1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

“Cuộc chiến” chồng chéo giữa các bên tại Thượng đỉnh G20 năm 2019

Dư luận thế giới đặc biệt chú ý tới hành xử giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Nga, và Ấn Độ tại Thượng đỉnh G20 năm nay.

Lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo về sự phá hủy thương mại toàn cầu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tố các nước phát triển thực thi hành vi bảo hộ khiến cho nền thương mại toàn cầu bị “phá hủy”. Ông đưa ra phát ngôn đó trước khi gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày họp thứ 2 của Thượng đỉnh G20 tổ chức ở Osaka, Nhật Bản vào ngày hôm nay (29/6/2019). “Tất cả những điều này đang hủy hoại trật tự thương mại toàn cầu”.

Các bình luận trên của ông Tập không đề cập đến nước Mỹ nhưng có vẻ đều nhắm tới Tổng thống Mỹ Trump.

“Cuộc chiến” chồng chéo giữa các bên tại Thượng đỉnh G20 năm 2019 - 1

Từ trái qua: Các nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump, Nhật Shinzo Abe và Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP.

Ông Tập nói thêm: “Điều này cũng gây tác động lên lợi ích chung của các nước chúng ta, phủ bóng đen lên hòa bình và ổn định trên toàn thế giới”.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra các nhận định này vào hôm 28/6, đúng một ngày trước khi dự cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Trump mà các nhà lãnh đạo khác hy vọng sẽ giúp hóa giải cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thủ tướng Nhật Bản lo ngại

Trước đó cũng vào ngày 28/6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng tình trạng bất mãn do toàn cầu hóa đã gây ra sự đối đầu căng thẳng giữa các quốc gia. Nhưng ông nhấn mạnh rằng điều quan trọng là bảo đảm các giải pháp nhất quán với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Ông Abe bày tỏ: “Tôi có mối quan ngại lớn về tình hình hiện nay của nền thương mại toàn cầu. Thế giới đang theo dõi định hướng mà các lãnh đạo G20 đang đi. Giờ đã tới lúc chúng ta gửi đi một thông điệp mạnh để duy trì và củng cố một hệ thống thương mại tự do, công bằng và không phân biệt đối xử”.

Hầu hết sự chú ý tại G20 năm nay là về quan hệ thương mại với Mỹ với câu hỏi về việc Washington và Bắc Kinh có thể đạt được một thỏa thuận hay không.

Đả kích trước, mềm mỏng sau

Tổng thống Mỹ Trump công kích cả một số nước và khối đồng minh của mình, bao gồm EU, Nhật Bản, và Ấn Độ trước khi ông đến Osaka, Nhật Bản. Nhưng vào hôm 28/6, ông lại có giọng điệu mềm mỏng hơn khi đứng cạnh một vài vị lãnh đạo trong số này như vậy.

Đứng cạnh Thủ tướng Đức Angela Merkel – một người thường xuyên bị ông đả kích, ông Trump nói rằng bà là một người tuyệt vời và ông rất vui được có một người bạn như bà.

“Cuộc chiến” chồng chéo giữa các bên tại Thượng đỉnh G20 năm 2019 - 2

Lãnh đạo các nước dự Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, vào cuối tháng 6/2019. Ảnh: AFP.

Mới một năm trước đó, ông Trump chỉ trích bà Merkel tại một hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, khiến một số vị lãnh đạo khác ngỡ ngàng. Còn ngày 28/6, ông Trump nói thương mại giữa Mỹ và Đức đã đạt tới một mức độ cao. Ông nói, “chúng tôi sẽ xem xem liệu có thể làm tốt hơn không, nhưng thương mại giữa 2 bên đã đạt tới một cấp độ chưa từng đạt được trước đó”.

Sau khi chỉ trích Ấn Độ vì đã nâng mức thuế quan lên các sản phẩm Mỹ trong lúc trên đường tới Osaka, ông Trump lại có vẻ thân thiện hơn khi xuất hiện trước công chúng lúc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông lại nói “Mối quan hệ với Ấn Độ đã tốt hơn”.

Putin khen Trump, lãnh đạo EU công kích lại Putin

Tổng thống Mỹ Trump cũng đã gặp Tổng thống Nga Putin vào hôm 28/6. Trước đó trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times trước G20, ông Putin đã ca ngợi Tổng thống Mỹ là một lãnh đạo dân túy hiểu về cử tri của mình và tuyên bố chủ nghĩa tự do là đã “lỗi thời”.

Đáp lại ông Putin, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk phát biểu ở Nhật Bản: “Bất cứ ai tuyên bố nền dân chủ tự do là lỗi thời thì cũng tuyên bố tự do là lỗi thời, rằng chế độ pháp trị đã lỗi thời và rằng nhân quyền là lỗi thời”. Ông Tusk tiếp tục công kích: “Với châu Âu chúng tôi, đây là và vẫn sẽ là những quyền thiết yếu. Điều mà tôi thấy lỗi thời là chủ nghĩa toàn trị, tệ sùng bái cá nhân”.

Có nhiều cuộc gặp song phương diễn ra giữa các nhà lãnh đạo G20 trong 2 ngày của hội nghị thượng đỉnh này nhưng trọng tâm chú ý vẫn là cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 29/6.

Tổng thư ký tổ chức OECD, Ángel Gurría, nói với Financial Times rằng điều quan trọng nhất tại G20 năm nay là tạo điều kiện cho Mỹ và Trung Quốc đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán trong tương lai để chấm dứt cuộc thương chiến giữa họ.

Ông Ángel Gurría nói: “Vấn đề ở đây không phải là thông cáo của G20. Chúng tôi đều đánh cược và ủng hộ ông Tập và ông Trump tìm được điểm tương đồng”.

Biến đổi khí hậu cũng nổi lên như một chủ đề nóng khác tại hội nghị G20 này với việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ chối ký vào bất cứ tuyên bố chung nào loại bỏ vấn đề này theo yêu cầu của Mỹ. Phát biểu ở Tokyo trước khi diễn ra G20, ông Macron cho biết biến đổi khí hậu sẽ là một “lằn ranh đỏ”.

Theo Trung Hiếu

VOV.VN