Cục diện bầu cử Mỹ hậu "Siêu Thứ Ba": Vẫn rất khó lường?
Dù cả bà Clinton và ông Trump đều thắng lợi vang dội trong ngày "Siêu Thứ Ba" nhưng cục diện các cuộc bầu cử nội bộ các Đảng ở Mỹ vẫn rất khó lường.
Ngày "Siêu Thứ Ba" vừa qua đã chứng kiến thắng lợi áp đảo của 2 ứng cử viên đang dẫn đầu đảng Cộng hòa và Dân chủ là tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong các cuộc bầu cử được đồng loạt tổ chức tại 12 bang và vùng lãnh thổ Samoa.
Tuy nhiên, chiến thắng của cả bà Clinton lẫn ông Trump trong sự kiện cực kỳ quan trọng này chưa đảm bảo chắc chắn cho họ suất ứng cử viên Tổng thống chính thức của mỗi đảng, và những đối thủ còn lại cũng chưa hết hy vọng nắm giữ chiếc ghế Tổng thống Mỹ thứ 45.
Đúng như dự đoán, bà Hillary Clinton và ông Donald Trump tiếp tục bỏ xa các đối thủ với chiến thắng tại 7 bang cho mỗi người, đưa viễn cảnh về một cuộc so găng quyết định giữa hai ứng cử viên này vào đầu tháng 11 tới trở nên thực tế hơn bao giờ hết.
Kể từ năm 1988 đến nay, tất cả các ứng cử viên chiến thắng trong "Siêu Thứ Ba", ngày có số lượng các bang tổ chức bầu cử sơ bộ lớn nhất, đều trở thành ứng cử viên Tổng thống chính thức.
Về phía Đảng Cộng hòa, những đợt công kích dồn dập của đối thủ cũng như những nhân vật có ảnh hưởng lớn ngay trước thềm "Siêu Thứ Ba" đã không thể cản nổi thắng lợi của ông Trump tại Alabama, Massachussetts, Tennessee, Georgia, Virginia, Arkansas và Vermont.
Chiến thắng này đã nâng số phiếu đại biểu mà ông Trump giành được cho đến nay lên 319, chiếm hơn 1/4 số phiếu đại biểu cần thiết để có thể kết thúc cuộc đua với các đối thủ khác trong Đảng.
Dù ứng cử dưới danh nghĩa Đảng Cộng hòa nhưng thắng lợi vang dội của ông Trump trong ngày "Siêu Thứ Ba" lại trở thành cơn ác mộng đối với các thành viên Cộng hòa chính thống, những người đang tìm cách ngăn chặn ứng cử viên mà họ coi là “ngoại đạo”, “ngẫu hứng”, “tiền hậu bất nhất” và đặc biệt là có nhiều quan điểm trái ngược với đường lối của Đảng Cộng hòa.
Họ lo ngại rằng nếu ông Trump trở thành tổng thống thì họ sẽ không thể kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng được do tỷ phú này không bị ràng buộc về lợi ích, nhất là trong vấn đề vận động tiền tranh cử của các nhà tài trợ Cộng hòa, cũng như việc ông Trump sẽ rất dễ bị ứng cử viên của Đảng Dân chủ đánh bại nếu trở thành ứng cử viên chính thức của Đảng Cộng hòa.
Trước mùa bầu cử, giới tinh hoa của đảng Cộng hòa đều đánh giá ông Trump chỉ là ứng cử viên hạng 2 và sẽ nhanh chóng bị cử tri loại bỏ, nhưng những chiến thắng mang hiệu ứng domino của nhà tài phiệt đã khiến họ giật mình và nhận ra rằng mọi nỗ lực ngăn cản ông Trump dường như đã hơi muộn.
Cơn ác mộng "Siêu Thứ Ba" còn chưa dừng lại khi ứng cử viên có khả năng đánh bại ông Trump trong Đảng Cộng hòa vào thời điểm hiện tại lại chính là Thượng nghị sỹ Ted Cruz, người rất không được lòng các chính khách của đảng này.
Với chiến thắng tại Texas, Alaska và Oklahoma trong ngày “Siêu Thứ Ba”, ông Cruz tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 và hiện đang kém ông Trump gần 100 phiếu đại biểu.
Trong khi đó, ứng cử viên được đặt nhiều kỳ vọng nhất là Thượng nghị sĩ Marco Rubio lại có màn trình diễn thất vọng nhất khi chỉ giành chiến thắng tại Minnesota, thắng lợi đầu tiên của ông này kể từ đầu mùa bầu cử. Theo giới phân tích thì hiện có 2 kịch bản có thể ngăn cản bước tiến của ông Trump.
Thứ nhất là các ứng cử viên còn lại của Đảng Cộng hòa sẽ chiến thắng tại các bang quê hương của mình trong 2 tuần tới, khiến ông Trump không giành đủ số phiếu cần thiết để kết thúc cuộc đua trước ngày Đại hội Đảng Cộng hòa vào tháng 7 tới.
Thứ hai là một số ứng cử viên sẽ tự nguyện rút lui để dồn phiếu cho ứng cử viên còn lại. Tuy nhiên, kịch bản này là khó khả thi do lợi ích cá nhân của mỗi ứng cử viên cũng như sự thiếu thống nhất về một chiến lược cụ thể và nhất quán chống lại ông Trump trong nội bộ Đảng Cộng hòa.
Trong khi các ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa đang chống đối nhau kịch liệt thì con đường của bà Hillary Clinton lại có vẻ thuận lợi hơn nhiều.
Thắng lợi tại 7 bang và vùng lãnh thổ Samoa trong ngày “Siêu Thứ Ba” cũng những chiến thắng trước đó đã mang lại cho cựu Ngoại trưởng Mỹ 1.052 phiếu đại biểu, gấp đôi đối thủ Bernie Sanders.
Ứng cử viên Đảng Dân chủ cần ít nhất 2.383 phiếu đại biểu để có thể đại diện cho đảng này so tài với ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Trong ngày "Siêu thứ Ba", bà Clinton không chỉ thắng các bang có các cộng đồng thiểu số lớn mà còn cả bang mà cử tri da trắng chiếm đa số như Massachussttes.
Nếu bà Clinton chiến thắng tại các bang lớn như Michigan, Florida, Ohio, Illinois, Bắc Carolina và Missouri trong 2 tuần tới như dự đoán thì cơ hội cho đối thủ Bernie Sanders gần như không còn.
Tuy nhiên, cho dù lép vế trước bà Clinton, ông Sanders vẫn kiên quyết từ chối bỏ cuộc và tuyên bố sẽ tiếp tục chạy đua cho đến khi cử tri trên toàn bộ 50 bang của nước Mỹ “cất lên tiếng nói”.
Ông Sanders hoàn toàn có lý khi vòng bầu cử sơ bộ mới đi được chưa đầy 1/3 chặng đường và trước mặt vẫn còn một số bang lớn đang bày tỏ sự ủng hộ chính sách kinh tế của ứng cử viên này.
Nhưng quan trọng hơn cả là ông Sanders đang quyên được rất nhiều tiền, một nhân tố thiết yếu cho các hoạt động tranh cử tại Mỹ. Trong tháng 2 vừa qua, bộ máy tranh cử của ông Sanders đã quyên được 42 triệu USD, gấp đôi con số tháng 1 và thừa đủ để ông quảng bá hình ảnh cá nhân cũng như phản kích bà Clinton.
Dù vậy thì những gì diễn ra trong ngày Siêu thứ ba vừa qua đã cho thấy rằng dường như không gì có thể cản bước được cựu Ngoại trưởng Mỹ./.
Theo Nhật Quỳnh-Vũ Hợp/VOV-Washington