1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bước ngoặt chống khủng bố

Cuộc tấn công khủng bố đẫm máu vào Paris của nước Pháp đã tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống lại hiểm họa trên toàn cầu, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bước ngoặt chống khủng bố - 1

Pháp đã huy động nhiều máy bay chiến đấu, không kích dồn dập vào lực lượng IS ở Syria sau vụ khủng bố Paris

Cho dù chưa có kết luận cuối cùng song việc Tổng thống Francois Hollande lên tiếng quy kết trách nhiệm và bản thân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào Paris đêm 13-11 vừa qua đã khiến lực lượng này trở thành tâm điểm trong cuộc chiến chống khủng bố của cả thế giới. Với vụ tấn công khủng bố Paris - nếu đúng như IS tự nhận, tổ chức khủng bố này không chỉ tuyên chiến với nước Pháp mà còn tuyên chiến với cả thế giới.

Gần 15 năm trước, sự kiện khủng bố đẫm máu 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng đã mở ra cuộc chiến chống khủng bố trên bình diện toàn cầu, trong đó đi đầu là nước Mỹ. Chính quyền Mỹ ngay sau đó đã phát động cuộc tấn công quân sự vào Afghanistan nhằm tiêu diệt Al Qaeda, mạng lưới khủng bố mà theo Washington đã lấy quốc gia Nam Á này làm hang ổ để lên kế hoạch và tổ chức vụ khủng bố vào nước Mỹ cũng như nhiều nơi khác trên toàn cầu.

Sau hơn 10 năm với chiến phí lên tới hàng nghìn tỷ USD cùng hơn 2.500 binh sĩ liên quân, chủ yếu là lính Mỹ và hơn 10.000 thường dân Afghanistan thiệt mạng, cuộc chiến chống Al Qaeda đã làm suy yếu đáng kể tổ chức khủng bố này, đặc biệt là tiêu diệt được nhân vật  Mỹ cho là “trùm khủng bố số 1 thế giới” Osama Bin Laden. Vẫn còn hiện diện ở khu vực Trung Á, bán đảo Arab và vùng Sừng châu Phi, song Al Qaeda hiện khó có thể tổ chức các cuộc tấn công quy mô lớn.

Tuy nhiên, khi Al Qaeda suy yếu thì lực lượng IS lại nổi lên thành tổ chức khủng bố còn nguy hiểm và tàn bạo hơn gấp bội. Từ thành trì là các vùng lãnh thổ rộng lớn tại Syria và Iraq, IS không chỉ hoành hành tại các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông mà đang vươn bàn tay khủng bố ra thế giới, trong đó vụ tấn công khủng bố Paris đánh dấu việc tổ chức khét tiếng tàn bạo này mở rộng hoạt động ra ngoài khu vực Trung Đông.

Hiểm họa khủng bố mới đang đặt ra những thách thức mới cùng một cuộc chiến mới cho không chỉ riêng nước Pháp mà cả cộng đồng thế giới. Cuộc chiến này, theo những động thái tức thời sau vụ tấn công khủng bố tại Paris cho thấy, sẽ tập trung trên hai mặt trận chính: Diễn ra ngay trong lòng từng quốc gia và  tại thành trì của lực lượng IS tại Syria và Iraq.

Đi đầu trong nỗ lực chống khủng bố trong nước, các nước như Pháp, Đức, Anh, Thụy Sĩ… đều đã tuyên bố tăng cường cả nhân lực và kinh phí cho các cơ quan an ninh chuyên trách như Cục Tình báo liên bang Đức (BND) sẽ có thêm 225 biên chế, trong đó 125 người chuyên hoạt động tình báo chống khủng bố và Cục Bảo vệ Hiến pháp (BfV, cơ quan tình báo nội địa của Đức) cũng có thêm một Phó Cục trưởng và 250 biên chế mới, trong đó 150 người sẽ phụ trách công tác chống chủ nghĩa cực hữu.

Tại nước Anh, Chính phủ nước này đã quyết định tăng ngân sách Nhà nước trong vòng 5 năm cho hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt liên quan tới cuộc chiến chống lại IS như tuyển dụng thêm 1.900 nhân viên (tăng 15% quân số) cho Cơ quan Tình báo nội địa Anh (MI5), Cơ quan tình báo đối ngoại Anh (MI6) và Cơ quan tình báo điện tử (GCHQ).

Cuộc chiến chống IS tại Syria và Iraq chắc chắn có bước chuyển lớn khi Pháp đã quyết định chiến dịch không kích quy mô lớn cùng với các đồng minh khác, nhất là Mỹ. Cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris rất có thể khiến chính quyền Mỹ đi tới quyết định triển khai lực lượng trên bộ ở Syria và Iraq trong trường hợp không kích không mang lại hiệu quả rõ rệt.

Theo Hoàng Hà

An ninh thủ đô

Bước ngoặt chống khủng bố - 2