1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Cuộc hôn nhân” trước ngõ cụt

Sau khi nỗ lực xin gia hạn thanh toán nợ bị chối từ, Hy Lạp đã chính thức bị tuyên bố là “vỡ nợ” đối với khoản vay 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cận kề với “thảm họa” bị loại ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).

Còn nhớ năm 2001, Hy Lạp đã bỏ đồng nội tệ drachma để dùng đồng euro và trở thành thành viên thứ 12 của Eurozone sau khi chứng minh được một nền kinh tế khỏe mạnh, đạt các tiêu chí về giá cả ổn định và tài chính công. Ba năm sau đó, Hy Lạp bất ngờ thể hiện bản lĩnh của một “tay chơi Eurozone” khi bỏ ra tới 9 tỷ euro để tổ chức Olympic Athens 2004.
Nhưng dường như đó là một quyết định sai lầm. Bởi hầu hết những công trình được xây dựng phục vụ cho sự kiện này lại gần như bị bỏ không, trong khi Hy Lạp bắt đầu ngập chìm trong những khoản nợ khổng lồ và rơi vào cuộc khủng hoảng nợ kéo dài đến tận hôm nay.

Cũng trong năm 2004, thiên hạ mới té ngửa ra rằng, Chính phủ Hy Lạp trên thực tế đã “thổi phồng” các số liệu về thâm hụt ngân sách nhằm đáp ứng đủ điều kiện để gia nhập Eurozone.

“Cuộc hôn nhân” trước ngõ cụt
Hàng dài người xếp hàng trước ATM ở Athens, khi chính phủ đã quyết định đóng cửa ngân hàng một tuần và chỉ cho phép mỗi cá nhân rút 60 euro mỗi ngày. (Ảnh: TTXVN) 

Những năm sau đó, Athens bắt đầu thấm đòn “lạm chi” khi liên tục bất ổn về tài chính, cùng với đó là tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, luôn ở mức ngất ngưởng. Năm 2010, Hy Lạp phải nhận những gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ euro từ bộ ba IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC).

Nay thì Hy Lạp đang nợ đến 242,8 tỷ euro từ các chủ nợ quốc tế, trong đó Đức là chủ nợ lớn nhất. Nhiều khoản nợ cũng đang sắp đến kỳ phải trả, nhất là trong mùa hè này. Chỉ riêng với khoản vay 1,5 tỷ euro của IMF vừa hết hạn vào ngày 30-6, Hy Lạp cũng hoàn toàn không có khả năng chi trả.

Cứ nhìn hình ảnh người dân Hy Lạp đua nhau xếp hàng để rút tiền tại ngân hàng và các máy ATM suốt hai ngày cuối tuần vừa qua sẽ thấy “xứ sở thần thoại” đang phải đối mặt với “thực tế ảm đạm” thế nào. Hiện toàn bộ hệ thống ngân hàng của Hy Lạp đã phải tạm đóng cửa để ngăn dân chúng rút sạch tiền trong các tài khoản, thị trường chứng khoán tê liệt và các nhà đầu tư tháo chạy.

Nếu trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5-7 tới đây, đa số cử tri Hy Lạp bỏ phiếu chống các đề nghị của các chủ nợ quốc tế thì Hy Lạp gần như chỉ còn con đường duy nhất là bỏ đồng euro để trở về với đồng nội tệ drachma trước đây.

Xem ra, viễn cảnh Grexit (nghĩa là Hy Lạp ra khỏi Eurozone) đang đến rất gần!

Mới cách đây không lâu thôi, Thủ tướng Alexis Tsipras vẫn tự tin rằng, châu Âu sẽ không dám thẳng chân “đá văng” Hy Lạp ra khỏi Eurozone. Có lẽ, đức tin “trạng chết chúa cũng băng hà” đó của ông Alexis Tsipras không phải không có cơ sở!

Trên thực tế, nhiều quốc gia thuộc Eurozone đang lo sốt vó trước khả năng Hy Lạp ra đi, dù nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm khoảng 2% tổng GDP của Eurozone. Trước hết, Hy Lạp biến mất khỏi Eurozone cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia, ngân hàng sẽ đối mặt với nguy cơ “mất trắng” các khoản vay từng dành cho Athens, chưa kể các khoản thua lỗ nảy sinh sau đó. Sự ra đi của Hy Lạp cũng dẫn tới hiệu ứng domino tồi tệ, khiến các nước từng nhận các khoản tiền cứu trợ như Ireland hay Bồ Đào Nha tiếp tục rơi vào khủng hoảng tài chính.

Hơn nữa, ai dám chắc rằng sau “tiền lệ xấu Hy Lạp”, các nền kinh tế yếu khác không mạnh miệng dọa ra khỏi Eurozone để được nhận những khoản vay?

Trong bối cảnh Eurozone vẫn đang hướng tới “dự án” gây dựng sự thịnh vượng, sự ra đi của Hy Lạp cũng sẽ khiến tham vọng duy trì Eurozone và niềm tin về sự tồn tại lâu dài của đồng euro bị lung lay.

Ngoài ra, như Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos từng tuyên bố, nếu Athens bị đẩy vào thế vỡ nợ, châu Âu cũng sẽ rơi vào tình cảnh "ngập lụt" người di cư.
Ngay cả Mỹ, nước hầu như chỉ đứng bên lề trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp, mới đây cũng đã phải lên tiếng tỏ ý lo lắng về những tác động lên kinh tế toàn cầu trong trường hợp Hy Lạp ra khỏi Eurozone. Nhưng ai cũng hiểu rằng, Washington lo sợ sự ra đi của Hy Lạp sẽ khiến xuất khẩu của nước này sang EU bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí khiến đà phục hồi kinh tế của Mỹ bị chậm lại. Đó là chưa kể, một khi ra khỏi Eurozone, Hy Lạp sẽ dễ dàng “ngã” vào vòng tay của Nga-đối thủ của Mỹ, và khiến ảnh hưởng của Washington tại khu vực châu Âu suy giảm đáng kể.

Với riêng Hy Lạp, việc phải ra khỏi Eurozone dĩ nhiên sẽ là một thảm họa, nhãn tiền là quốc gia này sẽ bị gạt ra khỏi các thị trường tín dụng quốc tế, khiến cho khả năng phục hồi nhanh chóng càng trở nên xa vời. Tỷ lệ thất nghiệp cũng theo đà đó mà tiếp tục tăng cao, trong khi các ngân hàng rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng.

Tất cả đều đang hy vọng rằng chủ nợ sẽ sớm gật đầu với đề nghị của Hy Lạp về việc gia hạn các khoản vay, đồng thời giúp quốc gia này ở lại Eurozone. Nhưng cho dù điều đó có xảy ra thì trong tương lai gần, Athens vẫn chưa thể thoát khỏi vai “con nợ” và tình trạng bất ổn tiếp diễn tại nước này là điều chắc chắn không thể tránh khỏi.

Thế mới thấy, dù Hy Lạp đi hay ở lại, “mối lương duyên” kéo dài suốt 14 năm qua giữa nước này và Eurozone tựu trung lại vẫn là một thất bại.

Theo Vũ Hùng
Quân đội Nhân dân