Cựu Giám đốc FBI nghi ngờ Nhà Trắng nói dối
(Dân trí) - Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 8/6, cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Donald Trump bôi nhọ ông, đồng thời đưa ra những lời dối trá về cơ quan nơi ông làm việc.
Cựu giám đốc FBI James Comey điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ sau khi bị sa thải hồi tháng 5
Cuộc điều trần được phát trực tiếp trên truyền hình và trên internet
Tổng thống Trump sa thải ông Comey khỏi chức vụ giám đốc FBI vào ngày 9/5 với lý do không đủ năng lực điều hành FBI
Quyết định sa thải ông Comey đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều
Cuộc điều trần kết thúc sau gần 3 giờ
Cựu Giám đốc FBI James Comey đã có phiên điều trần công khai trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ tại trụ sở Quốc hội Mỹ ở Washington. Phiên điều trần kéo dài gần 3 giờ đồng hồ, bắt đầu từ 10 giờ sáng ngày 8/6 theo giờ Mỹ (9 giờ tối theo giờ Việt Nam), sau khi ông Comey thực hiện nghi thức tuyên thệ.
Các nghị sĩ đại diện cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, chia thành hai ủy ban đã thay nhau đặt câu hỏi cho ông Comey. Nhiều vấn đề đã được đề cập tới trong phiên điều trần, trong đó tập trung chủ yếu vào quyết định sa thải ông Comey của Tổng thống Trump, nghi vấn về mối quan hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump với Nga, cuộc trò chuyện giữa ông Trump và ông Comey cũng như lời đề nghị dừng cuộc điều tra nhằm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn do tổng thống đưa ra…
Trong cuộc điều trần, ông Comey trả lời ngắn gọn các câu hỏi, song vẫn tránh né nhiều câu hỏi mà ông cho là không phù hợp để trả lời công khai.
(Ảnh: Reuters)
"Bị sa thải do cuộc điều tra nhằm vào Nga"
Cựu Giám đốc FBI Comey khẳng định ông “không nghi ngờ” về việc mình bị sa thải vì Tổng thống Trump, theo một cách nào đó, “muốn thay đổi cách thức mà cuộc điều tra nhằm vào Nga đang được tiến hành”.
Việc sa thải ông Comey có phải là một bước đi thông minh?
Thượng nghị sĩ John Cornyn của bang Texas đã đặt câu hỏi cho ông Comey rằng: “Liệu việc sa thải cựu giám đốc FBI có phải là một cách hay để dập tắt một cuộc điều tra (về mối liên hệ giữa đội ngũ của Tổng thống Trump và Nga) hay không?”. Ông Comey xác nhận rằng theo những gì ông biết, chưa có chuyện gì xảy ra để có thể can thiệp vào cuộc điều tra.
600 câu hỏi dành cho ông Comey
(Ảnh: Reuters)
Thượng nghị sĩ Joe Manchin đến từ West Virginia cho biết các cử tri đã gửi cho ông khoảng 600 đề xuất câu hỏi để nhờ ông chất vấn cựu Giám đốc FBI James Comey. Ông Manchin cho biết người dân West Virginia vẫn đang theo dõi sát sao phiên điều trần hôm nay.
"Nga vẫn sẽ theo sau Mỹ"
Khi được hỏi về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ, ông Comey nói rằng nhiều khả năng Moscow sẽ vẫn nỗ lực can thiệp bầu cử Mỹ trong tương lai.
“Họ (Nga) sẽ cố gắng hạ bệ và bôi nhọ (cuộc bầu cử Mỹ) nhiều nhất có thể. Chúng ta vẫn là một ngôi sao sáng và họ không hề thích điều đó”, ông Comey nói trước Ủy ban Tình báo Thượng viện.
Ông Comey có bị sa thải nếu bà Clinton làm tổng thống?
Ông Comey nhận được câu hỏi rằng: Nếu bà Clinton làm tổng thống, liệu ông có bị sa thải không? Trả lời câu hỏi này, cựu Giám đốc FBI nói: “Tôi thực sự không biết. Chuyện đó có thể sẽ vẫn xảy ra. Như tôi vừa nói, đó là khoảng thời gian thực sự khó khăn với tôi. Tôi đã làm những gì mà tôi nghĩ là tôi nên làm. Nếu bà ấy đắc cử, tôi cũng có thể bị sa thải”.
Trước đó, chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton rất giận dữ với ông Comey sau khi ông quyết định mở lại cuộc điều tra nhằm vào bà Clinton, liên quan tới vụ bê bối sử dụng thư điện tử của bà ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm ngoái.
Mọi người chăm chú theo dõi cuộc điều trần tại một quán bar ở Brooklyn, New York (Ảnh: Reuters)
“Hãy cứ công khai đoạn băng ghi âm”
Liên quan tới dòng chia sẻ của Tổng thống Trump trên mạng xã hội Twitter trước đây, trong đó ông chủ Nhà Trắng từng cảnh báo sẽ công khai đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện của ông với ông Comey, cựu Giám đốc FBI dường như không quan tâm tới vấn đề này.
“Tổng thống chắc chắn biết rõ rằng ông ấy có ghi âm những gì tôi nói hay không. Và nếu ông ấy làm vậy (công bố đoạn băng ghi âm) thì cảm giác của tôi cũng không có gì đau khổ cả. Hãy cứ công khai tất cả các đoạn băng ghi âm. Tôi thấy hoàn toàn không vấn đề gì”, ông Comey nói.
Ông James Comey (Ảnh: Reuters)
Ông Comey né câu hỏi về nghi vấn “thông đồng” Trump - Nga
Khi được hỏi: “Ông có nghĩ Tổng thống Trump thông đồng với Nga không?”, ông Comey đáp: “Tôi không nghĩ tôi nên trả lời câu hỏi như vậy ở một nơi công khai. Đó sẽ là câu hỏi cần được trả lời bằng một cuộc điều tra, tôi nghĩ như vậy”.
Thượng nghị sĩ Harris đặt câu hỏi cho ông Comey rằng liệu ông có biết bất kỳ cuộc gặp nào giữa các lãnh đạo trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump với người Nga mà công chúng chưa từng được biết hay không. Ông Comey cho biết ông không thể trả lời công khai câu hỏi này.
Quang cảnh cuộc điều trần đối với ông Comey (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump yêu cầu Comey dừng điều tra ông Flynn
Ông Comey nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng ông cảm thấy bất an sau cuộc trò chuyện với Tổng thống Trump hồi tháng 2 liên quan tới cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Ông Comey cho biết Tổng thống Trump đã bày tỏ hy vọng rằng ông sẽ bỏ qua cuộc điều tra nhằm vào ông Flynn và “tất cả những gì Tổng thống muốn ở tôi là dừng bất kỳ cuộc điều tra nào liên quan tới các cuộc trao đổi của ông Flynn với phía Nga”.
Cựu Giám đốc FBI James Comey giơ tay tuyên thệ trước khi bắt đầu phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ tại trụ sở quốc hội ngày 8/6 (Ảnh: Reuters)
Cáo buộc chính quyền Trump bôi nhọ
“Mặc dù luật pháp không yêu cầu phải nêu lý do khi sa thải giám đốc FBI, nhưng chính quyền (Tổng thống Trump) đã chọn cách bôi nhọ tôi và quan trọng hơn là bôi nhọ FBI khi nói rằng FBI là một mớ hỗn độn và các nhân viên của FBI đã mất niềm tin vào lãnh đạo của họ”, Reuters dẫn lời cựu Giám đốc FBI James Comey nói trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ ngày 8/6.
“Đây đều là những lời dối trá, và tôi rất lấy làm tiếc khi các nhân viên của FBI cũng như người dân Mỹ phải nghe những lời nói đó”, ông Comey nói thêm.
Trước đó, Tổng thống Trump ngày 9/5 đã khiến dư luận bất ngờ khi quyết định sa thải ông Comey - người khi đó đang dẫn đầu cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.
"Những lời giải thích dối trá "
Trong văn bản viết tay được công bố một ngày trước phiên điều trần, ông Comey cho biết Tổng thống Trump từng đề nghị ông dừng cuộc điều tra đối với ông Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia vừa bị sa thải do nghi vấn “đi đêm” với giới chức Nga. Đề nghị trên được đưa ra trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Comey tại Nhà Trắng hồi tháng 2.
Ông Comey trong cuộc điều trần (Ảnh: Reuters)
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng lời khai trên của ông Comey có thể được sử dụng để làm bằng chứng cáo buộc ông Trump cản trở luật pháp khi đề nghị dừng điều tra ông Flynn. Theo đó, đây có thể sẽ là cơ sở cho một vụ luận tội tổng thống tại Quốc hội, từ đó buộc ông Trump phải rời Nhà Trắng.
Phát biểu trước Thượng viện về vấn đề này, ông Comey nói: “Tôi không nghĩ mình có thể đưa ra kết luận rằng liệu cuộc trò chuyện giữa tôi và tổng thống (hồi tháng 2) có phải là nỗ lực của ông ấy (Donald Trump) nhằm cản trở luật pháp hay không. Tôi thấy điều này rất đáng lo ngại”.
“Khi tôi được bổ nhiệm chức giám đốc FBI vào năm 2013, tôi hiểu rằng mình có phận sự làm hài lòng tổng thống. Vào ngày 9/5, khi tôi biết tin mình bị sa thải, vì lý do đó, tôi ngay lập tức trở về nhà như một công dân bình thường. Nhưng những lời giải thích (của ông Trump về lý do sa thải), những lời giải thích dối trá đó khiến tôi rất rối trí, và chúng ngày càng khiến tôi lo lắng”, ông Comey nói về quyết định sa thải đầy bất ngờ của Tổng thống Trump.
Thành Đạt
Tổng hợp