1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cục diện địa chính trị Tây-Thái Bình Dương sẽ biến chuyển lớn

Chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Đảng CSVN là bước đột phá chiến lược, cục diện địa chính trị Tây TBD sẽ có thay đổi.

Cục diện địa chính trị là trạng thái quan hệ quốc tế của một nhóm quốc gia và nước lớn trụ cột chiến lược tạo ra trong một thời kỳ nhất định.

Mỹ, với chiến lược “xoay trục”, đã đưa 60% lực lượng Hải quân thường trực tại châu Á-TBD, củng cố, mở rộng các liên minh quân sự, chính trị và một Hiệp ước thương mại đối tác xuyên TBD (TPP) của 12 quốc gia trong đó có Việt Nam đang hình thành.

Những toan tính địa chính trị và mở rộng môi trường địa chính trị kiểu bành trướng lãnh hải của Trung Quốc đã và đang diễn ra hung hăng, đã tạo ra những mâu thuẫn lớn trong khu vực.

Thực sự, Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến địa chính trị với Trung Quốc ngay tại khu vực ĐNA và châu Á-TBD.

Trên Biển Đông, Việt Nam có một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ĐNA, là nơi giao thoa lợi ích quốc gia của nhiều cường quốc lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ… Trong bối cảnh tình thế đó, Việt Nam cũng đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra một môi trường địa chính trị có lợi.

Hành động hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa Việt Nam; bồi đắp đảo chiếm trái phép tại biển Đông của Việt Nam nhằm xây dựng căn cứ quân sự đã khiến cho đối sách hòa bình với Trung Quốc của Việt Nam trên Biển Đông khó đạt được kết quả...Việt Nam phải chuyển hướng chiến lược. Đó là tăng cường tiềm lực quốc phòng để sẵn sàng bắt kẻ xâm lược trả giá đắt, đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế đặc biệt là hợp tác song phương với Hoa Kỳ trên cơ sở những tương đồng về lợi ích trên Biển Đông.

Khi Việt Nam-Hoa Kỳ nở nụ cười thân thiện-nụ cười chiến thắng.
 
Khi Việt Nam-Hoa Kỳ nở nụ cười thân thiện-nụ cười chiến thắng.
 
Tính “đặc biệt”, “lịch sử” trong chuyến công du sang Hoa Kỳ của TBT Đảng CSVN đã được giới truyền thông đề cập quá nhiều nên không nhắc lại nữa. Ở đây chúng ta cần quan tâm đến tính hợp lý và tác động trực diện của chuyến thăm này.
 
Trước hết, chuyến công du Hoa Kỳ của TBT là nhu cầu chiến lược của đôi bên.

Quan điểm cho rằng Hoa Kỳ “ve vãn” Việt Nam để biến Việt Nam thành tiền đồn ngăn chặn Trung Quốc bành trướng xuống Biển Đông…là luận điệu tuyên truyền của thế lực thù địch, của báo chí Trung Quốc.

Đúng là có sự trùng hợp về mục tiêu chiến lược của Việt Nam và Hoa Kỳ trên Biển Đông là ngăn chặn Trung Quốc chiếm Biển Đông; đúng là Trung Quốc đang hung hăng bành trướng xuống Biển Đông bằng những hành động bất chấp luật pháp quốc tế... đã thách thức nguy hiểm đến an ninh, chủ quyền biển đảo Việt Nam, uy hiếp hàng hải quốc tế…nhưng bản lĩnh độc lập và ngọn cờ chính nghĩa của Việt Nam đã thể hiện kiên quyết ở Liệp hiệp quốc và thế giới.

Hoa Kỳ thừa biết duy nhất trên Biển Đông chỉ có Trung Quốc là nhân tố đe dọa, thách thức đến chủ quyền, an ninh Việt Nam nhưng Việt Nam bình tĩnh, chủ động xử lý theo luật pháp quốc tế và không tạo cớ cho Trung Quốc bước qua “làn ranh đỏ”.

Điều đó có nghĩa là cùng hành động ngăn chặn, chống Trung Quốc bành trướng xuống biển Đông, nhưng nguyên nhân của Hoa Kỳ và Việt Nam hoàn toàn khác nhau. Nguyên nhân của Hoa Kỳ là vì Trung Quốc thách thức, đe dọa an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông và an ninh lợi ích quốc gia Hoa Kỳ khi Trung Quốc biến Biển Đông thành khu “đặc quyền quân sự” để “chia đôi TBD với Mỹ”…trong khi đó nguyên nhân của Việt Nam là vì Trung Quốc xâm hại đến chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Như vậy, từ 2 nguyên nhân này có thể thấy rằng, bài toán địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là không có lời giải, nghĩa là mâu thuẫn tích tụ cho đến khi vỡ lở. Trong khi đó giữa Trung Quốc và Việt Nam lại có lời giải với nghiệm số là Trung Quốc phải tôn trọng toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông.

Tiếc thay, Trung Quốc đã mắc phải những sai lầm chiến lược.

Trung Quốc đã đánh giá sai phản ứng của Việt Nam trước lợi ích quốc gia, dân tộc khi bị xâm hại. Hành động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ làm cho sự khác biệt về ý thức hệ giữa các quốc gia được khắc phục sớm hơn dự kiến, bởi lẽ lợi ích quốc gia, dân tộc hơn lúc nào hết phải được coi là ưu tiên của mọi ưu tiên.

Trung Quốc hành động bất chấp ngang ngược bồi lấp đảo, xây căn cứ quân sự trên Biển Đông đã không tính đến phản ứng quyết liệt của Hoa Kỳ khi thách thức an ninh quốc gia của họ. Có thể nói, Trung Quốc đã quá đà và hành động này đã làm tăng cao độ tương đồng lợi ích chiến lược của Việt-Mỹ, như “giọt nước cuối cùng” làm thay đổi trạng thái quan hệ Việt-Mỹ.

Vì vậy chuyến công du của TBT Đảng CSVN sang Hoa Kỳ được coi là đúng lúc khi 40 năm qua Việt Nam và Hoa Kỳ đã chuẩn bị “đủ lượng” sẵn sàng cho sự thay đổi “chất”; được coi là đúng thời điểm, khi Trung Quốc bất chấp tiến hành bồi lấp các đảo chìm chiếm được của Việt Nam xây dựng thành căn cứ quân sự.

Chuyến công du tạo nên sự đột phá chiến lược.
 
Theo Lê Ngọc Thống
Đất Việt
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Thế giới, quý độc giả có thể gửi đến ban Quốc tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thegioi@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!