1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Công nghệ "tắc kè hoa" đột phá có thể giúp xe tăng Nga tàng hình

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga phát triển công nghệ ngụy trang mới có thể giúp các xe tăng và xe thiết giáp nói chung của lục quân nước này tàng hình tới 95% trước các máy bay không người lái (UAV) của đối thủ.

Công nghệ tắc kè hoa đột phá có thể giúp xe tăng Nga tàng hình - 1

Xe tăng T-14 Armata của Nga (Ảnh: RT).

Theo Russia Beyond, Nga hiện đang sở hữu công nghệ ngụy trang được mệnh danh là "tắc kè hoa" bằng cách dùng lớp "điện sắc" - chất liệu được cấu thành từ vật liệu composite và có thể đổi màu cũng như độ trong suốt khi có dòng điện tác động.

Nguyên mẫu đầu tiên của lớp phủ điện sắc này đã được sử dụng trên Ratnik - bộ giáp cho quân nhân Nga trong tương lai và được giới thiệu tại diễn đàn quân sự quốc tế Army-2018 tại Nga.

Tới đầu tháng này, RIA dẫn nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, hệ thống ngụy trang mới đã được thử nghiệm trên các bản mô phỏng của thiết bị bọc thép.

Nguyên lý hoạt động của lớp ngụy trang này là phía bên ngoài của thiết bị bọc thép sẽ được phủ các tấm điện sắc, mỗi tấm sẽ được nối với dây dẫn điện. Sử dụng máy quay, hệ thống sẽ quét toàn bộ môi trường xung quanh. Song song với đó, nó sẽ phân tích màu sắc và cấu trúc của cảnh quan và đưa ra hướng dẫn cho lớp bên ngoài để tạo ra lớp ngụy trang phù hợp nhằm giúp xe tăng và thiết giáp có thể hòa lẫn vào địa hình từ các góc nhìn khác nhau.

Nguyên tắc của lớp ngụy trang này được áp dụng từ tự nhiên, với cơ chế giống như tắc kè hoa thay đổi màu sắc da để hòa lẫn khung cảnh xung quanh.

"Công nghệ này không phải là mới - nó từng được ứng dụng trong dân dụng, với công nghệ kính thông minh. Loại kính này được lắp trong phòng họp của một văn phòng, khi phòng họp không có người, tấm kính sẽ trong suốt, nhưng khi có người, nó sẽ trở nên sẫm lại. Tuy nhiên, quân đội Nga đã có những cải tiến đột phá, ví dụ như nhanh chóng tạo ra một lớp ngụy trang có thể mô phỏng theo khung cảnh xung quanh chính xác nhất có thể, đồng thời hoạt động đáng tin cậy và rẻ.

Theo chuyên gia Denis Fedutinov, tổng biên tập tạp chí Unmanned Aviation cho biết, bất cứ thiết giáp nào với lớp ngụy trang sử dụng lớp "điện sắc" có khả năng ngăn tới 95% nguy cơ bị UAV của đối thủ phát hiện ra.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng, lớp điện sắc "tắc kè hoa" không phải là giải pháp bảo vệ hoàn toàn khí tài Nga. Nếu một thiết bị sử dụng công nghệ trinh thám hoạt động trong nhiều dải sóng khác nhau, nó sẽ làm giảm đáng kể sự hiệu quả của "tắc kè hoa".  

Sức mạnh "bất khả chiến bại" của siêu xe tăng Nga Armata T-14