1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chuyện trò ngắn ngủi với Henry Kissinger

“Tôi vừa nói chuyện với một cô gái Việt Nam trẻ ở đây. Tôi hỏi bố cô ấy làm gì. Cô bảo ông ấy, trong một giai đoạn của cuộc đời, bắn máy bay Mỹ. Đây là điều chúng ta cần tránh...”

 Bài phát biểu của Henry Kissinger trong buổi lễ ra mắt vào ngày 29/11 với nhóm lãnh đạo mới của Viện Giáo dục quốc tế (IIE) mà ông làm đồng chủ tịch bắt đầu như thế. Ông nói đó cũng là lý do cần tăng cường trao đổi văn hóa và hiểu biết giữa các quốc gia.

 

Phòng họp Gotham City sang trọng ở trung tâm New York tối 29/11. Toàn những nhân vật có “máu mặt” trong giới tài chính như Michael Rockefeller và các đại sứ đến dự buổi tiệc ra mắt Nhóm những nhà lãnh đạo mới thế giới của Viện Giáo dục quốc tế.

 

Một người đàn ông thấp đậm với cặp kính gọng đen quen thuộc bước vào: Henry Kissinger. Một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử hiện thời. Một người Do Thái chạy trốn phát xít Đức và trở thành bộ trưởng ngoại giao hiếu chiến của nước Mỹ. Người được giải Nobel hòa bình năm 1973 cùng với ông Lê Đức Thọ khi ký hiệp định ngừng chiến ở VN, nhưng cũng là người bị tòa án và tổ chức nhiều nước trên thế giới gọi là tội phạm chiến tranh.

 

Tôi bước đến và Kissinger mỉm cười chìa tay chào khi nhìn thấy bóng dáng áo dài chắc rất quen thuộc với ông. Tôi là phóng viên mới từ Hà Nội sang. “Hình như ông chưa bao giờ trả lời phỏng vấn báo chí VN. Liệu có cơ hội cho cuộc phỏng vấn đầu tiên không, thưa ông?”.

 

“Không, không bao giờ tôi trả lời báo chí VN”. “Nhưng chiến tranh đã qua 30 năm rồi, có rất nhiều đổi thay...”. “Chương về VN đã kết thúc trong cuộc đời tôi”. Có thể thấy rõ sự xúc động mạnh ở con người này. “Có bao giờ ông định đến thăm VN một lần không?”. “Không. Dù tôi biết nhiều người Mỹ đầu tư vào VN...”.

 

“Nhưng cô quá trẻ...”. “Thật ra gia đình tôi có lịch sử dài với chiến tranh...”. “Bố cô làm gì?”. “Bố tôi từng là bộ đội Trường Sơn, bắn máy bay Mỹ...”. “Đó không phải là một nghề” - ông ngắt lời, nhìn chằm chằm vào tôi... “Sau đó bố tôi làm công nhân”.

 

“Đánh ai thì đánh, đừng đánh VN. Một dân tộc anh hùng, rất can đảm - mắt Kissinger trở nên đăm đắm lạ lùng khi nói câu này - Tôi mong mọi chuyện tốt đẹp với họ”.

 

Ngồi trong bàn tiệc lộng lẫy, dưới ánh mắt tò mò nhưng thân thiện của những người Mỹ, tôi nhớ cha, người đã mất vì vết thương thời chiến tranh, vết thương đau đớn bao nhiêu năm nhưng cũng khiến gia đình tôi thương yêu nhau hơn.

 

Nhớ những câu chuyện ông kể đầy tự hào về tháng năm gian khổ chiến đấu trong đoàn 559. Sự trong sạch và ngay thẳng đầy chất lính của ông làm những đứa con sinh sau chiến tranh chúng tôi luôn tôn kính và tiếp bước, dù biết cuộc đời có thể sẽ chông gai hơn.

 

Tôi cố tưởng tượng xem cha tôi sẽ nghĩ gì. Một điều tôi chắc chắn là ông sẽ cười to sảng khoái kiểu “bộ đội Cụ Hồ” và không có sự căm hận. Nhưng có thể ông sẽ kể lại chuyện những người đồng đội đã chết trên tay ông vì bom đạn Mỹ.

 

Và nước Mỹ vẫn tiếp tục gây chiến tranh. Kissinger mới viết một bài trên Washington Post với ý rằng với những kinh nghiệm ở VN, Mỹ không nên rút quân khỏi Iraq sớm. Kissinger, ông có nghĩ liệu bao giờ ông lại gặp những người Iraq là con cái của những người ở phía bên kia chiến tuyến, và họ sẽ nói gì...

 

Theo Trần Lệ Thùy (Sinh viên Cao học báo chí, Đại học New York)

Tuổi trẻ