1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Công ty tên lửa Nga chi 160.000 USD thử nghiệm vụ MH17 rơi

(Dân trí) - Hôm nay 13/7, Almaz Antey đã công bố kết quả thực nghiệm việc dùng tên lửa Buk bắn vào một chiếc máy bay đã thanh lý tương tự như chiếc MH17 của hãng hàng không Malaysia. Cuộc thực nghiệm này tiêu tốn 160.000 USD (tương đương 10 triệu ruble) của tập đoàn này.


Ông Mikhail Malyshevsky, trợ lý cho Tổng Giám đốc Tập đoàn Almaz Antey trình bày kết quả thử nghiệm

Ông Mikhail Malyshevsky, trợ lý cho Tổng Giám đốc Tập đoàn Almaz Antey trình bày kết quả thử nghiệm

Tại cuộc họp báo diễn ra tại Moscow (Nga) hôm nay 13/10, ông Yan Novikov Tổng giám đốc Almaz - Antey cho hay: Cuộc thực nghiệm đã được tiến hành tại bãi thử nghiệm của tập đoàn trong khuôn khổ hoạt động nghiên cứu nguyên nhân dẫn tới thảm họa MH17 trên bầu trời vùng Donetsk, Ukraine, ngày 17/7/2014.

Mục đích của việc thử nghiệm tổng thể là để xác nhận hoặc bác bỏ kết quả từ báo cáo của Almaz Antey, đã được công bố tại buổi họp báo vào ngày 2/6 vừa qua. Một số bài kiểm tra đã được thực hiện nhằm xác minh các kết luận dựa trên lý thuyết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về số tiền mà tập đoàn phải bỏ ra để tiến hành cuộc thử nghiệm, ông Yan Novikov cho hay: Tập đoàn đã chi 10 triệu ruble ( tương đương 160.000 USD) cho các thí nghiệm được công bố kết quả vào hôm nay.

Theo đó, bài kiểm tra đầu tiên đã diễn ra vào cuối tháng 7/2015. Một thân máy bay được trang bị vỏ sắt và các bộ phận phát hiện đầu đạn đặc biệt, các bảng kim loại được lắp ráp mô phỏng hình dạng của động cơ trái. Một tên lửa được khai hỏa từ góc độ mô phỏng góc bắn như được khai hỏa từ vùng Zaroshchenskoe. Kết quả giám định các mảnh vỡ được số hóa vào một mô hình máy bay Boeing-777 dựng bởi máy tính. Dữ liệu từ thảm họa MH17 cũng được tính hợp vào trong mô hình này.

Công ty tên lửa Nga chi 160.000 USD thử nghiệm vụ MH17 rơi - 2

Quá trình thực nghiệm thứ hai đã được tiến hành vào ngày 7/10 vừa qua. Thử nghiệm tổng thể này hướng tới kiểm tra tình huống được trình bày trong báo cáo sơ bộ của Ủy ban điều tra quốc tế, đã kết luận rằng tên lửa được phóng từ vùng Snezhnoye. Một chiếc máy bay Il-86 đã qua sử dụng, tương đồng với Boeing-777 về các yếu tố khí động học, kỹ thuật, vật lý và các đặc tính khác, được sử dụng cho bài kiểm tra này. Một siêu máy tính có khả năng xử lý hơn 14 triệu tình huống về vị trí động và tĩnh của tên lửa và máy bay. Một tên lửa 9M38M1 với đầu đạn 9N314M được bắn vào máy bay.

Thử nghiệm này đã bác bỏ diễn giải sơ bộ của Ủy ban điều tra quốc tế, rằng việc phóng tên lửa đã được thực hiện từ vùng Snezhnoye. Bản chất của hư hại trên thân máy bay ở góc tên lửa kích nổ trong quá trình thử nghiệm có sự khác biệt với hư hại tìm thấy trên thân của chiếc Boeing thật.

Các mảnh đạn chủ yếu làm hư hại phần thân trái của chiếc Boeing MH17, chủ yếu là khoang lái, cánh trái, động cơ trái, và bên trái của phần đuôi. Trong bài thử nghiệm xác minh kết luận của Ủy ban điều tra quốc tế, động cơ trái của chiếc Il-86 vẫn còn nguyên vẹn. Phần có sức công phá lớn nhất của đầu đạn, được gọi là “lưỡi dao cạo”, bay xuyên qua khoang máy bay, có nghĩa là cả bên phải của thân máy bay cũng không thể còn nguyên vẹn. Do đó, có thể kết luận rằng tên lửa bắn vào máy bay Boeing MH17 không khai hỏa từ vùng Snezhnoye. Điều này bác bỏ hoàn toàn tình huống đưa ra bởi Ủy ban điều tra quốc tế.

Theo báo cáo sơ bộ của Ủy ban điều tra quốc tế, chiếc MH17 đã bị bắn hạ bởi một đầu đạn 9M38M1 với các mảnh đạn “I-beam”. Trong thử nghiệm của mình, Almaz-Antey đã bắn một quả tên lửa 9M38M1 được trang bị I-beam, theo như Ủy ban điều tra quốc tế đã khẳng định. Một đặc tính của tên lửa 9M38M1 khi kích nổ là việc hình thành hai hướng công phá của các mảnh đạn. Hướng đầu tiên bao gồm các mảnh nhẹ hơn, hướng thứ hai bao gồm các mảnh “I-beam” nặng hơn, tạo ra động năng tối đa. Kết quả của sự công phá của các mảnh đạn I-beam là hư hại trên thân máy bay sẽ có hình dạng như một cánh bướm.

Dữ liệu tại cuộc họp báo cho biết, các phiên bản cũ của tên lửa 9M38 không có các mảnh đạn I-beam; phần hư hại sẽ có hình dạng tứ giác. Trong thời kỳ Xô Viết, Ukraine đã được cung cấp các tên lửa 9M38 cũ này. Không có con số chính xác cho thấy quân đội Ukraina ngày nay đang lưu giữ bao nhiêu quả tên lửa loại này. Cũng cần nhấn mạnh rằng, hiện Nga không còn sử dụng loại tên lửa 9M38 này nữa.

Clip quá trình thực nghiệm của Almaz Antey

 

Tập đoàn Almaz - Antey, nhà sản xuất các hệ thống tên lửa đất đối không và nước đối không, radar, các hệ thống điều khiển tự động hóa và tổ hợp tự động hóa (Nga) cho hay, tập đoàn này đã nộp đơn kháng cáo chống lại lệnh trừng phạt “đóng băng tài sản” tập đoàn (theo quyết định 2014/508/CFSP của Hội đồng Liên minh Châu Âu và nghị định số 826/2014 của Hội đồng Điều hành Liên Minh Châu Âu từ 30/7/2014) và lệnh trừng phạt liên quan đến cấm xuất khẩu những thiết bị dân dụng và quân sự (theo quyết định 2014/659/CFSP của Hội đồng Liên minh Châu Âu và nghị định số 960/2014 của Hội đồng Điều hành EU vào 09/08/2014)

Bên cạnh đó, cùng với mục đích kháng cáo, công ty này đã đưa đơn kiện lên Tòa án Công lý Châu Âu để bãi nại quyết định số 2015/432/CFSP của Ủy ban Liên minh Châu Âu từ ngày 13/3/2015 và nghị định số 2015/432/CFSP của Hội đồng Điều hành Châu Âu từ 13/3/2015 về việc kéo dài lệnh trừng phạt “đóng băng tài sản” của tập đoàn.

Dựa theo những phân tích của mình, Almaz - Antey lập luận rằng, nếu Boeing 777 của MH17 bị bắn hạ bằng hệ thống phòng thủ trên không vào ngày 17/07/2014 khi bay qua vùng Donetsk, điều này chỉ có thể do tên lửa 9M38 (đầu đạn б9Н314) đặt tại phía nam thị trấn Zaroschenskoe.

“Mẫu tên lửa này đã ngừng được sử dụng trong lực lượng vũ trang Nga kể từ năm 1986. Và thực nghiệm này đã bác bỏ kết luận của Hà Lan cho rằng tên lửa được phóng từ Snezhnoye”, ông Yan Novikov Tổng giám đốc Almaz - Antey nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền (từ Moscow)