian lận thương mại điện tử và lừa đảo. Năm 2005, ông bán doanh nghiệp này với giá 145 triệu USD.

Cựu lính biệt kích đánh bật ghế thủ tướng Israel của ông Netanyahu - 2

Trước khi gia nhập chính trường, ông Bennet từng là lính biệt kích và từng là triệu phú kinh doanh phần mềm (Ảnh: AFP).

Sau thương vụ chuyển nhượng công ty phần mềm, ông Bennett trở về Israel và bước vào con đường chính trị. Ông trở thành chánh văn phòng của cựu Thủ tướng Netanyahu từ năm 2006 đến 2008 và được coi là cánh tay phải của ông trong thời gian này. Năm 2010, ông rời văn phòng của ông Netanyahu và trở thành người đứng đầu Hội đồng Yesha, tổ chức vận động hành lang cho những người định cư Do Thái ở Bờ Tây.

Năm 2012, ông giành quyền lãnh đạo đảng Do thái cực hữu Jewish Home khi đảng này đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ. Ông Bennett đã vực dậy Jewish Home, tăng sự hiện diện của đảng này tại quốc hội lên gấp 4 lần, đồng thời gây chú ý với hàng loạt bình luận gây tranh cãi về người Palestine. Khi trở thành đại biểu quốc hội vào năm 2013, ông đã buộc phải từ bỏ quốc tịch Mỹ.

Tháng 3/2013, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế và Bộ trưởng Dịch vụ Tôn giáo của Israel. Là thành viên nội các cấp cao, ông đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề tài chính, chính trị và an ninh.

Trong cuộc bầu cử năm 2015, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục. Cuối năm 2019, ông Bennett được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng trong thời gian ngắn do ông Netanyahu lúc này lo ngại cựu đồng minh của mình có thể liên danh với các đảng khác để lật đổ ông.

Năm 2020, đứng về phe đối lập và trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, ông Bennett đã giảm bớt những tuyên bố nặng chủ nghĩa cánh hữu, tập trung đưa ra các kế hoạch đối phó đại dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế quốc gia.

"Trong những năm tới, chúng ta cần tạm gác chính trị và các vấn đề như sáp nhập Bờ Tây hay Nhà nước Palestine sang một bên để tập trung kiểm soát đại dịch, hàn gắn nền kinh tế và hàn gắn những rạn nứt nội bộ", ông Bennett tuyên bố hồi tháng 11/2020.

Thế hệ lãnh đạo thứ 3

Cựu lính biệt kích đánh bật ghế thủ tướng Israel của ông Netanyahu - 3

Ông Bennett thay thế ông Netanyahu lãnh đạo chính phủ Israel trong 2 năm tới (Ảnh: AFP).

Những người chỉ trích hoặc từng ủng hộ ông Bennett cho rằng, ông đã phản bội các cử tri dân túy khi tham gia vào liên minh với sự tham gia của các đối lập, đặc biệt là đảng của người Ả rập. Tuy vậy, ông Bennett nói rằng, ông chỉ đang làm sứ mệnh khôi phục Israel và phá vỡ bế tắc chính trị sau khi Israel đã trải qua 4 cuộc bầu cử chỉ trong vòng 2 năm. "Cam kết cốt lõi là giúp Israel vượt ra khỏi sự hỗn loạn. Tôi chọn những gì tốt cho đất nước", ông Bennett nói.

Toby Greene, nhà khoa học chính trị tại Đại học Bar Ilan, nhận định, bằng cách phá vỡ những cam kết khi tranh cử và tham gia vào một liên minh hạ bệ ông Netanyahu, ông Bennett có thể nhận được sự ủng hộ lớn hơn về lâu dài.

Anshel Pfeffer, cây bút của báo Haaretz, nhận định ông Bennett là đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ ba của Israel sau thế hệ những người sáng lập Israel và thế hệ cựu Thủ tướng Netanyahu. "Một người theo chủ nghĩa dân tộc Do Thái nhưng không giáo điều, một chút tôn giáo nhưng không phải sùng đạo. Một quân nhân yêu mến sự thoải mái của cuộc sống dân sự ở thành thị, một doanh nhân công nghệ cao không tính đến việc kiếm thêm hàng triệu USD", Pfeffer bình luận.

Ông Bennett là người có quan điểm rất tự do về kinh tế, mối quan hệ giữa các tôn giáo cũng như quyền của người đồng tính. Ông ủng hộ việc xóa bỏ các chính sách quan liêu, cắt giảm thuế. Về vấn đề xung đột ở Trung Đông, ông có quan điểm cứng rắn giống người tiền nhiệm Netanyahu, và đặc biệt có tư tưởng đối đầu với Iran.

Giới quan sát cho rằng, chính phủ mới của ông Bennett sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cả về an ninh, ngoại giao và kinh tế chưa kể đến việc nội bộ các đảng trong liên minh vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn khó hóa giải. Tuy vậy, ông Bennett phát đi tín hiệu rằng, chính phủ của ông sẽ tập trung vào các lĩnh vực mà các đảng có thể đạt thỏa thuận, như các vấn đề kinh tế hoặc đại dịch Covid-19, hạn chế những vấn đề có thể gây căng thẳng.