Cuộc đua máy bay không người lái "đốt nóng" căng thẳng Mỹ - Trung
(Dân trí) - Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới máy bay không người lái (UAV) được cho sẽ góp phần khiến cuộc đối đầu giữa 2 nền kinh tế thế giới ngày càng leo thang.
Trong một đoạn video đăng trên kênh Youtube 80.000 người theo dõi giới thiệu về các mẫu UAV mới nhất, Carson Miller, một sinh viên ở Indiana (Mỹ), không giống như một người đang vô tình sở hữu các công cụ gián điệp của Trung Quốc.
Đó là cách mà giới chức Mỹ đang nhìn nhận Miller và hàng nghìn người Mỹ mua UAV của hãng Trung Quốc DJI - nhà sản xuất UAV hàng đầu thế giới. Miller đã mua chiếc DJI đầu tiên vào năm 2016 với giá 500 USD và hiện có 6 chiếc tổng cộng. Tại Mỹ, DJI đang chiếm 50% thị phần thị trường UAV.
"Nếu ngày mai mà UAV DJI bị cấm hoàn toàn, tôi sẽ khá sợ hãi đó", Miller thừa nhận.
Những người chỉ trích DJI cảnh báo rằng, hãng này có thể đang chuyển hàng loạt dữ liệu nhạy cảm của Mỹ cho các cơ quan tình báo Trung Quốc, từ cơ sở hạ tầng quan trọng cho đến thông tin cá nhân như nhịp tim và nhận dạng khuôn mặt của người dùng.
Nhưng Miller cho rằng, người tiêu dùng phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa về tính riêng tư của dữ liệu cá nhân, không chỉ từ DJI. "Có những ứng dụng theo dõi bạn trên điện thoại 24/7", Miller nói.
Suy nghĩ đó thực sự trở thành một vấn đề cho các quan chức Mỹ đang cố gắng chấm dứt sự thống trị của DJI tại thị trường Mỹ. Tuần trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chặn các khoản đầu tư từ Mỹ vào DJI, một tuần sau khi cựu Tổng thống Donald Trump ngăn công ty này mua linh kiện do Mỹ sản xuất.
Giờ đây, các nghị sĩ Mỹ từ 2 đảng đang cân nhắc một dự luật cấm mua sắm UAV của DJI bằng ngân sách liên bang. Trong khi đó, một thành viên của Ủy ban truyền thông liên bang muốn loại bỏ sản phẩm của DJI khỏi thị trường Mỹ.
Trên thực tế, DJI đang trở thành tâm điểm tại Mỹ vì mối đe dọa an ninh quốc gia. Washington lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc sẽ có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm của hàng triệu người Mỹ.
"Mỗi một mảnh thông tin gần như không quan trọng, nhưng nếu kết hợp chúng lại, mảnh thông tin đó có thể mang tới cho đối thủ những cái nhìn sâu sắc chưa từng có về cuộc sống của hầu hết người Mỹ", giáo sư đại học Yale Oona Hathaway, cựu quan chức thời Tổng thống Barack Obama, cảnh báo.
Trong khi đó, ông Matt Pottinger, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời ông Donald Trump, cảnh báo rằng nếu Mỹ và đồng minh không có động thái đáp trả mạnh mẽ, Trung Quốc có thể tận dụng kho dữ liệu họ sở hữu để đạt được quyền lực toàn cầu.
"Cuộc chiến" dữ liệu
"Cuộc chiến" dữ liệu được xem đang trở thành một trong những trong tâm của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung và có tiềm năng định hình lại nền kinh tế thế giới trong vài chục năm tới, khi mọi thứ từ xe hơi tới thảm yoga hiện giờ đều có khả năng kết nối và chuyển dữ liệu. Việc khai thác được thông tin vừa là chìa khóa để thống trị các công nghệ như trí tuệ nhân tạo sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế hiện đại, vừa là yếu tố quan trọng để khai thác điểm yếu của đối thủ chiến lược.
Vì vậy, chuyên gia Paul Triolo, cựu quan chức Mỹ về chiến lược công nghệ toàn cầu, cho rằng an ninh dữ liệu sẽ "trở thành vấn đề quan trọng trong thập niên tới".
Hiện tại, những lo ngại về bảo mật dữ liệu đang bắt đầu lan rộng liên quan tới chuỗi cung ứng sản xuất và thị trường tài chính. Các nhà hoạch định chính sách ở cả Mỹ và Trung Quốc đang gấp rút thực hiện nhiều biện pháp hơn để bảo vệ dữ liệu công dân của họ.
Bắc Kinh đã hành động nhanh chóng hơn, thông qua luật trong năm nay nhằm ngăn chặn dữ liệu người dân lọt vào nhầm bên và tăng cường khả năng của chính phủ trong việc kiểm soát thông tin do các công ty tư nhân nắm giữ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu đánh giá an ninh mạng đối với tất cả các công ty Trung Quốc muốn niêm yết trên sàn giao dịch nước ngoài.
Trong khi đó, chính quyền Trump đã ban lệnh cấm 2 ứng dụng được sử dụng rộng rãi nhất của Trung Quốc là TikTok và WeChat, trong khi thúc giục các đồng minh ủng hộ sáng kiến "Mạng lưới sạch" gồm các mạng thông tin liên lạc không có thiết bị và công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, sáng kiến "Mạng lưới sạch" chưa được thực hiện và chính quyền ông Biden cũng đã đảo ngược lệnh cấm TikTok và WeChat. Mặc dù vậy, ông Biden cũng yêu cầu đánh giá sâu rộng nhằm tìm kiếm các khuyến nghị để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của Mỹ.
Brendan Carr, một trong bốn ủy viên của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ FCC, hồi tháng 10 khuyến nghị rằng, cơ quan quản lý nên xem xét lệnh cấm phê duyệt thiết bị của DJI, với lý do "lượng lớn dữ liệu nhạy cảm" được thu thập bởi UAV của DJI. Trong một tuyên bố của FCC, quan chức Carr cảnh báo DJI có thể là "Huawei có cánh", ám chỉ hãng viễn thông Trung Quốc mà Mỹ đã bị Mỹ áp nhiều lệnh trừng phạt liên quan tới quan ngại về an ninh quốc gia.
Giữa bối cảnh các lo ngại gia tăng, DJI năm 2019 đã giới thiệu UAV phiên bản chính phủ, được thiết kế để đảm bảo hình ảnh, video và các dữ liệu khác không bao giờ rời khỏi thiết bị. DJI tuyên bố với cơ chế này, thông tin không bao giờ được chia sẻ với các bên chưa được cấp quyền, bao gồm cả DJI. DJI tiếp tục mở rộng nỗ lực bằng việc cung cấp thêm chế độ dữ liệu nội địa nhằm ngăn chặn việc truyền mọi dữ liệu của UAV lên mạng Internet.
Tuy nhiên, DJI nói riêng và các công ty Trung Quốc nói chung đang đối mặt với trở ngại lớn hơn: Có rất ít các quốc gia phương Tây tin tưởng Bắc Kinh. Mỹ từng cáo buộc luật an ninh quốc gia của Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh dường như yêu cầu các doanh nghiệp hỗ trợ hoạt động hoạt động gián điệp và giữ bí mật những hoạt động này. Vì vậy, Mỹ coi đây là mối đe dọa về an ninh quốc gia.