1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc sống khó khăn gấp bội của người Venezuela dưới lệnh trừng phạt của Mỹ

(Dân trí) - Với việc ban hành lệnh trừng phạt tài chính mạnh nhất từ trước tới nay lên ngành dầu khí Venezuela, Mỹ đang gián tiếp khiến cuộc sống của hơn 30 triệu người dân quốc gia Nam Mỹ này rơi vào cảnh khó khăn hơn nhiều lần.

Anh 1.jpg

Trẻ em ở thủ đô Caracas ăn trưa (Ảnh: New York Times)

 

Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành lệnh trừng phạt lên công ty dầu khí quốc doanh Venezuela để ủng hộ tổng thống tự phong Juan Guaido, tác động tới nền kinh tế Venezuela dường như nhanh hơn dự kiến của Washington, theo New York Times.

Ngành dầu khí Venezuela vẫn đang tìm cách xoay xở trước ảnh hưởng mạnh mẽ của lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực buộc Tổng thống Nicholas Maduro phải từ chức.

Giới quan sát bắt đầu quan ngại rằng 30 triệu người Venezuela có thể sẽ phải đối mặt với thảm họa nhân đạo nghiêm trọng trong tương lai gần. “Tôi không rõ liệu Mỹ có kế hoạch B nếu như động thái này không thể khiến ông Maduro từ chức. Tôi quan ngại rằng nếu lệnh trừng phạt tiếp diễn, người dân Venezuela sẽ trở nên kiệt quệ”, chuyên gia Francisco Rodríguez từ công ty môi giới Torino Capital, Venezuela nhận định.

Trên thực tế, dầu mỏ xuất khẩu từ Venezuela sang Mỹ mang lại nguồn ngoại tệ nhiều nhất cho chính phủ ông Maduro, đã giảm 40% hồi tuần trước. Các khách hàng dừng hợp đồng, ngân hàng ngừng các giao dịch liên quan tới các tài khoản của Venezuela, hàng chục tàu chở dầu thô Venezuela "án binh bất động" trên khắp biển Caribe.

“Chúng tôi không thể giao hàng, chúng tôi không thể nhận tiền. Nền tài chính dường như tê liệt. Sẽ có thiệt hại to lớn”, ông Reinaldo Quintero, người đứng đầu ủy ban dầu khí Venezuela, một tổ chức đại diện cho 500 công ty dầu khí lớn nhất Venezuela.

Trong bối cảnh khó khăn trên, Nga được cho là đã đưa ra một số trợ giúp nhất định. Công ty dầu khí quốc doanh Rosneft của Moscow cho biết họ sẽ tăng sản lượng ở Venezuela trong năm nay bất chấp trừng phạt và sẽ tiếp tục hợp tác kinh doanh với Caracas, New York Times dẫn nguồn thạo tin, cho hay.

Anh 2.jpg

Chủ một hiệu thuốc ở Caracas quan ngại về ảnh hưởng của lệnh trừng phạt lên ngành dược (Ảnh minh họa: New York Times)

 

Nền kinh tế Venezuela đã suy thoái trong vài năm qua. Hiện thời, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể khiến sản lượng xuất khẩu dầu Venezuela giảm đi 2/3, chỉ còn ở mức 14 tỷ USD, làm cho quy mô nền kinh tế bị thu hẹp đi 26%.

Ông Trump nói rằng lệnh trừng phạt nhằm buộc ông Maduro phải chuyển giao quyền lực cho ông Guaido và nó gần như đã đẩy dầu Venezuela ra khỏi thị trường Mỹ.

Ông Maduro đã cáo buộc Mỹ tài trợ cho một âm mưu đảo chính, cam kết rằng sẽ không rời bỏ “ghế nóng”.

Tuy nhiên, nhiều người Venezuela đã bắt đầu lo lắng về tác động của lệnh trừng phạt có thể sẽ khiến tình trạng thiếu thốn thuốc men, thực phẩm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Chính quyền ông Maduro đã từ chối nhận viện trợ từ nước ngoài, khẳng định Venezuela không ở trong khủng hoảng nhân đạo. Theo New York Times, tình trạng thiếu thốn thuốc men đang có dấu hiệu tệ hơn. Các hiệu thuộc trên khắp thủ đô Caracas cho biết các bệnh nhân bắt đầu mua về các loại thuốc hiếm với quan ngại chúng có thể cạn kiệt vì lệnh trừng phạt.

Do sự hiện diện sâu rộng của hệ thống tài chính Mỹ cũng như vai trò của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu, lệnh trừng phạt của Washington đã vượt xa ngoài biên giới của họ. Chính phủ Venezuela rất khó khăn trong việc nhập khẩu cũng như xuất khẩu hàng hóa, dẫn đến tình trạng thiếu thốn và khan hiếm.

Mỹ cũng là đối tác thương mại chính của Venezuela, chiếm khoảng 50% hoạt động xuất nhập khẩu tới quốc gia Nam Mỹ. Chính vì vậy, giới quan sát quan ngại, nếu lệnh trừng phạt tiếp diễn và Venezuela không tìm được cách để vượt qua, tình hình sẽ trở nên khó khăn gấp bội phần. 

Đức Hoàng

Theo New York Times