Cuộc chiến chống IS: Đã đến lúc thay đổi sách lược
Cấp bách nhất là châu Âu và Mỹ phải chấp nhận thực tế rằng: các cuộc xung đột phe phái kéo dài ở Trung Đông là một mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu đối với an toàn và an ninh của họ ở trong nước.
Chiến dịch chống IS thực hiện bởi liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu kéo dài đã 15 tháng nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả đáng kể, minh chứng bằng những cuộc tấn công liên tiếp mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) IS gây ra tại nhiều nơi trên khắp thế giới, mới đây là vụ khủng bố đẫm máu ở Paris ngày 13/11 làm 129 người thiệt mạng.
Trực thăng Apache của Mỹ trong một vụ không kích IS
Chiến lược của IS
Cuộc tấn công khủng bố Paris có thể đã được dàn xếp và tính toán một cách kỹ càng bởi nó xảy ra trùng với ngày kỷ niệm quan trọng của người Hồi giáo, một sự kiện vốn luôn nằm trong chiến lược tuyên truyền của IS: Ngày 13/11/1914, thủ lĩnh tinh thần của đế chế Ottoman, Sheikh-ul-Islam đã tuyên bố cuộc thánh chiến Hồi giáo với phương Tây, kêu gọi những tín đồ đạo Hồi cầm vũ khí đứng lên chống lại các cường quốc Anh, Pháp và Nga trong Thế chiến thứ nhất. Cuộc xung đột đó cuối cùng đã dẫn đến sự thất bại của vương quốc Hồi giáo Ottoman, một vết hằn trong lịch sử Hồi giáo mà al-Qaeda và IS thường xuyên nhắc tới.
Nhiều khả năng vụ tấn công này chỉ là một phần trong sách lược của Nhà nước Hồi giáo IS. Tổ chức này đang thực hiện một chiến lược toàn cầu để bảo vệ lãnh thổ của mình ở Iraq và Syria, nuôi dưỡng các chi nhánh ở các khu vực có người Hồi giáo chiếm đa số, cũng như khuyến khích và chỉ đạo các cuộc tấn công khủng bố trên khắp thế giới.
Chúng đã xuất khẩu sự tàn bạo và các biện pháp quân sự sang cho các nhóm ở Libya, Ai Cập, Afghanistan và những nơi khác. Bây giờ chúng đang sử dụng các kỹ năng chiến thuật thu được tại chiến trường Trung Đông để khiêu khích một phản ứng chống Hồi giáo dữ dội, qua đó sẽ tạo ra thêm nhiều tân binh cho IS ngay trong các xã hội phương Tây.
Mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo là phân cực xã hội phương Tây. Nhóm này hy vọng rằng các cuộc tấn công thường xuyên có sức tàn phá lớn nhân danh mình sẽ gây nên các phản ứng thái quá từ các chính phủ châu Âu chống lại những người Hồi giáo vô tội, qua đó càng làm cô lập và cực đoan hóa cộng đồng người Hồi giáo trên khắp châu lục. Cuộc tấn công ở Paris chỉ là trường hợp gần đây nhất của chiến dịch đang tăng tốc này.
Trước cuộc tấn công đẫm máu ở Paris ngày 13/11, Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu: “Khủng bố Paris là hành động chiến tranh của IS, một đội quân thánh chiến Hồi giáo chống lại nước Pháp… Chúng ta (nước Pháp) sẽ dẫn đầu trận chiến này và chúng ta nhất quyết không khoan nhượng”.
Theo sau tuyên bố hùng hồn của Tổng thống Pháp là những bài phát biểu thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ từ Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron. Tuy nhiên, những bài phát biểu hay những lời thề đầy quyết tâm của các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ không có ý nghĩa gì nếu như họ không nhanh chóng tìm ra một chiến lược thực sự rõ ràng và hiệu quả cho cuộc chiến chống IS.
Cho đến khi cuộc khủng bố Paris diễn ra, IS gần như đã “bắt thóp” được phương Tây. Chúng cho rằng phương Tây sẽ không đời nào cử bộ binh đến Iraq và Syria để triệt phá những cơ sở của IS. Nhóm khủng bố này cũng tin rằng phương Tây sẽ không làm gì nhiều hơn ngoài tiến hành những cuộc không kích.
Một chiến lược chỉ dựa vào không kích
Thực tế, chiến lược tiêu diệt IS của phương Tây cho đến nay hầu như chỉ dựa vào các cuộc không kích và việc huấn luyện quân đội Iraq cũng như các lực lượng đối lập ở Syria. Mặc dù rất tốn kém (Mỹ đang chi tới 8 triệu mỗi ngày cho chiến dịch không kích IS), nhưng những cuộc không kích của Mỹ tỏ ra không mấy hiệu quả.
Hạn chế thứ nhất của chiến lược dựa vào không kích, đó là Mỹ buộc phải tránh những mục tiêu IS nằm cạnh các khu dân cư, do lo ngại gây thương vong cho dân thường. Nhóm khủng bố cực đoan này còn có những mánh khóe man rợ như bắt giữ con tin và sử dụng họ làm những “lá chắn sống” để đối phó với các cuộc không kích. Điều này gây cản trở đáng kể cho chiến lược không kích của Mỹ.
Thứ hai, do phương Tây không triển khai bộ binh nên việc thu thập thông tin tình báo về các căn cứ và chiến dịch của IS là rất khó khăn. Mặt khác, những chỉ huy của IS cũng rất thành thạo các phương pháp liên lạc và di chuyển khác nhau để tránh bị phát hiện. Các cuộc không kích hầu như không thể ngăn chặn hay làm hạn chế việc IS thu nạp thêm các tình nguyện viên với nguồn lực dồi dào và liên tục từ các nước phương Tây.
Thứ ba, chiến lược không kích của phương Tây không thể cản trở IS phát triển và mở rộng mạng lưới của mình do chúng có sự kết nối, tiếp tay và hậu thuẫn từ rất nhiều khu vực lân cận. IS rất thông thạo và hiểu rõ địa bàn mà chúng kiểm soát. Chúng ưu tiên các thị trấn kết nối Iraq với Syria, nơi chúng có thể đảm bảo nguồn tiếp tế ổn định.
Mục tiêu của các cuộc không kích là nhằm cản trở các tuyến đường quan trọng này từ đó làm suy giảm khả năng tác chiến của IS, tuy nhiên, nhóm khủng bố IS vẫn mặc nhiên lớn mạnh, phát triển và mở rộng hoạt động, thậm chí còn thu hút được tài trợ và sự ủng hộ của các tập đoàn ở Ai Cập, Afghanistan, Maghreb và Nigeria.
Trong cuộc chiến với IS, lực lượng bộ binh duy nhất đang tỏ ra có hiệu quả là đội quân người Kurd. Gần đây, trong các chiến dịch tấn công trên bộ có sự hỗ trợ của không lực Mỹ, lực lượng người Kurd đã chiếm lại thị trấn chiến lược Sinjar ở miền Bắc Iraq từ tay IS, cắt đứt đường cao tốc 47, tuyến viện trợ quan trọng của IS nối Syria với Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq. Chiến thắng ở Sinjar chỉ là một ví dụ để cho thấy rằng, không kích sẽ chỉ mang lại kết quả nếu như được tiến hành đồng thời với các chiến dịch hiệu quả trên bộ.
Sau vụ khủng bố ở Paris, giờ đây phương Tây có 3 sự lựa chọn rõ ràng:
Thứ nhất, họ có thể tiếp tục theo đuổi chiến lược chống IS như hiện nay, một chiến lược vốn đã chứng tỏ không mấy hiệu quả.
Thứ hai, tiến hành các chiến dịch tấn công trên bộ có sự phối hợp của các lực lượng đồng minh địa phương ở Syria và Iraq để đẩy lùi IS.
Thứ ba, phương Tây có thể đơn giản là từ bỏ cuộc chiến ở Iraq và Syria, mặc cho IS hoành hành hơn nữa.
Phương án nào trên đây cũng đều có tính mạo hiểm và sẽ mang lại những hệ quả nhất định. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nhất thiết phương Tây cần có một sự tính toán lại và thay đổi cách tiếp cận của mình đối với cuộc chiến chống IS.
Cấp bách nhất là châu Âu và Mỹ phải chấp nhận thực tế rằng: các cuộc xung đột phe phái kéo dài ở Trung Đông là một mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu đối với an toàn và an ninh của họ ở trong nước. Những cuộc chiến tranh ở Syria và Iraq đang giúp huy động các phần tử cực đoan từ khắp nơi trên thế giới. Đó là những đấu trường nơi những kẻ khủng bố có thể tích lũy các kỹ năng chiến tranh và mang chúng trực tiếp về phương Tây.
Sự tự mãn của phương Tây về các cuộc xung đột này phải chấm dứt. Các nước phương Tây phải tránh được sự cám dỗ trong việc ủng hộ những nhà độc tài như Bashar al-Assad của Syria với hy vọng rằng những người này có thể đánh bại một kẻ thù mà chính họ đã giúp trỗi dậy, cũng như giúp kiềm chế một cuộc xung đột mà chính họ đã thúc đẩy.
Các cuộc tấn công Paris phải trở thành lời kêu gọi hành động để chấm dứt các cuộc chiến tranh đang xé nát Trung Đông và làm những người tị nạn tuyệt vọng tràn ngập thế giới. Các cuộc tấn công này cũng là một bằng chứng nữa chứng minh rằng chúng ta không thể sống trong hòa bình ở trong nước, trong khi hàng triệu người ở nơi khác đang chìm trong chiến tranh.
Theo An Hy
Hà Nội mới