1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc tập trận "chưa từng có tiền lệ" của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan

Thành Đạt

(Dân trí) - Đài Loan cho biết, các máy bay và tàu chiến của quân đội Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến trên biển, khi Bắc Kinh tổ chức cuộc tập trận chưa từng có tiền lệ xung quanh hòn đảo.

Cuộc tập trận chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan - 1

Trung Quốc phóng hàng loạt tên lửa tới vùng biển quanh Đài Loan ngày 4/8 (Ảnh: SCMP).

Theo SCMP, quân đội Trung Quốc ngày 4/8 đã phóng hàng chục tên lửa đạn đạo qua đảo Đài Loan, đưa máy bay chiến đấu và tàu chiến vượt qua đường trung tuyến, xuất kích máy bay không người lái trên vùng trời Đài Loan, đồng thời triển khai ít nhất một tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân trong cuộc tập trận xung quanh hòn đảo.

Các hoạt động trên chỉ là khởi đầu của chuỗi tập trận kéo dài 3 ngày do quân đội Trung Quốc tiến hành gần Đài Loan. Đây được xem là động thái của Bắc Kinh nhằm đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan trong tuần này.

Mỹ cho đến nay vẫn thừa nhận nguyên tắc Một Trung Quốc, nhưng Washington cũng phản đối mọi nỗ lực kiểm soát hòn đảo bằng vũ lực. Trung Quốc coi chuyến thăm của bà Pelosi, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, tới Đài Loan là hành động khiêu khích sau nhiều lần Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo.

Theo các nhà phân tích quân sự, khác với các cuộc tập trận chủ yếu mang tính biểu tượng trước đây, cuộc tập trận lần này của quân đội Trung Quốc gần với hoạt động tác chiến thực tế hơn và đặt ra nhiều tiền lệ nhằm làm suy yếu không gian phòng thủ chiến lược của Đài Loan.

"Ranh giới ngầm (giữa quân đội Trung Quốc và Đài Loan) đã bị phá vỡ. Lần này, quân đội Trung Quốc đặt mục tiêu chạm đến ranh giới cả về hệ thống vũ khí và chiến thuật thực tế", chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping nhận định.

Cuộc tập trận chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan - 2

Trực thăng quân sự Trung Quốc tham gia cuộc tập trận (Ảnh: AFP).

Đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan vẫn được xem là ranh giới ngầm phân định Trung Quốc đại lục và hòn đảo. Mỹ từng gây áp lực buộc Bắc Kinh và Đài Bắc phải tuân theo một thỏa thuận bất thành văn rằng, hai bên không được vượt qua đường trung tuyến này. Nhưng hôm 4/8, các máy bay và tàu của quân đội Trung Quốc đã vượt qua ranh giới.

Quân đội Trung Quốc cũng thực hiện những động thái chưa từng có khi phóng tên lửa trực tiếp qua hòn đảo và đưa các máy bay không người lái quân sự vào vùng trời của Đài Loan.

Giới phân tích cho rằng, những động thái xâm nhập trên có thể tạo tiền lệ và nếu lặp lại, có thể khiến lực lượng phòng thủ Đài Loan rơi vào thế bị động và không còn nhiều thời gian chuẩn bị. Những động thái của Trung Quốc cũng làm tăng nguy cơ một trong hai bên nổ phát súng đầu tiên trong "trò chơi cân não".

Ngay trước khi cuộc tập trận bắt đầu, các máy bay không người lái của quân đội Trung Quốc đã được phát hiện trên quần đảo Kim Môn. Lực lượng phòng vệ Đài Loan đã bắn pháo sáng để cảnh cáo.

Vào buổi chiều, quân đội Trung Quốc tiếp tục phóng ít nhất 11 tên lửa Đông Phong vào vùng biển phía bắc, nam và đông của Đài Loan. Theo cơ quan phòng vệ Đài Loan, đây là lần đầu tiên tên lửa từ đất liền bay qua hòn đảo.

Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí Kanwa Asian Defense, cho biết một trong những tên lửa được phóng đi là DF-15B, tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 800km.

Quân đội Trung Quốc cũng bắn loạt rocket vào vùng biển xung quanh Đài Loan. Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc cho biết họ đã tiến hành "các cuộc tấn công chính xác" tại các khu vực được chỉ định.

Chuyên gia Lu Li-shih tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng cho biết, tên lửa và rocket là một phần của chiến lược "chiến tranh tâm lý" khiến đối phương lo lắng và hoảng sợ. Chuyên gia Lu nói rằng mặc dù các lực lượng vũ trang Đài Loan có thể theo dõi các tên lửa này, nhưng họ không thể hành động nhiều do quỹ đạo bay của tên lửa ở độ cao lớn.

Tên lửa được phóng từ đất liền Trung Quốc về phía eo biển Đài Loan

Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông thông báo đã điều hơn 100 máy bay, bao gồm máy bay không người lái và máy bay ném bom, để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau trong ngày 4/8.

Theo cảnh quay từ đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), các máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình tối tân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc J-20 và máy bay tiếp liệu mới ra mắt Y-20U, đã tham gia cuộc tập trận.

Truyền thông địa phương đưa tin, lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan đã điều các máy bay chiến đấu Mirage 2000 và F-5 để theo dõi tình hình.

Ngoài ra, hơn 10 tàu khu trục đã được triển khai xung quanh Đài Loan, bao gồm Type 055, vốn được coi là tàu chiến mạnh nhất châu Á.

Dẫn lời một chuyên gia, báo Global Times của Trung Quốc cho biết một nhóm tác chiến tàu sân bay với "ít nhất một tàu ngầm hạt nhân" cũng đã được triển khai - một động thái khác biệt so với trước đây.

Hải quân Trung Quốc vận hành hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông. Cả hai đều rời căn cứ không lâu trước khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Loan. Hiện không rõ các tàu sân bay này có nằm trong nhóm tác chiến gần Đài Loan hay không.

Chính phủ Nhật Bản thông báo 5 tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết đây là lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo của quân đội Trung Quốc rơi xuống khu vực này.

"Đây là một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến an ninh quốc gia của đất nước chúng tôi và sự an toàn của người dân", ông Kishi nói. Tokyo cũng trao công hàm phản đối cho Bắc Kinh.

Theo Reuters, các cuộc tập trận quy mô lớn diễn ra ở 6 khu vực xung quanh hòn đảo và gây ra sự gián đoạn lớn cho giao thông hàng không cũng như hàng hải. Hơn 300 chuyến bay bị ảnh hưởng do các hãng hàng không phải chuyển hướng và ít nhất 51 chuyến bay bị hủy. Tuy nhiên, cơ quan giao thông vận tải Đài Loan khẳng định việc hủy chuyến do đại dịch Covid-19.

Khi căng thẳng quân sự ở eo biển Đài Loan trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đột ngột hủy cuộc họp với người đồng cấp Nhật Bản sau khi Nhóm G7, trong đó Nhật Bản là thành viên, đồng thời chỉ trích phản ứng của Bắc Kinh đối với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Trong khi đó, điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 4/8 chỉ trích cuộc tập trận của Trung Quốc là "bước leo thang đáng kể trong nỗ lực lâu dài của nước này nhằm thay đổi hiện trạng".

Ông Kirby tuyên bố Mỹ sẽ "không chấp nhận một hiện trạng mới" và "không chỉ Mỹ mà cả thế giới cũng sẽ bác bỏ điều đó". Quan chức Mỹ cũng cảnh báo "các hoạt động quân sự gia tăng trong khu vực của Trung Quốc có thể dẫn đến một điều gì đó nguy hiểm hơn nhiều so với hiện tại".

Theo SCMP, Reuters