1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Nga Putin công kích “những kẻ can thiệp ngoại bang”

(Dân trí) - Tổng thống Nga Putin ngày 26/4 đã đọc thông điệp liên bang cuối cùng trước khi rời cương vị lãnh đạo, trong đó ông Putin đặc biệt nhấn mạnh tới 2 điểm là “những kẻ can thiệp ngoại bang” và đe doạ rút khỏi Hiệp ước quân sự với châu Âu.

Mở đầu bài phát biểu, nhà lãnh đạo Nga đề nghị dành một phút mặc niệm cho cựu tổng thống Boris Yeltsin, vừa qua đời vì bệnh tim vào hôm thứ 2 đầu tuần và được an táng ngày 25/4. Trước đó, ông Putin đã dự định đọc thông điệp liên bang vào đúng ngày đưa tang ông Yeltsin nhưng kế hoạch này đã được lùi lại 1 ngày.

Tổng thống Nga Putin đã dành một thời gian quan trọng để nêu bật những thành tựu của nền kinh tế Nga với hàng loạt những con số ấn tượng.

Nhà lãnh đạo Nga tự hào tuyên bố: “Chúng ta đã xây dựng một cuộc sống mới mặc dù còn tồn tại những vấn đề chính trị và xã hội. Đất nước đã dần dần và từng bước chuyển mình theo chiều hướng tốt đẹp. Nước Nga giờ đây không chỉ vượt qua hoàn toàn giai đoạn dài suy thoái mà còn trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới”.

Sức mạnh kinh tế cũng là một nhân tố chính biến nước Nga dưới thời Putin khác hẳn với nước Nga dưới thời Yeltsin. Khi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 vào năm sau, ông Putin đã đạt được một trong những điều mà người tiền nhiệm của ông đã đánh mất - lòng tin của người dân Nga.

Về “những kẻ can thiệp ngoại bang”, Tổng thống Putin đã cảnh báo những cá nhân và nhóm người nước ngoài đang tài trợ cho các chiến dịch tại Nga nhằm can thiệp vào tình hình nội bộ.

Ông Putin phát biểu: “Nguồn tiền từ bên ngoài được sử dụng để gây ảnh hưởng tới các vấn đề nội bộ đang ngày càng gia tăng. Một số kẻ thậm chí còn sử dụng các biện pháp bẩn thỉu, cố gắng xúi giục những mâu thuẫn giữa các tôn giáo và các nhóm người trong một đất nước dân chủ, đa sắc tộc của chúng ta”.

Theo ông Putin, để giải quyết tình hình này, nước Nga nên nhanh chóng sửa đổi luật pháp để thắt chặt hình phạt cho các hành động phá hoại của những kẻ cực đoan.

Trong thông điệp liên bang, tổng thống Nga cho biết chính phủ của ông có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng vũ trang tại châu Âu (CFE) do phương Tây không đạt được tiến triển nào trong việc phê chuẩn hiệp ước này.

Được kí kết bởi NATO và Khối hiệp ước Vacsava vào năm 1990, CFE nhằm mục đích hạn chế số binh sĩ và vũ khí mà NATO và các nước trong Khối hiệp ước Vacsava có thể bố trí khắp Châu Âu. CFE sau đó đã được sửa đổi và kí kết vào năm 1999.

Tuy nhiên, CFE hiện mới chỉ có 4 nước ký kết là Nga, Belarus, Ukraina và Kazakhstan trong khi hầu hết các thành viên NATO đều từ chối phê chuẩn do các nước này cáo buộc Nga không thực hiện cam kết rút quân đội ra khỏi Gruzia và Moldova.

Cũng nhân dịp này, ông Putin đã chỉ trích việc Mỹ mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Ba Lan và Cộng hoà Czech. Tổng thống Nga nói: “Rõ ràng là kế hoạch của Mỹ không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ Nga-Mỹ. Nó còn ảnh hưởng tới lợi ích của các quốc gia châu Âu, trong đó có những thành viên không thuộc NATO”.

Cuối bài phát biểu tại quốc hội liên bang, tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tái khẳng định một lần nữa rằng ông sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Ông Putin cho biết, thông điệp liên bang thường niên tiếp theo sẽ do người kế nhiệm của ông thực hiện.

VTH

Theo BBC

Dòng sự kiện: Nga Mỹ lườm nguýt