1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc đua thu hút lao động Việt Nam tại Nhật Bản

(Dân trí) - Trong bối cảnh Nhật Bản đang cần nhiều lao động nước ngoài để đối phó với tình trạng dân số già hóa và giảm sút, chính quyền các tỉnh Nhật Bản đang bước vào “cuộc chiến” nhằm thu hút lao động Việt Nam, vốn được tín nhiệm nhờ đức tính chăm chỉ, chịu khó, cần cù.

Thống đốc tỉnh Chiba Kensaku Morita thăm một trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực ở thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Yomiuri Shimbun)
Thống đốc tỉnh Chiba Kensaku Morita thăm một trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực ở thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Yomiuri Shimbun)

Ngày 8/12, Nhật Bản đã thông qua luật cho phép nước này nhận thêm lao động nước ngoài nhằm giải quyết “bài toán” thiếu nhân công trong thời gian dài do hệ lụy của dân số giảm sút và già hóa.

Báo Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) đưa tin, nắm được xu thế trên, chính quyền địa phương tại các tỉnh, thành phố Nhật Bản đã “đi tắt, đón đầu” từ trước với những chương trình nhằm thu hút người lao động Việt Nam tới những nơi này làm việc. Thậm chí, một cuộc cạnh tranh lành mạnh đã diễn ra giữa các tỉnh này nhằm thu hút nhân công tới từ Việt Nam.

“Sẽ là quá muộn nếu hành động sau khi chính phủ thông qua chính sách (nhận thêm lao động nước ngoài)”, Thống đốc tỉnh Chiba Kensaku Morita nói. Ông Morita đã tới Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 18-21/11, đích thân tới thăm một trung tâm chuyên đào tạo và môi giới nguồn nhân lực Việt Nam cử sang Nhật Bản. Trung tâm này đã gửi 1.500 lao động, thực tập sinh kỹ thuật và sinh viên sang Nhật Bản năm 2017.

Trong chuyến thăm, ông Morita đã nỗ lực để thu hút những lao động trong lĩnh vực điều dưỡng, vốn đang thiếu hụt ở Nhật Bản.

“Chúng tôi muốn cho họ cảm thấy an tâm khi làm việc và sống ở Chiba”, ông Morita nói, nhấn mạnh rằng tỉnh này có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động nước ngoài. Ông cũng đề nghị trung tâm đào tạo nguồn nhân lực hãy sắp xếp và cử các lao động tới Chiba.

Khu vực thành thị xung quanh Tokyo hiện có cơ cấu dân số lớn tuổi và họ sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng ở ngành điều dưỡng. Bộ Sức khỏe, Lao động và Chính sách xã hội Nhật Bản ước tính ngành điều dưỡng ở các khu vực Tokyo, Kanagawa, Saitama, và Chiba sẽ đối diện với viễn cảnh thiếu tới 100.215 lao động vào năm tài chính 2025.

Hồi tháng 7, chính quyền thành phố Yokohama đã cử đoàn quan chức cấp cao tới Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số địa phương khác để ký biên bản ghi nhớ hợp tác, qua đó các trung tâm việc làm ở các địa phương sẽ sắp xếp lao động trong ngành điều dưỡng tới Yokohama. Các tỉnh như Saitama, Gunma và Aichi cũng có những văn bản ký kết tương tự với chính phủ và chính quyền địa phương ở Việt Nam về lĩnh vực nhân sự.

Số lao động Việt Nam ở Nhật Bản trong năm qua tăng lên 240.000, lớn thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Con số này tăng 9 lần chỉ trong 5 năm, nhờ vào mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa 2 chính phủ.

“Tôi nghe các công ty Nhật Bản khen ngợi rằng người Việt Nam nhìn chung rất đáng tin cậy, chăm chỉ và tận tụy như người Nhật Bản”, ông Morita nói.

Tuy nhiên, theo Yomiuri Shimbun, chính quyền Nhật Bản cũng lo ngại về một số vấn nạn xã hội liên quan tới người lao động Việt Nam. Năm ngoái, có tới 3.750 thực tập sinh Việt Nam mất tích, theo thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản. Ngoài ra, số liệu của Cục Cảnh sát Nhật Bản cũng chỉ ra hơn 5.100 vụ tội phạm hình sự liên quan tới Việt Nam. Hai con số này đều đứng đầu trong danh sách các nước có lao động tới Nhật Bản làm việc.

Đức Hoàng

Theo Yomiuri Shimbun