1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc xung đột Ukraine đã mang tính toàn cầu

Có gì chung giữa đường dẫn khí “Hành lang khí đốt phía nam” EU và Mỹ dự định xây dựng từ Azerbaizan vòng qua Nga với tình hình hiện nay tại UKraine?

Khủng hoảng Ukraine ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc đối đầu toàn cầu hiện nay giữa Nga và Mỹ? Ít ai biết.

Chỉ có một điều tương đối rõ ràng là Ukraine đang là một ván cờ địa-chính trị giữa các cường quốc hàng đầu thế giới. Rất nhiều điều trong cuộc chơi này vẫn còn là một điều bí mật, những gì chúng ta biết chỉ là phần nổi của tảng băng.

Để có thể hình dung thêm phần nào về cuộc chơi này, ngày 04/6/2015, Tờ “Bình luận chính trị” (Nga) đã phỏng vấn nhà phân tích quân sự nổi tiếng, Thượng tướng Quân đội Nga, Giám đốc Viện Hàn lâm các vấn đề địa-chính trị Viện Hàn Lâm khoa học Nga L.Ivanshov (Giám đốc đương chức chứ không phải “ nguyên”) về một số khía cạnh xung quanh vấn đề Ukraine (đã lâu không thấy ông xuất hiện trên báo chí –ND).

Thượng tướng Leonhid Grigorievich Ivanshov
Thượng tướng Leonhid Grigorievich Ivanshov 

Sau đây là phần trả lời phỏng vấn của ông. Các tiêu đề là do “ Bình luận chính trị” đặt.

1. Mây đen đã phủ đầy biên giới

- Leonhid Grigorevich (Ivanshov), Mỹ muốn gì ở Ukraine?

- Ở Ukraine, người Mỹ đặt ra cho mình không chỉ một nhiệm vụ.

Thứ nhất, đây là một phần của chiến lược địa chính trị toàn cầu mà bản chất của nó là sự đối đầu giữa nền văn minh Anglo - Saxon (tạm hiểu là nền văn minh Phương Tây –ND) với cả thế giới còn lại.

Hiện nay Mỹ muốn bằng mọi biện pháp chặn đứng sự phát triển của các nền văn minh có sức hấp dẫn mạnh như văn minh Hồi giáo và nền văn minh Chính thống giáo - Slavo. Ở Ukraine – Mỹ muốn sử dụng các phần tử dân tộc cực đoan địa phương (Ukraine) tiến hành cuộc chiến tranh chống lại cộng đồng người theo đạo Chính thống giáo - Slavo mà cụ thể là Nga.

Nếu như Mỹ giải quyết được nhiệm vụ này, thì các đối tượng tiếp theo sẽ là văn minh Trung Hoa, văn minh Ấn độ...

Thứ hai, Mỹ muốn dùng Ukraine để giải quyết các vấn đề kinh tế của mình. Năm ngoái, một chuyên gia nổi tiếng người Mỹ là Paul Cristy (Tiến sỹ, giáo sư, Giám đốc điều hành Viện các triển vọng phát triển toàn cầu –Mỹ -ND), cố vấn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đã tương đối thẳng thắn xác định các nhiệm vụ kinh tế của Mỹ trên đất Ukraine.

Ông này có nhận định là hiện nay nền kinh tế Mỹ đã trong tình trạng phức tạp, đồng đô la đang mất vai trò thống trị thế giới và nếu như đồng đô la sụp đổ thì toàn thế giới sẽ rơi vào tình trạng hỗn lọan và không loại trừ khả năng sẽ xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ ba. Chính vì thế mà vì lợi ích của toàn thể loài người cần phải duy trì sự thống trị của Mỹ. Điều đó (giữ vai trò thống trị của Mỹ) trước hết liên quan đến Châu Âu. 

P. Cristy viết là sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai Mỹ đã giúp rất nhiều cho Châu Âu trong công cuộc khôi phục sau chiến tranh. Còn bây giờ đến lượt Châu Âu cần phải hỗ trợ Mỹ. Một trong những hình thức giúp đỡ như vậy là dừng hợp tác kinh tế với đối thủ địa - chính trị của Mỹ là Nga. Đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. 

Theo quan điểm của nhà phân tích này, Châu Âu cần phải đầu tư mạnh vào khai thác khí đá phiến của Mỹ, sử dụng nó để thay thế khí đốt của Nga. Trong vấn đề này, Ukraine giữ một vai trò rất quan trọng – nước này phải trở thành một rào cản chặn đứng quan hệ năng lượng giữa Nga và Châu Âu. 

- Có nghĩa là đường ống dẫn khi đốt hiện nay chạy qua lãnh thổ Ukraine sẽ gần như bị vô hiệu hóa? Còn thay nó sẽ là khí đá phiến của Mỹ và đường ống dẫn khí “ Hàng lang khí đốt Phương Nam”? Nếu như thế thì đã có thể hiểu cái gì đứng đằng sau những bước đi của giới lãnh đạo Ukraine nhằm làm cho Nga dừng việc cung cấp khí đốt cho Châu Âu?

- Đúng, chính là như vậy, bạn đã hiểu chính xác đấy. Đây chính là điều mà người Mỹ muốn. Mỹ hoàn toàn không quan tâm là chế độ chính trị nào sẽ được xác lập ở Ukraine. Chế độ nào cũng được, miễn là quyết liệt chống Nga.

Còn một hướng nữa trong chính sách của Mỹ - thành lập một vòng cung mất ổn định sát biên giới Nga, dẫn đến xung đột quân sự trực tiếp giữa Quân đội Nga và Quân đội Ukraine. Nếu như họ không làm được điều đó ở Donbaas, thì (họ) sẽ làm điều đó ở Crimea - với cái cớ đó là “ lãnh thổ của Ukraine. Đấy chính là lý do tại sao Quân đội Ukraine lại đang tăng cường lực lượng ở các khu vực sát Crimea vào thời điểm này.

Ngoài ra, Mỹ coi lãnh thổ Ukraine là bàn đạp rất thuận lợi để triển khai các căn cứ NATO và hệ thống NMD của Mỹ. Vấn đề là ở chỗ, với hệ thống NMD như hiện có Mỹ không thể kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Nga, đặc biệt là các lực lượng hạt nhân bố trí bên kia dãy Ural (tức ở Siberia-ND).

Mỹ muốn giải quyết nhiệm vụ trên bằng cách cho tàu chiến Mỹ trang bị hệ thống đánh chặn thường xuyên vào Biển Đen. Tuy nhiên, các tàu chiến Mỹ không thể liên tục có mặt tại đó vì theo các điều khoản của Công ước quốc tế Montreux thì các tàu chiến của các nước ngoài khu vực Biển Đen không được phép có mặt trên biển này quá 20 ngày đêm. 

Chính vì thế mà Mỹ cần phải có những căn cứ NMD cố định càng gần biên giới Nga càng tốt. Nếu xét từ góc độ này thì Ukraine là một vị trí trí cực kỳ thuận lợi. Nhân đây xin nói thêm là Mỹ đã từng có ý định sử dụng Crimea làm một căn cứ như vậy. Đây cũng là lý do tại sao mà ngay sau khi Chính quyền ở Kiev thay đổi, Nga đã phải thực hiện một bước đi bắt buộc là chiếm vùng lãnh thổ này.

Tuy nhiên, nếu không có Crimea thì Mỹ sẽ vẫn có những nơi khác để bố trí (hệ thống NMD) trên lãnh thổ Ukraine.

2. Cuộc chiến cân não

- Điều đó là rất nghiêm trọng đối với Nga?

- Còn hơn thế nữa. 10 năm trước đây người Mỹ đã thay đổi căn bản chiến lược quân sự và học thuyết hạt nhân của mình - vũ khí hạt nhân bây giờ đã lui về “tuyến hai”, hiện nay họ (người Mỹ) thậm chí không còn chế tạo tên lửa đạn đạo mới. Trong khi đó họ thành lập các cụm tấn công phi hạt nhân - chúng có chức năng quyết định kết cục các cuộc chiến trong tương lai.

Ngày 18/12/2003, Tổng thống Mỹ G.Bush đã ký thông quan Học thuyết mới được gọi là đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu. Theo học tuyết này, Mỹ bất ngờ triển khai đòn tấn công đối phương tiềm năng đồng thời từ các hướng chiến lược khác nhau bằng vài nghìn phương tiện vũ khí chính xác cao. Đó là các tên lửa có cánh phóng từ biển và từ trên không, tên lửa tấn công chiến lược, máy bay không người lái và...

Nói chung là học thuyết này không hề đề cập đến đòn tấn công hạt nhân, mà là loại khỏi vòng chiến đấu các hệ thống tên lửa của Nga, sử dụng các phương tiện tác chiến đặc biệt để chế áp hoàn toàn tất cả các phương tiện điện tử quân sự (phương tiện tác chiến điện tử) và các sở chỉ huy của Nga. 

Mỹ lên kế hoạch là với một đòn tấn công như vậy sẽ loại khỏi vòng chiến đấu thành phần (tác chiến) cơ bản của Nga – các tên lửa đạn đạo trên các tàu ngầm và thậm chí là các tên lửa trong các hầm phóng - tức không ít hơn 70% toàn bộ tiềm lực hạt nhân của Nga.

Tiếp theo thì căn cứ vào tình huống. Sau khi vô hiệu hóa lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, Mỹ có thể đưa ra bất cứ tối hậu thư nào đối với Nga - từ trả lại Crimea cho Ukraine đến việc bắt Nga phải giải trừ quân bị hoàn toàn.

- Còn nếu như chúng ta không đồng ý và vẫn tìm cách sử dụng số vũ khí hạt nhân còn lại ?

- Nếu có tình huống như vậy thì hệ thống NMD của Mỹ sẽ vào cuộc. Mỹ có tất cả 93 tàu chiến được trang bị hàng chục tổ hợp của hệ thống “ Aegis” mỗi chiếc – chúng có nhiệm vụ đánh chặn và tiêu diệt các tên lửa đạn đạo Nga.

Năm 2008, Mỹ đã thử nghiệm thành công hệ thống này, chỉ bằng một đòn tấn công đã hạ một chiếc vệ tinh trinh sát (của Mỹ) bị trục trặc kỹ thuật không còn sử dụng nữa. Độ cao -247 km, có nghĩa là cự ly tiêu diệt rất ấn tượng.

Chính người Mỹ lên kế hoạch “ hạ ” các tên lửa đạn đạo còn sót lại của chúng ta sau đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu bằng cách đó - trước hết, các tên lửa đạn đạo sẽ bị bắn hạ khi mới tăng tốc ở phần quỹ đạo trên lãnh thổ Châu Âu. Và không chỉ bằng các hệ thống phóng từ biển.

Chính để thực hiện mục đích trên, người Mỹ đã bố trí ở Ba Lan và Rumani cụm hệ thống NMD. Nếu như thêm cả Ukraine nữa thì trên thực tế hệ thống đánh chặn của Mỹ có thể phủ toàn bộ lãnh thổ Nga.

Và như vậy, khả năng tiềm lực hạt nhân của chúng ta (Nga) sẽ bằng con số không.

- Chúng ta (ý nuốn nói giới lãnh đạo-ND ) có nhận thức được mối đe dọa này không ?

- Họ hiểu, tuy nhiên hiện nay chúng ta gần như không thể chống lại được người Mỹ. Vào lúc đó (khi Mỹ công bố Học tuyết này-ND), chúng ta đã từng không đánh giá đúng và hết Học thuyết đòn tấn công toàn cầu, mà chỉ chăm chăm tập trung vào chế tạo các tên lửa đạn đạo mới.

Hiện nay (chúng ta) đang cố gắng lấy lại thời gian đã mất bằng cách cách triển khai học thuyết kiềm chế đối phương bằng vũ khí hạt nhân và cả vũ khí phi hạt nhân, trong đó có cả việc triển khai trực tiếp ngay trên lãnh thổ Mỹ.

Nhưng để xây dựng được một hệ thống bảo vệ như vây cần phải có thời gian, và sẽ tốn không ít thời gian. Đây cũng là một trong những lý do mà V.Putin cố gắng không gây ra những căng thẳng quá mức cần thiết trong mối quan hệ với Mỹ, kể cả trong những vấn đề liên quan đến Ukraine.

Bởi vì ai mà biết được – người Mỹ có thể lợi dụng sự gia tăng căng thẳng tiếp theo ở Donbass để thực hiện đòn tấn công toàn cầu trên thực tế.

- Tại sao họ lại chưa làm điều đó ? Bởi vì nếu muốn vô hiệu hóa tiềm lực hạt nhân của chúng ta ,thì chính đây là thời điểm thích hợp nhất, khi mà hệ thống bảo vệ của Nga mới bắt đầu được điều chỉnh ?

- Có rất nhiều điều buộc người Mỹ phải cân nhắc. Bởi vì đòn tấn công toàn cầu về mặt lý thuyết thì rất ưu việt, thậm chí đã qua thử nghiệm thành công. Nhưng ai mà biết được trên thực tế mọi việc sẽ diễn ra như thế nào?!

Và nếu như không thể đánh chặn được tất cả các tên lửa của chúng ta – vì một lý do gì đó? Và nếu như các tên lửa bị đánh chặn rơi xuống lãnh thổ các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu? Có nghĩa là đòn tấn công toàn cầu sẽ biến thành cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực tiêu diệt lẫn nhau, và trong cuộc chiến tranh đó sẽ không có người chiến thắng.

Các nhà lãnh đạo Mỹ có tư duy tỉnh táo đều hiểu điều đó, và cũng như V.Putin, họ sẽ không làm cho tình hình nóng quá ngưỡng giới hạn (vạch đỏ).

3. Kẻ thù của nhân dân cho đến bây giờ đang ngồi trong chính phủ

- Ông nghĩ như thế nào, liệu V.Putin có “ bỏ rơi” Novorossia (chắc ý muốn nói tới hai nước cộng hòa tự xưng –Donhets và Lugansk”-ND), bởi vì tình hình quốc tế đang phức tạp như vậy?

- Hiện tại Tổng thống (V.Putin) đang đứng trước một tình huống quả thực là không hề đơn giản một chút nào. Có cả mối đe dọa quân sự từ bên ngoài, các biện pháp cấm vận cứng rắn của Phương Tây và cả sự không thống nhất vô hình trong giới lãnh đạo – tinh hoa đất nước, mà trước hết là trong giới doanh nghiệp.

Một số nhà doanh nghiệp lớn ủng hộ Tổng thống vô điều kiện trong cuộc đối đầu của ông với Phương Tây, còn một số khác – công việc làm ăn của họ gắn liền với Phương Tây và họ đã triển khai doanh nghiệp của mình ở đấy – không hài lòng với các biệp pháp cấm vận và những hệ lụy của nó.

Tình hình càng trở nên phức tạp vì nhóm sau (tức nhóm có quan hệ làm ăn với Phương Tây-ND) lại được các chính khách theo chủ nghĩa tự do ủng hộ,- mà những chính khách này lại có những tiếng nói đầy sức nặng trong chính phủ.

Chính vì thế mà Tổng thống buộc phải “ đi dây” để tránh sự chia rẽ nghiêm trọng trong giới tinh hoa khi đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ bên ngoài

Nhưng dù sao, ơn Chúa, tôi thấy giới lãnh đạo của chúng ta hiểu rất rõ là vào thời điểm hiện tại không thể nào được phép “ bỏ rơi” Novorossia ! Hậu quả sẽ khủng khiếp đến mức chúng ta không thể hình dung được.

Đấy không chỉ là việc toàn bộ các cư dân Donbass có định hướng thân Nga ở một mức độ nào đó sẽ chắc chắn bị bỏ mạng, đấy không chỉ là các căn cứ mới của NATO xuất hiện ngay cạnh biên giới Nga. Đấy còn là một đòn chí tử giáng vào uy tín quốc tế của Nga trong con mắt các đồng minh của chúng ta.

Chúng ta đã một lần "phản bội" ở quy mô toàn cầu các bạn bè của chúng ta trong thời gian Liên Xô tan rã. Nếu xảy ra một lần "phản bội" nữa tương tự như vậy thì sẽ không một ai có thể tha thứ cho chúng ta.

- Tôi còn nhớ khi phỏng vấn ông 10 năm trước dây , ông đánh giá rất tiêu cực cá nhân tổng thống V.Putin và chỉ trích ông ấy rất mạnh. Từ đó đến giờ ông có thay đổi quan điểm của mình không ?

- Quan điểm của tôi vẫn không thay đổi. Nhưng tôi chỉ trích V.Putin với tư cách là tổng thống chứ không phải là chỉ trích cá nhân ông ấy. Tôi có quan điểm tiêu cực về một số hành động và bước đi cụ thể của V.Putin.

Ví dụ, cho đến bây giờ tôi vẫn cho rằng ông ấy phải chịu trách nhiệm về việc chúng ta tự mình "chui đầu vào thòng lọng" phụ thuộc vào kinh tế Phương Tây và bây giờ mới ngớ ra, thấy rõ tác hại khi Phương Tây áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế. Trong khi tôi đã cảnh báo ông về nguy cơ này nhiều năm trước đây!

Tôi cũng đã từng nói với V.Putin rằng những cách diễn giải tự do theo kiểu thị trường sẽ tự xác lập và tự điều chỉnh có tác động cực kỳ tệ hại đối với nền kinh tế của chúng ta – một nền kinh tế nhiều năm liền đã phát triển một cách hỗn loạn và không thể lường trước.

Chúng ta cần phải xác định rất rõ mô hình phát triển đất nước, và để làm được điều đó cần phải có một chiến lược dài hạn, với các kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể. Nếu không thì trong một nền kinh tế thị trường hỗn loạn chúng ta sẽ mất không những những tài sản còn sót lại của nền công nghiệp (Xô Viết) mà còn là cả nền độc lập nói chung.

Đến hôm nay tôi đã thấy là V.Putin dã sẵn sàng đi theo con đường đó, nhưng chính phủ của ông đến tận bây giờ vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn của những phần tử theo chủ nghĩa tự do - họ phá hoại ngầm gần như tất cả những sáng kiến lành mạnh của ông. Cho nên, V.Putin cần phải loại bỏ các đối tượng gây hại này càng sớm càng tốt, tốt cả cho ông và cho cả Nước Nga.

Hiện nay tôi cũng ủng hộ rất nhiều lập trường của V.Putin. Tôi hoàn toàn ủng hộ chiến thuật của ông khi sáp nhập Crimea – đây thực sự là một hành động mạnh mẽ, dũng cảm mà không phải một nhà lãnh nào hiện nay trên thế giới cũng dám làm. Tôi cũng ủng hộ ông trong các bước đi liên quan đến vấn đề Novorossia..

Nhưng điều quan trọng nhất là hiện nay ông đang ở trên đỉnh cao chính trị của đất nước, và rất tiếc là không có bất kỳ ai có thể thay thế! Nếu như dưới áp lực từ bên ngoài mà người ta buộc ông phải ra đi, thì tôi sợ rằng chúng ta sẽ “có” ngay một chế độ do những kẻ theo chủ nghĩa tự do phản động nắm quyền và nó sẽ phá nát hoàn toàn đất nước chúng ta.

Theo Lê Hùng
Đất Việt