1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc đấu Trump - Biden nóng rực sau cái chết của nữ thẩm phán

Minh Phương

(Dân trí) - Cái chết của Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg có thể là tin xấu với ứng viên Joe Biden và đảng Dân chủ nếu kết quả bầu cử tổng thống sắp tới gây tranh cãi và buộc tòa án phải can thiệp.

Cuộc đấu Trump - Biden nóng rực sau cái chết của nữ thẩm phán  - 1

Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg qua đời hôm 18/9. (Ảnh: Reuters)

Tòa án Tối cao là tòa án liên bang cao nhất tại Mỹ, là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp trong chính phủ nước này. Tòa án Tối cao có thể đưa ra những phán quyết mang tính bước ngoặt lịch sử với nước Mỹ, với người dân Mỹ.

Tòa án Tối cao có tiếng nói quyết định trong các tranh tụng về luật liên bang, có quyền tuyên bố các đạo luật của quốc hội và của các viện lập pháp tiểu bang, hoặc các hoạt động của nhánh hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến.

Thẩm phán của Tòa án Tối cao của Mỹ được bổ nhiệm trọn đời và được phê chuẩn bởi Thượng viện. Họ là những người có thể quyết định vấn đề như quyền hạn của tổng thống, phủ quyết hay phê chuẩn các sắc lệnh của tổng thống, các vấn đề quan trọng với người Mỹ như kiểm soát súng đạn, nhập cư…

Trước khi bà Ginsburg qua đời, Tòa án Tối cao Mỹ có tổng cộng 9 thẩm phán, trong đó 2 thẩm phán gồm Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh do Tổng thống Trump đề cử.

Nhiều nghị sĩ Dân chủ đã tỏ ra bất bình với việc đảng Cộng hòa đến nay đã được bổ nhiệm 15 trong tổng số 19 thẩm phán Tòa án Tối cao ngay cả khi phe Cộng hòa ít phiếu bầu phổ thông hơn trong 6/7 cuộc bầu cử tổng thống gần đây.

Giới chuyên gia cho rằng, việc đề cử một thẩm phán mới của Tòa án Tối cao chỉ vài tuần trước bầu cử tạo lợi thế lớn cho ông Trump trong bối cảnh ông mất dần sự ủng hộ của cử tri nữ. Nếu ứng viên cho ghế trống thẩm phán Tòa án Tối cao là một phụ nữ, ông Trump có thể phần nào thu hút sự ủng hộ của phụ nữ, đặc biệt ở các vùng ngoại ô.

Ngoài ra, việc thẩm phán bảo thủ chiếm số lượng áp đảo cũng khiến nhiều nghị sĩ Dân chủ lo ngại rằng, phe bảo thủ của Tòa án Tối cao có thể ra những phán quyết bất lợi cho họ trong một số vụ kiện, trong đó không loại trừ vụ kiện liên quan đến tranh cãi kết quả bầu cử.

Hồi tháng 4, với 5 phiếu thuận, 4 phiếu chống của 9 thẩm phán, Tòa án Tối cao Mỹ đã đảo ngược quyết định của thẩm phán liên bang về gia hạn nộp phiếu bầu vắng mặt trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Wisconsin.

Với cuộc bầu cử năm nay, giới quan sát lo ngại sẽ có nhiều vụ kiện hậu bầu cử. Tổng thống Donald Trump nhiều lần cảnh báo gian lận bầu cử có thể xảy ra. Ông cũng từ chối trả lời trực tiếp câu hỏi liệu ông có chấp nhận kết quả bầu cử nếu thua đối thủ Biden không.

Cơ hội của ông Trump

Cuộc đấu Trump - Biden nóng rực sau cái chết của nữ thẩm phán  - 2
Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ đề cử một phụ nữ thay thế bà Ginsburg. (Ảnh: AFP)

Ghế trống Thẩm phán Tòa án Tối cao “dậy sóng” chính trường Mỹ
Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg qua đời hôm 18/9 đã khiến chính trường Mỹ "dậy sóng" khi chỉ còn chưa đầy 50 ngày nữa tới ngày bầu cử chính thức.

Cái chết của bà Ginsburg đã trao cho Tổng thống Donald Trump cơ hội lần thứ 3 trong đời đề cử thẩm phán trong số 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao. Điều đó cũng có thể tác động đáng kể đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa ông và ứng viên Dân chủ Joe Biden. Ông Trump cho biết, tuần tới ông có thể đề cử một phụ nữ vào vị trí thẩm phán tòa án Tối cao còn trống.

Trước khi bà Ginsburg qua đời, tỷ lệ thẩm phán bảo thủ và thẩm phán cấp tiến ở Tòa án Tối cao là 5 - 4. Vì vậy, ngay cả khi ghế thẩm phán của bà Ginsburg bỏ trống, đảng Dân chủ vẫn cần hai phiếu từ phe bảo thủ để tránh thua hoặc tình thế hòa 4-4 trong bất kỳ kịch bản hậu bầu cử nào. Đó là chưa kể đến việc ông Trump và đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện có cơ hội nâng số thẩm phán bảo thủ lên 6 người, trong khi số thẩm phán cấp tiến còn 3 người. Đảng Cộng hòa hiện giữ 53 ghế trong Thượng viện và chỉ cần 50 phiếu ủng hộ để thông qua đề cử thẩm phán mới.

Đảng Dân chủ và ứng viên tổng thống Joe Biden những ngày gần đây ra sức phản đối việc Tổng thống Trump đề cử người thay thế thẩm phán Ginsburg để đề nghị Thượng viện phê chuẩn. Ông Biden cho rằng, việc đề cử này nên chờ sau cuộc bầu cử nhất là hiện tại một số bang đã bắt đầu bỏ phiếu sớm. Đảng Dân chủ lập luận, năm 2016, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell từng ngăn cản cựu Tổng thống Barack Obama đề cử thẩm phán Tối cao. Ông McConnell khi đó nói rằng: "Vị trí này không nên được lấp đầy cho đến khi chúng ta có tổng thống mới".

Lo ngại kịch bản năm 2000 có thể lặp lại

Reuters dẫn lời một số chuyên gia luật nhận định, nếu Tổng thống Trump có thể cất nhắc một nhân vật bảo thủ vào vị trí thay bà Ginsburg, Tòa án Tối cao có thể sẽ giải quyết các tranh chấp theo hướng có lợi cho ông - một kịch bản có thể làm trầm trọng hơn nữa tình trạng chia rẽ đảng phái ở Mỹ và đe dọa danh tiếng của Tòa án Tối cao với vai trò trọng tài độc lập. Điều này làm dấy lên lo ngại kịch bản năm 2000 lặp lại khi Tòa án Tối cao ra phán quyết cuối cùng người thắng cuộc trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa ứng viên Cộng hòa George W. Bush và ứng viên Dân chủ Al Gore.

Tranh cãi kết quả bầu cử khi đó khiến tòa thượng thẩm Florida quyết định cho kiểm lại toàn bộ phiếu bầu của bang, song các nỗ lực kiểm phiếu độc lập cho những kết quả rất khác nhau, lần thì Al Gore thắng, lần thì Bush thắng dù chỉ chênh nhau vài trăm phiếu. Tòa án Tối cao sau đó đã vô hiệu hóa lệnh tái kiểm phiếu của tòa thượng thẩm Florida, cho rằng lệnh này là "vi hiến". Với kết quả bỏ phiếu của 9 thẩm phán Tòa án Tối cao tuyên bố ông Bush đắc cử.

"Nếu so sánh, phản ứng của dư luận với trường hợp của ông Bush và Gore có thể vẫn nhẹ nhàng hơn. Không thể tưởng tượng được phản ứng sẽ ra sao nếu kịch bản này lặp lại vào năm nay", Joshua Douglas, giáo sư luật tại Đại học Kentucky, nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, khả năng lặp lại kịch bản năm 2000 là rất ít. Tuy vậy, cả ông Trump và ông Biden đều đã xây dựng cho mình một đội ngũ pháp lý hùng hậu sẵn sàng đối phó với các thách thức kiện cáo hậu bầu cử.