Cuộc họp đặc biệt của WHO giữa "cơn địa chấn" Omicron
(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này sẽ họp về dự thảo hiệp ước chung để đối phó các đại dịch, trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục gieo rắc lo ngại với sự xuất hiện của biến chủng Omicron.
AFP đưa tin, trong tuần này, Đại hội đồng Y tế Thế giới - cơ quan nắm quyền ra quyết định của WHO bao gồm tất cả 194 quốc gia thành viên - sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt chưa từng có để thảo luận về sự cần thiết của một thỏa thuận hay hiệp ước toàn cầu về chuẩn bị và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Phiên họp đặc biệt này sẽ kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ hôm nay 29/11 đến 1/12 với sự tham gia của bộ trưởng y tế của các nước thành viên. Phiên họp sẽ được tổ chức theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp ở Geneva (Thụy Sĩ).
Theo Reuters, dự thảo nghị quyết dự kiến được trình bày tại phiên họp bao gồm các vấn đề như chia sẻ dữ liệu và trình tự bộ gen của các loại virus mới nổi cũng như các loại vaccine và thuốc được nghiên cứu.
WHO và Liên minh châu Âu (EU) đã hối thúc thông qua một "hiệp ước đại dịch" từ nhiều tháng qua. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Tình hình đại dịch tiếp tục hỗn loạn cho thấy tại sao thế giới cần một thỏa thuận toàn cầu để đưa ra những quy tắc cho sự chuẩn bị và ứng phó đại dịch. Thế giới đã có những hiệp ước để đối phó các mối đe dọa khác. Chắc chắn các nước cũng có chung quan điểm về sự cần thiết của một hiệp ước mang tính ràng buộc nhằm đối phó mối đe dọa đại dịch".
Phiên họp đặc biệt chưa từng có này của WHO diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục gieo rắc lo ngại cho thế giới sau hai năm kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Sau biến chủng Delta, biến chủng mới của SARS-CoV-2 có tên gọi Omicron (hay B.1.1.529) đang làm dấy lên lo ngại toàn cầu về nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 nguy hiểm hơn. Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi khoảng giữa tháng này. Theo kết quả giải trình tự gen, biến chủng này có chứa khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai, gấp đôi lượng đột biến của Delta. Một số chuyên gia cảnh báo, với lượng đột biến bất thường này, Omicron có thể dễ lây lan hơn, dễ chống lại miễn dịch hơn, do đó có thể giảm hiệu quả của vaccine.
Lo ngại này đã khiến nhiều nước trên thế giới đồng loạt áp hạn chế đi lại với một số nước Nam Phi. Tuy vậy, WHO cho rằng, còn quá ít dữ liệu để xác định Omicron có khả năng lây lan cao hơn hay khiến bệnh nặng hơn.
"Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng cao ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người nhiễm bệnh ngày càng tăng, chứ không phải do nhiễm biến chủng Omicron. Hiện tại, không có thông tin nào thể hiện rằng các triệu chứng liên quan đến Omicron khác với những triệu chứng ở các biến chủng khác", WHO bình luận.