1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc gặp Trump - Kim có thể giúp thế giới an toàn hơn

(Dân trí) - Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề gai góc trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên, song cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sắp tới được cho là có thể giúp thế giới trở nên an toàn hơn.

Cuộc gặp Trump - Kim có thể giúp thế giới an toàn hơn - 1

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore. (Ảnh: Reuters)

 

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái diễn ra với sự phô trương của cờ hoa rực rỡ. Tuy nhiên, phía sau ánh hào quang đó là một hội nghị bị đánh giá gần như “trống rỗng” khi thiếu vắng một thỏa thuận chung về phi hạt nhân hóa.

Nhà bình luận David Ignatius của Washington Post đã đặt ra câu hỏi rằng: “Với thành tích đáng thất vọng như vậy, điều gì thực sự khả thi khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần hai tại Việt Nam trong hai tuần tới?”.

Kết quả tốt nhất có thể chỉ đơn giản là một lộ trình, bằng cách mở ra những lối đi và đánh dấu những trở ngại, giúp cho cả Mỹ và Triều Tiên trở nên an toàn hơn trong tiến trình kéo dài một thập kỷ nhằm đạt được mục tiêu do Mỹ đề ra, đó là “phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng đầy đủ” bán đảo Triều Tiên.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, một số ý tưởng thực dụng đã được các chuyên gia cả trong và ngoài chính quyền Trump đưa ra. Nền tảng của các cuộc thảo luận này xuất phát từ thực tế rằng, phi hạt nhân hóa không phải là sự từ bỏ đột ngột mà là một tiến trình theo từng giai đoạn. Nếu thành công, tiến trình này sẽ tạo ra động lực cho chính nó cũng như sự bảo đảm về an ninh ngày càng tăng.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng trước, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Daniel Coats cho biết các quan chức Mỹ nhận thức được rằng: “Triều Tiên không thể từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân và năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân, ngay cả khi nước này tìm cách đàm phán các bước phi hạt nhân hóa từng phần nhằm giành được sự nhượng bộ quan trọng của Mỹ và cộng đồng quốc tế”.

Tổng thống Donald Trump vẫn cố gắng tỏ ra lạc quan trước đánh giá đáng lo ngại của tình báo Mỹ. Ông viết trên Twitter: “Mối quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ chưa bao giờ tốt hơn thế. Không còn thử (vũ khí), hài cốt (binh sĩ Mỹ) được trao trả, các con tin trở về. Cơ hội tốt để phi hạt nhân hóa”.

Theo Washington Post, tất cả những vấn đề được ông Trump liệt kê ở trên đều đúng, ngoại trừ việc phi hạt nhân hóa vẫn còn mờ nhạt.

Stephen Biegun, đặc phái viên của Tổng thống Trump về Triều Tiên, đã có bài phát biểu thẳng thắn tại Đại học Stanford hôm 31/1 về vấn đề Triều Tiên.

“Triều Tiên cho chúng ta thấy một chút tín hiệu rằng họ vẫn chưa đưa ra quyết định dỡ bỏ và phá hủy hoàn toàn năng lực hạt nhân. Thách thức đặt ra là thay đổi đường lối chính sách của họ bằng cách thay đổi hướng đi của chính họ”, ông Biegun nhận định.

Sự chuẩn bị của các chuyên gia

Đặc phái viên Biegun bắt đầu thu thập ý kiến từ các chuyên gia tại Đại học Stanford và Tổ chức Carnegie vì hòa bình quốc tế. Hiện vẫn chưa rõ liệu đã có ý tưởng nào được đưa ra sau các cuộc thảo luận hay chưa, tuy nhiên những tài liệu do hai nhóm chuyên gia này đưa ra đã mổ xẻ một số vấn đề cơ bản của cuộc gặp Trump - Kim tại Hà Nội.

Nhóm của tổ chức Carnegie đã tập trung vào tầm quan trọng của việc phá hủy hoàn toàn, có thể kiểm chứng kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong suốt tiến trình phi hạt nhân hóa kéo dài. Để thu thập dữ liệu, họ đã tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia Trung Quốc và các chuyên gia quốc tế khác.

Nhóm Carnegie cũng nhận ra những hạn chế trong việc kiểm chứng chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, do nước này thiếu hạ tầng hiện đại và lưu giữ hồ sơ kém. Giải pháp cho vấn đề này là kiểm chứng theo xác suất, đồng nghĩa với việc không cần kiểm chứng toàn bộ kho vũ khí của Triều Tiên nhưng vẫn có thể đưa ra đánh giá tổng thể đáng tin cậy về việc liệu Bình Nhưỡng có tuân thủ cam kết hay không.

Nhóm Stanford tập trung vào các biện pháp cụ thể và rõ ràng về việc liệu mối đe dọa Triều Tiên đã thực sự giảm đi hay chưa. Theo nhóm Stanford, năm 2018 “đánh dấu sự dừng lại và giảm bớt” trong chương trình vũ khí của Triều Tiên sau khi ông Kim Jong-un dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đồng thời đóng cửa một bãi thử hạt nhân. Đây có thể là tiêu chí để đánh giá liệu chính sách ngoại giao trong tương lai có tiếp tục duy trì tiến trình này hay không.

“Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí và chương trình vũ khí của nước này cho đến khi an ninh của họ được đảm bảo. Sự đảm bảo như vậy không thể chỉ đơn giản đạt được bằng lời hứa của Mỹ hoặc một thỏa thuận trên giấy tờ, nó sẽ đòi hỏi khoảng thời gian đáng kể để hai bên cùng hợp tác và tìm hiểu lẫn nhau… và khoảng thời gian này có thể kéo dài đến 10 năm”, nhóm chuyên gia Stanford nhận định.

Theo nhóm Stanford, để thuyết phục Triều Tiên, đồng thời lôi kéo các nhà khoa học Triều Tiên và nâng cao sự kiểm chứng, Bình Nhưỡng có thể được cho phép duy trì chương trình hạt nhân dân sự và chương trình không gian vũ trụ hòa bình.

Tổng thống Trump chắc chắn sẽ tăng cường cỗ máy tuyên truyền cho hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội. Do vậy, các chuyên gia cần phân tích kỹ lưỡng các chi tiết có thể được đưa ra trong các bản thỏa thuận tại hội nghị và liệu những thỏa thuận đó có làm giảm bớt mối đe dọa quân sự của Triều Tiên hay không.

Theo Washington Post, hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim có một phần là những tuyên bố phô trương. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn có những yếu tố thực chất và nền tảng giúp thế giới trở nên an toàn hơn.

Thành Đạt

Theo Washington Post