1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Cú sảy chân" khiến Séc đối mặt với thảm họa Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Những sai lầm dù nhỏ của chính phủ Séc đã khiến dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại và khiến hệ thống y tế đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Cú sảy chân khiến Séc đối mặt với thảm họa Covid-19 - 1
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở một bệnh viện của Cộng hòa Séc. (Ảnh: Getty)

Trong khi số ca Covid-19 toàn cầu có xu hướng giảm những tuần gần đây, một biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có khả năng lây lan mạnh hơn xuất hiện đang khiến các bệnh viện của Cộng hòa Séc đứng trước nguy cơ sụp đổ. Số người tử vong do Covid-19 của Séc đã vượt 20.000 người, khiến Séc trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.

Không có lý do gì để Séc trở nên như vậy. Là quốc gia tương đối giàu có trong Liên minh châu Âu (EU), Séc đã sớm được tiếp cận vắc xin Covid-19, trang thiết bị y tế và các giải pháp công nghệ hỗ trợ truy vết tiếp xúc. Họ có một hệ thống y tế đáng mơ ước và một nền kinh tế tương đối mạnh.

Hôm 26/2, chính phủ Séc thừa nhận họ không còn lựa chọn nào khác phải ban bố lệnh phong tỏa nghiêm ngặt bắt đầu từ ngày 1/3, trong khi nhiều nơi trên thế giới bắt đầu tính chuyện nới lỏng phong tỏa, trở lại cuộc sống bình thường.

Jan Kulveit, học giả cấp cao tại một viện nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh), nhận định: "Chính phủ Séc đã áp dụng một chiến lược sai lầm là đưa ra quyết định dựa trên năng năng lực hiện tại của các bệnh viện, nghĩa là các biện pháp thường muộn màng". Chuyên gia này giải thích thêm: "Có sự khác biệt rất lớn giữa việc áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời với việc chậm trễ 10 ngày. Chậm 10 ngày nghĩa là hệ số lây lan sẽ là 1,4, nghĩa là tốc độ lây lan dịch bệnh tăng gần gấp đôi".

Phát biểu trước quốc hội tuần trước, Thủ tướng Séc Andrej Babis thừa nhận, chính phủ của ông đã mắc "quá nhiều sai lầm", nhưng giờ không phải là lúc để tranh luận những việc đã xảy ra. Nói về quyết định phong tỏa mới, Thủ tướng Babis nói: "Tôi biết điều này rất khó khăn, nhưng chúng ta cần hợp tác với nhau, tôi hy vọng mọi người sẽ hiểu và cho chúng ta cơ hội cuối cùng để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng này cùng nhau".

Ba nguyên nhân chính

Cú sảy chân khiến Séc đối mặt với thảm họa Covid-19 - 2
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô Prague. (Ảnh: Getty)

Tiến sĩ Rastislav Madfar, một trong những chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Séc, chỉ ra 3 quyết định có thể xem là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay của Séc. Đầu tiên là việc chính phủ bỏ qua những khuyến cáo của đội ngũ cố vấn, từ chối tái áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc vào mùa hè. Sai lầm thứ hai là khi chính phủ Séc quyết định cho phép các cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại trước dịp Giáng sinh. Thứ ba là việc chính phủ không kịp thời ứng phó khi biến thể mới SARS-CoV-2 xuất hiện hồi đầu tháng 1. "Đây là 3 sai lầm lớn và bây giờ chúng tôi hy vọng sẽ không có sai lầm thứ tư", chuyên gia Madar nói.

Dagmar Dzurova, một chuyên gia về dân số học, cho rằng yếu tố chính trị ảnh hưởng lớn đến quá trình ra quyết định của. Bà và nhiều chuyên gia cho rằng chính cuộc bầu cử vào tháng 10 năm ngoái là thời điểm để Covid-19 bùng phát mạnh trở lại ở Séc. "Nhiều nước châu Âu đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai và Séc không phải ngoại lệ. Nhưng không giống các nước khác, Séc không nỗ lực để dập tắt làn sóng thứ hai, và tôi nghĩ bầu cử là nguyên nhân", chuyên gia Dzurova nói.

Thủ tướng Babis cho rằng các lệnh hạn chế để ngăn Covid-19 gây tổn thất lớn. Năm ngoái, tại quốc hội, khi bị hối thúc ban hành lệnh đeo khẩu trang, ông Babis cáo buộc phe đối lập đang "chính trị hóa" vấn đề và lập luận rằng tại sao phải yêu cầu đeo khẩu trang khi số ca mắc ở Séc vẫn thấp. Việc chính phủ từ chối hành động đồng nghĩa với dịch Covid-19 vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Đến cuối tháng 10, Séc buộc phải ban lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, ông Babis và chính phủ của ông buộc phải thừa nhận đã mắc sai lầm trong ứng phó đại dịch.

Tuy vậy, sai lầm vẫn không thể tránh khỏi. Khi số ca nhiễm bắt đầu giảm khoảng trước Giáng sinh, chính phủ Séc bắt đầu mất kiên nhẫn và quyết định bỏ qua chính những quy định về tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn. Họ cho phép dỡ bỏ một số hạn chế để người dân có thể đi lại mua sắm Giáng sinh. Kết quả là đại dịch bùng phát mạnh trở lại, Séc một lần nữa phải phong tỏa sau kỳ nghỉ Giáng sinh.

Một vấn đề khác của Séc đó là thiếu hỗ trợ tài chính, dẫn đến việc một bộ phận người dân không đủ khả năng để tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội. Ví dụ, những người bị cách ly chỉ được hưởng 60% lương trung bình trong 2 tuần. Các doanh nghiệp được hỗ trợ, nhưng mức hỗ trợ không đủ.

Ngoài ra, những thông điệp không rõ ràng từ chính phủ khiến những thông tin lệch lạc dễ dàng phát tán. Người Séc lại dễ tin vào các thuyết âm mưu, cho rằng mối đe dọa từ Covid-19 bị thổi phồng do vậy các biện pháp hạn chế là không cần thiết.