Cuộc chiến Nga - Mỹ trên đất châu Âu
(Dân trí) - Theo lời các quan chức điện Kremlin, Nga đang chuẩn bị đáp trả bằng quân sự đối với kế hoạch gây tranh cãi của Mỹ nhằm xây dựng một hệ thống tên lửa mới tại châu Âu. Động thái này khiến Nga không khỏi lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang theo kiểu chiến tranh lạnh.
Kremlin đang cân nhắc các biện pháp đối đầu chủ động nhằm đáp trả quyết định đặt các tên lửa đánh chặn của Mỹ tại Ba Lan và một trung tâm radar ở Cộng hoà Séc - hai quốc gia từng phụ thuộc vào Liên bang Xô viết cũ.
Mặc dù Kremlin chưa công bố công khai kế hoạch đó nhưng các chuyên gia quốc phòng cho biết, sự đáp trả của Nga có thể bao gồm việc nâng cấp kho tên lửa hạt nhân, đặt nhiều tên lửa hơn vào bệ phóng lưu động và chuyển hạm đội tàu ngầm hạt nhân tới phương bắc, nơi những thiết bị này hầu như không thể bị dò tìm.
Nga cũng có thể đưa các căn cứ tên lửa mới của Mỹ vào trong tầm ngắm của tên lửa hiện đại Iskander - có khả năng được phóng từ vùng Kaliningrad lân cận.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, phát ngôn viên của điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết Matxcơva cảm thấy bị phụ bạc trước kế hoạch của Lầu Năm Góc.
Ông Peskov nói: “Chúng tôi rất lo ngại và cảm thấy thất vọng. Chúng tôi chưa bao giờ được thông báo trước về kế hoạch này. Dự án tên lửa đánh chặn của Mỹ đã tạo ra những thay đổi to lớn tới sự cân bằng chiến lược tại châu Âu và sự ổn định chiến lược của thế giới”.
Phát ngôn viên của điện Kremlin cho biết thêm: “Có khả năng chúng tôi sẽ có những phương án đối phó với chi phí thấp và hiệu quả cao. Bất kỳ sự đối phó nào đều không vượt quá công nghệ hiện thời. Nhưng cùng với các biện pháp quân sự đối đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng muốn đối thoại và đàm phán”.
Chính quyền Mỹ khẳng định kế hoạch tên lửa và radar của họ tại châu Âu được thiết kế nhằm hạ gục tên lửa bắn tỉa từ Iran và CHDCND Triều Tiên. Mỹ cho rằng hệ thống này vô hại với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga.
Nhưng khẳng định của Mỹ cũng đã chịu sự ngờ vực rộng khắp, không chỉ từ Nga mà còn từ các đồng minh NATO trong đó có Đức. Tháng trước, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức Kurt Beck cảnh báo, Mỹ và Nga đang ở bờ vực của một cuộc đua vũ trang khác trên đất châu Âu.
Các chuyên gia quốc phòng cho biết, không có nghi ngờ gì về mục tiêu thực sự của kế hoạch mà Mỹ đang triển khai. Tướng Vladimir Belous, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vũ khí chống tên lửa của Nga nói: “Khu vực địa lý của vùng triển khai có mục tiêu chính là Nga và các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc. Các căn cứ của Mỹ tạo ra một sự đe doạ thực sự với các cơ sở hạt nhân chiến lược của chúng tôi”.
Sự đe doạ về một cuộc chạy đua vũ trang mới diễn ra vào đúng thời điểm quan hệ Nga-Mỹ lâm vào giai đoạn căng thẳng nhất trong một thập kỷ qua. Vào tháng 2 vừa rồi, trong một bài phát biểu tại Munich (Đức), Tổng thống Nga Putin đã buộc tội chính quyền Mỹ đang tìm kiếm “một thế giới đơn cực, một trung tâm quyền lực”.
Hôm thứ 6 tuần trước, Duma quốc gia Nga đã cảnh báo kế hoạch của Mỹ có thể kích động một cuộc chiến tranh lạnh thứ 2. Bản tuyên bố của Duma có đoạn: “Những quyết định như vậy - vô dụng trong việc ngăn cản những nguy cơ hoặc sự đe doạ không có thực từ các quốc gia Trung đông và Viễn Đông, đã tạo ra sự chia rẽ mới tại châu Âu và khơi mào cho một cuộc đua vũ trang mới”.
Các nhà phân tích cho rằng, Nga đang có cảm giác Mỹ thất hứa sau khi từng cam kết rằng sẽ từ bỏ chiến tranh lạnh sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Yevgeny Myasnikov, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm vũ khí tại Matxcơva nói: “Ý nghĩ về chiến tranh lạnh lại xuất hiện, đặc biệt là từ phía phương Tây. Nga rất thất vọng về những gì đã xảy ra sau năm 1991. NATO đã bắt đầu mở rộng và Mỹ đã bắt đầu nghĩ rằng họ đã chiến thắng chiến tranh lạnh. Chúng tôi đã hi vọng về một sự hợp tác nhưng điều đó không xảy ra”.
Ánh Ninh
Theo Guardian