1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc sống khác cổ tích của tân Hoàng hậu Nhật Bản

Cuộc sống trong gia đình hoàng tộc Nhật Bản khác xa những câu chuyện cổ tích. Đó là điều mà Công nương Masako phát hiện ra từ rất lâu trước khi trở thành tân Hoàng hậu của xứ sở Mặt trời mọc.

Cuộc sống khác cổ tích của tân Hoàng hậu Nhật Bản - 1

Nhà Vua Nhật Naruhito và Hoàng hậu Masako cùng con gái trong bức ảnh chụp năm 2002. (Ảnh: Getty Images)

Sinh cách nhau vài năm ở hai nửa của thế giới, hai cô gái trẻ tìm thấy ở nhau nhiều điểm tương đồng khi họ kết hôn với người kế vị ngai vàng của đất nước mình: Cô Diana Spencer (sinh năm 1961), kết hôn với Thái tử Anh Charles vào năm 1981; và cô Masako Owada (sinh năm 1963), kết hôn với Thái tử Nhật Bản Naruhito năm 1993.

Trong mỗi trường hợp, dường như cả nước Anh hay Nhật đều mong muốn người nối ngôi “ổn định” gia đình khi cả hai hoàng tử đều đã ở độ tuổi 30. Họ phải tìm một người vợ có xuất thân tốt và danh tiếng hoàn hảo, và tốt hơn nếu cô ấy ăn ảnh.

Là con gái một bá tước Anh, cô Diana mới 19 tuổi và đang làm việc tại một trung tâm chăm sóc trẻ em khi đính hôn với Hoàng tử Charles, người hơn cô 12 tuổi. Báo chí gọi Diana là “giáo viên vườn trẻ”, nhưng Diana khi đó chưa có bằng cấp giảng dạy chuyên nghiệp nào. Trong khi đó, cô Masako, con gái của một nhà ngoại giao, đang tiến rất nhanh trên con đường trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Cô Masako kết hôn năm 29 tuổi và Thái tử Naruhito 32 tuổi.

Nhà ngoại giao trở thành công nương

Trước tuổi đi học, cô Masako Owada đã là một công dân toàn cầu. Cô học mẫu giáo ở Nga và New York khi bố cô làm ngoại giao. Sau vài năm trở lại Nhật Bản, gia đình Owada quay lại Mỹ khi Masako học năm thứ 2 trung học. Là một sinh viên xuất sắc, cô tốt nghiệp ĐH Harvard rồi quay về ĐH Tokyo học cao học. Năm 1986, cô trở thành một trong số ít cô gái vượt qua kỳ thi đầu vào cực kỳ khó khăn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Cô Masako gặp Thái tử Naruhito trong cùng năm đó. Thái tử Naruhito được cho là đã lập tức thích Masako vì trí tuệ và lối cư xử của cô gái này. Tuy nhiên, dù báo chí rộ lên chuyện Masako có thể trở thành cô dâu hoàng tộc, cô vẫn chuyên tâm vào sự nghiệp. Cô đi nhiệm kỳ ở Anh và học tiếp ngành quan hệ quốc tế ở Oxford. Nhưng Thái tử Naruhito vẫn không quên được cô.

Khi Masako trở về nước vài năm sau đó, Cơ quan phụ trách các vấn đề của hoàng gia Nhật bắt đầu sắp xếp các cuộc gặp gỡ giữa hai người. Thái tử Naruhito theo đuổi một cách lịch sự nhưng quyết liệt để có thể cưới được người mình yêu, dù Masako nhiều lần từ chối lời cầu hôn. Nhưng cuối cùng Masako đã gật đầu và đồng ý  kết hôn vào tháng 12/1992. Lễ đính hôn của họ được tổ chức ngay tháng 1 tiếp đó.

Cả dư luận và báo chí Nhật đều háo hức với việc chọn một cô gái trẻ thông minh và xinh đẹp như vậy cho Thái tử Naruhito. Đã có rất nhiều thảo luận vào thời điểm đó về việc cô Masako trở thành biểu tượng cho những phụ nữ Nhật Bản hiện đại và có thể mang đến làn gió mới cho gia đình hoàng tộc.

 
Cuộc sống khác cổ tích của tân Hoàng hậu Nhật Bản - 2

Thái tử Naruhito và Công nương Masako trong cuộc gặp với Công nương Diana vào tháng 2/1995. (Ảnh: Pinterest)

Vất vả thích nghi

Công nương Diana nhanh chóng thực hiện được một trong những nhiệm vụ chính của mình, đó là sinh ra ra những hoàng tử nối dõi là William và Harry. Trong khi đó, Công nương Masako vấp phải trở ngại từ cơ quan phụ trách gia đình hoàng tộc. Nói thành thạo 4 thứ tiếng, Công nương Masako hy vọng có thể sử dụng các kỹ năng ngoại giao của mình cho vị trí mới, nhưng cô không thể làm điều đó. Áp lực lớn nhất đối với cô là sinh ra người nối dõi.

Công nương Masako bị sẩy thai vào năm 1999 trước khi sinh Công chúa Aiko vào năm 2001. Dù Nhật Bản vui mừng với sự ra đời của công chúa nhỏ, Cơ quan phụ trách hoàng tộc không hài lòng vì phụ nữ không được kế vị. Hơn nữa, các công chúa Nhật Bản đều phải từ bỏ địa vị hoàng tộc sau khi kết hôn, như Công chúa Sayako Kuroda sau khi kết hôn năm 2005.

Công nương Masako hiếm khi xuất hiện công khai sau khi sinh con gái. Năm 2004, một mắc chứng rối loạn thích ứng và phải điều trị.

Sự hỗ trợ của gia đình

Công nương Masako cũng phải đối mặt với nhiều áp lực như Công nương Diana (qua đời vì tai nạn giao thông năm 1997), nhưng cô luôn nhận được sự ủng hộ tận tâm và kiên trì từ chồng mình. Rất hiếm khi gia đình hoàng gia Nhật Bản thể hiện ý kiến mạnh mẽ trước dư luận, nhưng năm 2004, Thái tử Naruhito đã có hành động bất thường khi lên tiếng nói về tình hình của vợ mình.

Thái tử nói rằng Công nương Masako đã phải “làm việc vất vả để thích nghi với môi trường trong gia đình hoàng tộc trong 10 năm qua, nhưng theo tôi thấy, cô ấy đã hoàn toàn kiệt sức khi cố gắng làm điều đó. Đúng là đã có những diễn biến khiến Công nương Masako không thể theo đuổi sự nghiệp, cũng như khiến tính cách của cô ấy bị điều khiển”, Thái tử nói.

Thở phào nhẹ nhõm

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đưa ra những suy nghĩ nghiêm túc về cách bảo đảm tương lai cho gia đình hoàng gia. Dù có những kêu gọi phải hiện đại hóa luật kế vị, mở đường cho khả năng Công chúa Aiko nối ngôi cha, nhưng rất nhiều ý kiến phản đối điều này. Giữa những tranh luận đó, vào tháng 1/2006, Thủ tướng Junichiro Koizumi cam kết sẽ đệ trình dự luật cho phép phụ nữ nối ngôi.

Tuy nhiên, mọi chuyện đột nhiên chuyển sang hướng khác. Tháng 2/2006, Công nương Kiko, vợ của Hoàng tử Akishino (em trai Thái tử Naruhito) mang thai người con thứ ba. Cặp đôi này khi đó đã có 2 con gái, 14 và 11 tuổi. Chưa có hoàng tử nào ra đời trong gia đình hoàng gia Nhật kể từ khi Hoàng tử Akishino ra đời 40 năm trước.

Sự chào đời của Hoàng tử Hisahito vào tháng 9 năm đó đã đặt dấu chấm hết cho luật về kế vị, và hoàng tử sơ sinh trở thành người thứ ba trong hàng kế vị, sau ông và bố của cậu.

Không khó để tưởng tưởng xem Công nương Masako thở phào nhẹ nhõm như thế nào sau khi cháu trai chào đời an toàn. Không chỉ gánh nặng trên vai cô đã nhẹ bớt, mà điều đó còn có nghĩa là Công chúa Aiko từ đó có cơ hội để chọn con đường tương lai cho riêng mình.

Nhưng mọi việc không dễ dàng với công chúa nhỏ. Khi ở trường tiểu học, Công chúa Aiko thỉnh thoảng phải nghỉ học vì chứng lo lắng, do những “hành vi thô lỗ” của một số bạn họ. Báo chí kết nối chuyện này với các vấn đề sức khỏe của Công nương Masako, nhưng nhiều người khác thông cảm vì nhiều trẻ em Nhật gặp vấn đề tương tự khi đến trường. Năm nay 17 tuổi, dường như công chúa Aiko đã giải quyết được khó khăn này. Cô đang học hành vui vẻ và tham gia nhiều hơn vào các công việc của hoàng gia.

Còn phải chờ xem Nhà Vua và Hoàng hậu mới của Nhật Bản sẽ đi theo đường hướng nào. Dù khó có thể theo đuổi những thay đổi sâu rộng, nhưng có thể họ sẽ tạo ra bản sắc riêng cho vị trí mới của mình. Có thể đó là một kỷ nguyên mới của ngoại giao hoàng gia, công du nước ngoài hay trao cho Công nương cơ hội sử dụng các kỹ năng đã gọt dũa được sau nhiều năm học hành.

Theo Bình Giang

Tiền phong