1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Công nương Nhật Bản bị trầm cảm sẽ ra sao nếu trở thành hoàng hậu?

(Dân trí) - Khi Thái tử Nhật Bản Naruhito cầu hôn người bạn gái theo đuổi lâu năm - nhà ngoại giao chuyên nghiệp Masako Owada, ông đã cam kết bảo vệ bà bằng tất cả khả năng, một cam kết có thể trở nên khó giữ nếu cha ông, Nhật Hoàng Akihito, thoái vị và Công nương Masako trở thành hoàng hậu.


Công nương Masako là nhà ngoại giao chuyên nghiệp trước khi kết hôn với Thái tử Naruhito năm 1993 (Ảnh: AFP)

Công nương Masako là nhà ngoại giao chuyên nghiệp trước khi kết hôn với Thái tử Naruhito năm 1993 (Ảnh: AFP)

Nhật Hoàng Akihito, người cùng với Hoàng hậu Michiko đã chiếm được tình cảm của nhiều người khi bênh vực người nghèo và nỗ lực hàn gắn các vết thương chiến tranh, hôm 8/8 đã ám chỉ trong một bài phát biểu hiếm hoi trên truyền hình rằng ông sẽ từ bỏ ngai vàng vì tuổi cao sức yếu.

Trầm cảm vì cuộc sống khắt khe của hoàng gia

Trong khi Thái tử Naruhito, 56 tuổi, dường như đã sẵn sàng để kế vị và thường xuyên tham gia các hoạt động chính thức thì Công nương Masako, 52 tuổi, người từng từ chối 2 lần lời cầu hôn của ông trong mối mối tình kéo dài của họ bắt đầu gần 30 năm trước, lại vất vả để thích nghi cuộc sống hoàng gia với tư cách là một Công nương.

Công nương Masako sinh ra trong một gia đình trí thức Nhật Bản, có cha là một nhà ngoại giao giỏi và một giáo sư ngành luật. Ngay từ nhỏ, Masako đã theo gia đình tới sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới.

Masako từng học kinh tế ở Đại học Havard, luật tại Đại học Tokyo và quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford. Trước khi kết hôn, bà là nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Nhật Bản, thông thạo nhiều thứ tiếng.

Bà Masako, người từng du học tại Đại học Harvard (Mỹ) và miễn cưỡng từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để kết hôn, đã phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm suốt hơn 1 thập niên qua, khi bà chật vật để thích nghi các với quy tắc khắt khe của cuộc sống hoàng gia và áp lực sinh con trai.

Con gái 14 tuổi của họ, Công chúa Aiko, không thể tiếp quản ngai vàng theo luật thừa kế hiện thời chỉ truyền ngôi cho con trai.

Vào năm 2012, Công nương Masako, người phần lớn sống ở nước ngoài trong những năm tuổi trẻ và có khả năng nói thành thạo vài ngôn ngữ, lên tiếng thừa nhận rằng bà phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm trong một thời gian dài. Sự xuất hiện trước công chúng của bà hiện giờ đây vẫn rất hiếm hoi.

“Hoàng gia nhận được sự ủng hộ thông qua các nhiệm vụ chính thức trong quá trình trị vì của Nhật Hoàng”, Kenneth Ruoff, một giáo sư tại Đại học Portland State và là tác giả cuốn “Người trị vì của nhân dân”, nhận định.

“Nếu Thái tử Naruhito tiếp tục đảm nhiệm các sứ mệnh đó, không có lý do để cho rằng ông ấy được kính trọng ít hơn cha mình. Nhưng trường hợp của Công nương Masako khó nói trước hơn”, ông Ruoff nói thêm.


Công nương Masako bị trầm cảm sau khi kết hôn và ít khi xuất hiện trước công chúng (Ảnh: Japan Times)

Công nương Masako bị trầm cảm sau khi kết hôn và ít khi xuất hiện trước công chúng (Ảnh: Japan Times)

Sự quan tâm của Thái tử Naruhito đối với giao thông và các vấn đề môi trường rõ ràng rất được coi trọng, dù các nhà quan sát hoàng gia nói rằng ông đã phá vỡ một định kiến mới, như ủng hộ việc chăm sóc con cái, điều không phổ biến tại một đất nước nơi vẫn còn sự phia chia mạnh mẽ về giới cả ở nơi làm việc lẫn ở nhà.

Ông Naruhito cũng là một trường hợp hiếm thấy, khi một thành viên hoàng gia đi du học nước ngoài. Thái tử Naruhito đã miêu tả 2 năm du học tại Đại học Oxford là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời.

Thái tử Naruhito đã nói rõ rằng ông sẽ tiếp tục sứ mệnh của cha nhằm nhắc mở mọi người về tầm quan trọng của hòa bình. Nhưng ông cũng nổi tiếng là người bảo vệ mạnh mẽ phu nhân Masako, người đã vắng bóng trước công chúng kể từ năm 2003 với do vấn đề sức khỏe và điều sau này được miêu tả là do “chứng rối loạn thích nghi”.

Vào năm 2004, Thái tử Naruhito đã gây ra một cuộc tranh cãi công khai hiếm thấy với Cơ quan nội chính Hoàng gia, nơi chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động của gia đình hoàng gia, khi nói rằng bà Masako, người từng hi vọng có thể sử dụng kinh nghiệm ngoại giao cho vị trí Công nương, “đã hoàn toàn kiệt sức” khi phải cố gắng thích nghi với cuộc sống trong cung điện.

“Đúng là có những động thái nhằm phủ nhận sự nghiệp và cá tính của Masako, vốn đã được định hình bởi sự nghiệp đó”, Thái tử Naruhito nói.


Thái tử Naruhito và Công nương Masako có một con gái, năm nay 14 tuổi (Ảnh: Kyodo/Reuters)

Thái tử Naruhito và Công nương Masako có một con gái, năm nay 14 tuổi (Ảnh: Kyodo/Reuters)

Tương lai ở phía trước

Thái tử Naruhito tiếp tục bảo vệ vợ những năm sau đó. Vào năm 2008, ông đã kêu gọi sự thông cảm của mọi người, nói rằng “Masako vẫn tiếp tục cố gắng hết thức để trợ giúp những người xung quanh mình”.

Sứ mệnh của Nhật Hoàng bao gồm các nghi lễ tôn giáo và khai mạc quốc hội, nhưng công tác xã hội cũng đóng vai trò quan trọng.

Hình ảnh Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko, trong trang phục bình thường và trò chuyện với các nạn nhân thiên tai tại các trung tâm sơ tán, đã in đậm trong trí óc của công chúng Nhật. Cặp đôi cũng tới thăm các trung tâm dành cho người già và người khuyết tật.

Nhà báo Midori Watanabe, giáo sư tại Đại học Bunka Gakuen (Nhật Bản) cho hay tại các vùng nông thôn và trong thế hệ lớn tuổi, khi sự ủng hộ đối với Nhật Hoàng ở mức cao nhất, sự hiện diện của các thành viên hoàng gia với tư cách là một cặp đôi đặc biệt được tôn sùng.

“Điều quan trọng là hai người họ ở bên nhau. Ông ấy (Naruhito) đã hứa sẽ bảo vệ Công nương trong suốt cuộc đời. Tôi cho rằng bà ấy sẽ nỗ lực vì chồng”, bà Watanabe nói.

Miiko Kodama, một giáo sư tại Đại học Musashi, cho rằng việc Công nương Masako trở thành Hoàng hậu có thể trở thành cú huých đối với bà, giống trường hợp của mẹ chồng.

Hoàng hậu Michiko, thường dân đầu tiên kết hôn với người thừa kế ngai vàng Nhật Bản, ban đầu cũng không hạnh phúc do bị áp lực trong những ngày đầu kết hôn, nhưng sau đó đã thường xuyên xuất hiện.

“Khi Masako trở thành Hoàng hậu, vị thế của bà ấy đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ lắng nghe bà ấy hơn. Khi không còn nhiều người đặt áp lực không cần thiết lên bà ấy, tôi cho rằng tình trạng của bà ấy sẽ được cải thiện”, giáo sư Kodama lạc quan nhận định.

An Bình