1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cú hạ cánh huyền thoại của máy bay Liên Xô chở 382 người bị đánh bom

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hơn 30 năm trước, các phi công của chiếc máy bay chở khách Liên Xô Il-86 đã đi vào lịch sử với cú hạ cánh không trọng lực ngoạn mục, giúp cứu sống toàn bộ 382 người trên chiếc phi cơ bị đánh bom cháy.

Cú hạ cánh huyền thoại của máy bay Liên Xô chở 382 người bị đánh bom - 1

Máy bay chở khách Il-86 của Liên Xô (Ảnh minh họa: Sputnik).

Ngày 18/3/1991, Yevgeny Volodin lên chiếc máy bay II-86 từ sân bay Vnukovo ngoại ô Moscow. Người thanh niên 26 tuổi này xách theo một chiếc túi du lịch với 6 chai muối tiêu được buộc lại thành 3 cặp bằng băng dính. 

Chuyến bay từ Moscow tới Novosibirsk chật cứng người, với 365 hành khách, trong đó một số người mang theo con nhỏ. Hai giờ đầu tiên của chuyến bay diễn ra êm đẹp cho tới khi Volodin rời khỏi ghế. Anh ta đi tới toilet gần buồng lái xách theo chiếc túi du lịch.

"Hai giờ sau khi máy bay cất cánh, kíp lái nghe thấy một tiếng gõ mạnh vào cửa", phi công phụ lái Yury Sytnik nhớ lại.

Thực tế là đó một vụ nổ do Volodin tạo ra. Người đàn ông này đã ngồi trong toilet khoảng một phút rồi mở cửa ra và ném 2 quả bom cháy ra hành lang. Volodin định ném quả thứ 3 nhưng không thành vì lửa đã bốc lên ở bên ngoài toilet. Nghi phạm kẹt cứng trong toilet.

Các phi công chưa biết chuyện gì xảy ra. Một phi công nói với kỹ sư của chuyến bay hãy mở cửa xem ai đang "gõ cửa" lớn như vậy. Khi cánh cửa mở ra, một đám lửa thổi mạnh vào buồng lái. May mắn là kỹ sư trên đã nhanh chóng sập cửa lại.  

Bên trong khoang hành khách, mọi người đều hoảng loạn. Một số người chạy ra cửa thoát hiểm, cố gắng mở nó ra. Những người khác bỏ chạy khỏi ngọn lửa cháy ngùn ngụt ở phần trên xuống phần đuôi máy bay.

Cú hạ cánh không trọng lực

Phi công chỉ đạo Anatoly Ekzarkho đã có một quyết định chớp nhoáng. Ông quyết định để chiếc II-86 hạ độ cao bằng cách lao thẳng xuống. Sytnik nói rằng, máy bay đã hướng xuống mặt đất với tốc độ 70-80 km/s, giống tình trạng không trọng lực trong vũ trụ.

Buồng lái đã đầy khói và phi công Ekzarkho bất tỉnh. Rất may, Yury Sytnik đã kịp thời đeo mặt nạ dưỡng khí và nhanh chóng tìm sân bay gần nhất.

Phi hành đoàn đã nhanh chóng dập lửa trong khoang hành khách, ngăn nó không cháy lan ra các thiết bị điện. Nhưng một vấn đề khác đã xảy ra khi các phi công chọn sân bay Koltsovo ở Sverdlovsk (hiện giờ là Yekaterinburg) để hạ cánh khẩn cấp: Họ không nhìn thấy đường băng.

"Khoảng cách là 8 km, độ cao 400 m. Các anh nhìn thấy đường băng chứ?", một kiểm soát viên không lưu hỏi. Kíp điều khiển hồi đáp: "Chúng tôi không thể".

Khói trong buồng lái đã tan bớt sau khi lửa được dập, nhưng muội than đầy kim loại bám dày đặc vào cửa buồng lái khiến ánh sáng không thể xuyên qua. Trong giây phút hoảng loạn, Sytnyk lấy tay với lên lau vội cửa buồng lái, tạo ra một khoảng bằng chiếc đĩa. Khi khoảng cách còn khoảng 6 km, họ bắt đầu nhìn thấy được đường băng. Tất cả mọi sự việc chỉ diễn ra trong đúng một phút trước khi chiếc máy bay dự kiến sẽ tiếp đất.

Cảnh sát sau này xác nhận đây là một vụ tấn công khủng bố với mục tiêu khiến toàn bộ mọi người thiệt mạng. Hung thủ Volodin vẫn sống sót sau vụ việc.

Nghi phạm Volodin đã nghiên cứu 18 tháng về hệ thống quét an ninh ở sân bay và thủ tục lên máy bay. Y chọn máy bay chở khách lớn nhất của Liên Xô Il-86 để thực hiện vụ tấn công. Hắn đã quyết định không nhét kim loại vào trong 2 quả bom cháy để ngăn máy quét phát hiện ra.

Kế hoạch ban đầu của Volodin là định ném 3 quả bom ra 3 hướng khác nhau để ngăn chặn mọi khả năng máy bay có thể hạ cánh khẩn cấp. Tuy nhiên, việc hắn cho nổ bom ở cùng một chỗ đã giúp phi hành đoàn phản ứng kịp thời trước thảm họa. Toàn bộ 382 người, gồm cả hành khách và phi hành đoàn, được cứu sống.

Nhờ các thông tin từ vụ Volodin, cơ quan an ninh đã tiếp tục phá được các âm mưu khủng bố khác ở St. Petersburg, Kaliningrad.

Toàn bộ kíp lái máy bay sau đó đã được trao tặng Huân chương Lòng dũng cảm. Với Sytnyk, dù sau này ông cũng từng trải qua những trải nghiệm căng thẳng khác khi cầm lái, nhưng với ông, sự kiện ngày 18/3/1991 luôn để lại ấn tượng sâu đậm nhất. 

Theo RBTH