1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

COP21 trong không khí khủng bố

11.000 cảnh sát và hiến binh được triển khai tại Paris để bảo vệ an ninh cho hội nghị Paris về biến đổi khí hậu (COP21).

Ngày 28-11, hàng ngàn người đã xuống đường ở châu Á kêu gọi hội nghị Paris về biến đổi khí hậu (COP21 - dự kiến bắt đầu ngày 29/11) phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ Trái đất.

Tuần hành vì khí hậu

Tại Manila (Philippines), khoảng 3.000 người biểu tình đã kêu gọi giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân dẫn đến khí hậu biến đổi, từ đó bão tố đã tàn phá Philippines.

Những người biểu tình giương cao các biểu ngữ “Hãy bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta”.

Tại Úc, khoảng 5.000 người đã tham gia cuộc tuần hành tại Brisbane. Khí hậu biến đổi sẽ làm nước biển dâng và tác động mạnh đến các đảo trên Thái Bình Dương.

Nữ nghị sĩ Larissa Waters (đảng Xanh) phát biểu trên đài truyền hình quốc gia rằng số lượng lớn người tham gia tuần hành đã cho thấy nhân dân Úc phản đối kế hoạch phát triển sản xuất than đá của chính phủ.

Hôm trước đó, hàng chục ngàn người đã tuần hành tại Melbourne kêu gọi xây dựng một thế giới sạch và công bằng hơn.

Úc là một trong những nước phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất trên thế giới nếu tính theo đầu người do Úc tập trung khai thác mỏ và lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ than đá.

Tại Nhật, khoảng 300 người đã xuống đường kêu gọi thực hiện chiến lược sử dụng năng lượng tái tạo sạch.

COP21 trong không khí khủng bố - 1

Binh sĩ bảo vệ tại nhà thờ Đức bà Paris. (Ảnh: AFP)

Phát biểu với AFP, anh Daigo Ichikawa (ban tổ chức) trình bày: “Nhật phải đi đầu trong hội nghị thượng đỉnh lần này để cổ động sử dụng năng lượng tái tạo bởi ít có nước nào phải gánh chịu thảm họa lớn như Nhật”. Anh muốn ám chỉ đến biến cố động đất và sóng thần gây rò rỉ hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima.

Tại Bangladesh, hơn 5.000 người đã tham gia tuần hành kêu gọi bảo vệ khí hậu tại 30 địa điểm trên cả nước. Bangladesh là nước nghèo nên rất lo ngại nước biển dâng, bão tố và tình hình hoang mạc hóa.

Dự kiến có khoảng 50 cuộc biểu tình diễn ra từ Sao Paulo (Brazil), Mexico đến London (Anh), New York (Mỹ). Tuy nhiên, biểu tình bị cấm tại Pháp sau vụ tấn công khủng bố tối 13-11 làm 130 người chết, 350 người bị thương.

Tăng cảnh sát, cấm biểu tình

Hai tuần sau biến cố khủng bố, Pháp đã quyết tâm tổ chức thành công COP21. Hội nghị bắt đầu từ ngày 30-11 và kéo dài trong 12 ngày. 147 nguyên thủ quốc gia sẽ tham dự hội nghị COP21.

Để bảo đảm giao thông và an ninh trong quá trình đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, các tuyến đường nối liền trung tâm thủ đô Paris với các sân bay Roissy, Bourget, Orly tạm thời bị chặn lại.

Hôm 27-11, Sở Cảnh sát Paris khuyến cáo người dân nên tránh sử dụng phương tiện giao thông công cộng và xe ô tô cá nhân trong hai ngày 29 và 30-11 trừ phi cần thiết.

Trong bối cảnh vừa xảy ra khủng bố, Pháp đã áp dụng các biện pháp an ninh đặc biệt như sau:

- 11.000 cảnh sát và hiến binh sẽ được triển khai ở Paris. Tại biên giới, 8.000 binh sĩ sẽ được triển khai. Tại địa điểm hội nghị sẽ có 2.800 nhân viên an ninh được bố trí. Các địa điểm diễn ra thảo luận sẽ thuộc quyền bảo vệ của lực lượng mũ nồi xanh LHQ.

- Từ nửa đêm 28-11 cho đến ngày 13-12, tất cả cửa hàng phân phối lớn ở Paris không được bán nhiên liệu dùng trong gia đình và các sản phẩm dầu hỏa.

- Mua bán, sở hữu, vận chuyển pháo hoa đều bị cấm. Chỉ những người có giấy phép riêng mới được sử dụng pháo hoa.

- Chính quyền các tỉnh có thể ban hành lệnh cấm biểu tình trong thời gian diễn ra hội nghị COP21 căn cứ tình trạng khẩn cấp. Một cuộc biểu tình quy mô dự kiến được tổ chức tại Paris ngày 29-11 đã bị cấm. Nhiều tỉnh đã cấm biểu tình tại các địa điểm công cộng từ ngày 28 đến 30-11. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đánh giá: “Trong bối cảnh đe dọa rất cao, thành công của hội nghị COP21 có được bằng cách thực hiện các biện pháp an ninh tối đa”.

Tính trên cả nước có tổng cộng 120.000 cảnh sát, hiến binh và binh sĩ tham gia bảo vệ an ninh trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp kéo dài trong ba tháng.

- Thủ tướng Pháp Manuel Valls ghi nhận: “Không có nguyên thủ quốc gia hay chính phủ nào đề nghị với chúng tôi hoãn hội nghị lại. Tất cả đều muốn đến đây. Vào dịp COP21, Paris sẽ trở thành thủ đô thế giới”.

- Chủ tịch Hội đồng châu Ậu Donald Tusk viết trên Twitter: “Sự có mặt của chúng ta sẽ minh chứng cho tinh thần đoàn kết đối với vấn đề biến đổi khí hậu và nhắc nhớ rằng chúng ta sẽ không để cho khủng bố đe dọa”.

Theo Dạ Thảo

Pháp luật TPHCM

COP21 trong không khí khủng bố - 2