Cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư lừng danh thế giới từng gặp tai nạn ở Việt Nam
(Dân trí) - Mặc dù giáo sư Seymour Papert, nhà khoa học nổi tiếng thế giới về trí thông minh nhân tạo, người từng hôn mê trong một tai nạn giao thông ở Việt Nam cách đây 10 năm, đã ra đi mãi mãi hôm 31/7 vừa qua nhưng những công trình trí tuệ và cống hiến trọn đời của ông trong lĩnh vực khoa học, giáo dục sẽ mãi được xem là di sản quý giá của nhân loại.
Logo Foundation, tổ chức giáo dục phi lợi nhuận do giáo sư Seymour Papert đồng sáng lập, đã thông báo ông qua đời hôm 31/7 tại nhà riêng ở thị trấn Blue Hill, bang Maine, Mỹ. Vợ ông, bà Suzanne Massie, cho biết nguyên nhân dẫn tới sự ra đi của giáo sư Papert là do biến chứng của nhiễm trùng thận và bàng quang.
Cuộc đời và sự nghiệp
Giáo sư Seymour Papert là một trong những nhà lý luận giáo dục hàng đầu của thế kỷ trước. Ông là đồng giám đốc của Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo nổi tiếng tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông cũng là người đi đầu trong nghiên cứu sử dụng công nghệ điện toán để giúp trẻ em phát triển tư duy và sáng tạo.
Ông Papert sinh ngày 29/2/1928 ở Pretoria, Nam Phi và theo học tại Đại học Witwatersrand. Ông nhận bằng cử nhân triết học vào năm 1949, sau đó theo đuổi chương trình Tiến sĩ toán học và là một trong những nhà hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid hàng đầu thế giới khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Các chương trình nghiên cứu của giáo sư Papert đã mở đường những chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông trong sự nghiệp khoa học. Ban đầu, ông nghiên cứu toán học tại Đại học Cambridge của Anh từ năm 1954-1958, sau đó lấy bằng tiến sĩ thứ hai trước khi chuyển sang Đại học Geneva, nơi ông làm việc cùng nhà triết học kiêm tâm lý học người Thụy Sỹ Jean Piaget. Những học thuyết về cách trẻ em nhận biết thế giới của đồng nghiệp Jean Piaget đã làm thay đổi quan điểm của ông Papert về trẻ em và việc học tập của trẻ em.
Từ Thụy Sĩ, giáo sư Papert tới Mỹ và đầu quân vào học viện MIT với vai trò là cộng sự nghiên cứu vào năm 1963. 4 năm sau đó, ông trở thành giáo sư về toán học ứng dụng, và được bổ nhiệm làm đồng giám đốc Phòng thí nghiệm trí thông minh nhân tạo cùng với người sáng lập là Giáo sư Marvin Minskey. Năm 1969, một cuốn sách mang tựa đề Perceptrons do hai ông cùng viết đã đánh dấu một bước ngoặt trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo của thế giới.
Sự nghiệp của giáo sư Papert có thể tóm gọn trong 3 lĩnh vực chính: phát triển năng lực của trẻ em, trí thông minh nhân tạo và công nghệ giáo dục. Dựa trên góc nhìn và sự quan sát của ông đối với suy nghĩ và khả năng tiếp thu của trẻ em, giáo sư Papert đã nhận ra từ sớm rằng máy tính không chỉ đơn thuần được dùng để truyền tải thông tin, thay vào đó nó cũng có thể giúp trẻ em làm thí nghiệm, khám phá và thể hiện bản thân. Nguyên lý trọng tâm trong học thuyết của giáo sư Papert đó là, con người có thể tích lũy kiến thức một cách hiệu quả nhất khi họ trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng mọi thứ trên thế giới. Vì vậy, ngay từ những năm 1968, khi máy tính còn là một sản phẩm công nghệ mới và nhiều người trên thế giới còn chưa biết đến sự tồn tại của loại thiết bị này, giáo sư Papert đã nảy ra ý tưởng rằng máy tính có thể giúp trẻ em tư duy và học hỏi theo cách của chúng.
“Bằng một khối óc với tầm nhìn và khả năng sáng tạo siêu phàm, ông Seymour Papert đã góp phần cách mạng hóa ít nhất 3 lĩnh vực, từ việc nghiên cứu cách thức làm sao để trẻ em có thể nhận thức thế giới, cho tới việc phát triển trí thông minh nhân tạo và sự giao thoa phong phú giữa công nghệ và việc học tập”, Chủ tịch MIT L. Rafael Reif cho biết.
“Dấu ấn mà giáo sư Papert để lại tại MIT vô cùng sâu sắc. Ngày nay, MIT tiếp tục mở rộng phạm vi và làm sâu sắc thêm công trình của giáo sư Papert trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào học thuật. Tôi đặc biệt trân trọng tầm nhìn đột phá của ông Papert và hy vọng rằng có thể tiếp tục phát triển ý tưởng của ông để mở thêm nhiều cánh cửa cho mọi người học thuộc mọi độ tuổi và ở mọi khu vực trên thế giới”, Chủ tịch Rafael Reif cho biết thêm.
Giáo sư Papert là một trong số những người đầu tiên nhận ra tiềm năng mang tính cách mạng của máy vi tính trong lĩnh vực giáo dục. Vào thời điểm cuối thập kỷ 60, khi máy vi tính vẫn còn là một thiết bị đắt đỏ với chi phí lên tới hàng nghìn USD/chiếc, ông Papert đã phát minh ra ý tưởng Logo, một loại ngôn ngữ lập trình đầu tiên cho trẻ em. Ông đã dùng cách này để dạy trẻ em cách sử dụng máy vi tính. Trong cuốn sách Mindstorms: Children, Computers and Powerful Ideas (Tạm dịch: Trẻ em, máy tính và những ý tưởng tuyệt vời) viết năm 1980, ông Papert đã phản biện ý tưởng cho rằng “máy tính đang được sử dụng để lập trình trẻ em”. Ông đã đưa ra cách tiếp cận hoàn toàn khác, trong đó khẳng định “chính trẻ em đã lập trình máy tính, và bằng cách lập trình này, chúng không chỉ đạt được sự nhuần nhuyễn trong việc sử dụng một thiết bị công nghệ hiện đại nhất và mạnh mẽ nhất, mà còn thiết lập mối quan hệ gần gũi với một số ý tưởng chuyên sâu nhất về khoa học, toán học, cũng như nghệ thuật xây dựng nhận thức”.
Năm 1985, giáo sư Papert bắt đầu quá trình hợp tác lâu dài với công ty LEGO, và ý tưởng của ông đã trở thành nguồn cảm hứng để công ty này cho ra đời bộ đồ chơi robot LEGO Mindstorms nổi tiếng, đặt theo tên của cuốn sách do ông viết trước đó. “Đối với nhiều người trong số chúng tôi, ông Seymour đã làm thay đổi cơ bản cách chúng tôi nghĩ về việc học tập, về trẻ em và về công nghệ”, Mitchel Resnick, cựu học sinh và là cộng sự nghiên cứu của ông Papert, cho biết. Giáo sư Papert nghỉ hưu sau một thời gian dài giảng dạy và nghiên cứu tại MIT vào năm 1996, tuy nhiên ông vẫn kiên trì theo đuổi công việc giảng dạy và cố vấn cho các nghiên cứu sinh trong nhiều năm sau đó.
Các công trình nghiên cứu của giáo sư Papert đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ nhà giáo dục và nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng, ghi nhận những cống hiến của ông trong lĩnh vực khoa học. Năm 2001, tờ Newsweek đã xếp ông vào danh sách 10 nhà cải tiến giáo dục hàng đầu nước Mỹ.
Vượt lên nghịch cảnh
Sinh ra tại Nam Phi, các thành viên trong gia đình giáo sư Papert là những người da trắng duy nhất trong khu vực. Do vậy, ông thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn phân biệt chủng tộc và đã tìm cách để vượt qua điều đó. Sau lần gặp nhà hoạt động Nelson Mandela, ông bắt đầu tham gia vào các hoạt động xã hội để đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc mà ông từng trải qua.
Ông đã trải qua 4 cuộc hôn nhân. Ông cưới bà Suzanne Massie, một nhà văn và là một học giả người Nga, vào năm 1992. Bà Massie được xem là người đã “cứu sống” ông, đồng hành cùng ông trong những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời sau khi ông gặp tai nạn giao thông tại Việt Nam.
Vào ngày 7/12/2006, khi ông Papert đang cùng một người bạn đi bộ qua một ngã tư nhộn nhịp tại Hà Nội thì bị một xe máy đâm phải. Lúc này, ông đang tham dự một hội nghị về giảng dạy toán học được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông được đưa vào một bệnh viện ở Hà Nội và phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật não. Vài ngày sau đó, ông rơi vào trạng thái hôn mê và được đưa lên máy bay để chuyển tới bệnh viện trung ương Massachusetts điều trị.
Vụ tai nạn đã khiến ông Papert bị chấn thương sọ não. Ông đã bị hôn mê trong một tháng và không thể đi lại, nói chuyện hay đọc sách. Ông đã sụt mất 18 kg và phải sử dụng một chiếc xe lăn để tập đi. Ông phải học cách tự ăn uống và làm những công việc đơn giản, thậm chí nhiều lúc ông còn cảm thấy sợ khi phải bước đi trên cầu thang.
Sau quá trình điều trị tại bệnh viện, ông trở về nhà ở Maine và trải qua những tháng ngày hồi phục đầy gian nan với sự hỗ trợ không mệt mỏi của vợ ông. Bằng tất cả khả năng, sự nhẫn nại và tình yêu thương của mình, bà Massie đã giúp chồng mình trở về là Papert của ngày trước, một người đàn ông suy nghĩ chín chắn, vui vẻ, một nhà khoa học tham công tiếc việc đến mức quên cả buộc dây giày.
Bà Massie đã dùng chính những hiểu biết từ các cuộc nghiên cứu trước đó của chồng mình để giúp ông hồi phục sức khỏe. Từ một nhà nghiên cứu xuất chúng, luôn tìm tòi phương pháp học mới cho trẻ em, ông Papert trở thành một người không có khả năng làm việc, mất trí nhớ và phải học lại từ đầu để hiểu các từ ngữ thông thường.
Bà Massie đã mời các bạn bè và đồng nghiệp, vốn là những nhà toán học thân thiết của ông Papert, thường xuyên lui tới giúp đỡ chồng mình. Họ thường mang theo các đồ dùng học tập và các trò chơi cũng như câu đố tới bệnh viện để áp dụng chính những mô hình mà ông Papert từng xây dựng và nghiên cứu trước đây trong việc điều trị cho ông.
Một số buổi sáng trong tuần, ông Papert học cùng với Peter Rottman, một người bạn cũ của ông. Chính người bạn này Rottman đã lôi cuốn ông vào các cuộc trò chuyện và giúp ông nhớ lại các lý thuyết mà ông đã xây dựng trước đây cũng như các sáng chế ông đã từng sử dụng.
Hàng ngày, ông được đưa tới phòng học và làm quen với các trò chơi và hoạt động tại đây. Với sự hỗ trợ của một số người bạn và các phụ tá, ông học chơi cờ domino để luyện tập và làm quen với các con số. Ông bắt đầu sắp xếp các dụng cụ, phụ tùng và mảnh ghép trên bộ đồ chơi Lego, loại đồ chơi robot đầu tiên dành cho trẻ em do chính ông phát minh ra và cũng là công trình để đời, gây tiếng vang lớn trong sự nghiệp nghiên cứu của ông. Ông cũng thử sức với việc giải toán và bắt đầu học cách chơi cờ. Nghĩ lại những tháng ngày vất vả ấy, bà Massie nói: “Ông ấy là một người dũng cảm tới mức khó tin”.
Sau 10 năm chống chọi với bệnh tật, giáo sư Papert đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31/7. Ông đã để lại cho nhân loại những công trình nghiên cứu quý báu, và hơn hết là tinh thần vươn lên không ngừng nghỉ để đạt được những điều mình muốn trong cuộc sống. Nói như người bạn đời của ông: “Ông ấy luôn tò mò, cởi mở và ham học hỏi như một đứa trẻ. Ông ấy sẽ không bao giờ mất đi”.
Thành Đạt
Tổng hợp