Công chúa Huawei Mạnh Vãn Chu mòn mỏi chờ phán quyết sau 3 năm bị giam lỏng
(Dân trí) - Sau gần 3 năm, cuộc chiến dẫn độ kéo dài của "công chúa" Huawei Mạnh Vãn Chu dự kiến sẽ kết thúc trong phiên tòa cuối cùng diễn ra tại Canada tới đây.
Cuộc chiến pháp lý gây tranh cãi của giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, đã làm bùng lên cuộc khủng hoảng ngoại giao sâu sắc giữa các nước liên quan gồm Mỹ, Canada và Trung Quốc. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu các thủ tục pháp lý sẽ đưa bà Mạnh đi đến đâu?
Vào ngày 1/12/2018, bà Mạnh Vãn Chu bị cảnh sát Hoàng gia Canada bắt giữ khi đang quá cảnh tại sân bay Vancouver. Bà phải ở lại tại Canada kể từ đó, tham dự hàng loạt phiên tòa và chờ đợi phán quyết xem xét yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Washington muốn dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu đến Mỹ xét xử cáo buộc gian lận, vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Sau gần 3 năm mòn mỏi, phiên tòa dẫn độ kéo dài này có thể sẽ kết thúc vào tháng 8 tới đây. Tại thời điểm đó, theo luật, chủ tọa phiên tòa, Phó Chánh án Heather Holmes của Tòa án Tối cao British Columbia (Canada), sẽ quyết định xem yêu cầu dẫn độ có hợp pháp hay không. Nếu tòa phán quyết dẫn độ bà Mạnh đến Mỹ, "công chúa Huawei" chỉ còn bước đi cuối cùng là "nhờ cậy" vào quyết định của Bộ trưởng tư pháp Canada.
Nguồn cơn của cuộc chiến pháp lý dai dẳng này bắt nguồn từ những tuyên bố của bà Mạnh với đại diện Ngân hàng HSBC (Anh) tại Hong Kong vào năm 2013, liên quan đến Skycom. Trong đó, bà Mạnh tuyên bố công ty này độc lập với Huawei. Tuy nhiên, hồ sơ doanh nghiệp và các tài liệu phát hiện cho thấy Huawei có mối liên hệ rất chặt chẽ với Skycom. Skycom bị phát hiện bán thiết bị máy tính của Mỹ cho Iran. Bà Mạnh bị cáo buộc gian dối ngân hàng HSBC, đẩy ngân hàng này vào nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Đội ngũ pháp lý của bà Mạnh tranh luận mạnh mẽ tại các phiên tòa về mức kiểm soát của Huawei đối với Skycom, mặc dù họ cũng thừa nhận có "ảnh hưởng nhất định". Theo các nguồn tin, tại phiên điều trần vào tháng 8 tới, đội ngũ pháp lý của bà Mạnh sẽ đưa ra những bằng chứng mới rất quan trọng.
Tại phiên tòa cuối cùng vào tháng 8 tới, nhóm pháp lý sẽ xoay quanh việc liệu bà Mạnh có bị lạm dụng quy trình hay không, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump khi đó có chính trị hóa vụ việc hay không.
Các luật sư của bà Mạnh cũng đã nộp đơn đệ trình những bằng chứng mới thu thập được từ HSBC nhằm củng cố lập luận rằng, Giám đốc tài chính của Huawei là nạn nhân của việc lạm dụng quy trình tư pháp. Hiện chưa rõ đây là những tài liệu gì. Vào cuối tháng này, thẩm phán Tòa án tối cao tỉnh British Columbia sẽ có quyết định cuối cùng về việc có thừa nhận những bằng chứng mới này hay không.
Một khả năng có thể xảy ra là nhóm pháp lý của bà Mạnh sẽ chứng minh HSBC biết rõ về các giao dịch với Iran chứ không phải bị bà Mạnh lừa dối như cáo buộc. Thứ hai là các luật sư sẽ chuyển trọng tâm vấn đề là xem xét lại những bằng chứng về bình luận năm 2013 của bà Mạnh có bị gian lận hay không. Mấu chốt pháp lý mà Mỹ dựa vào để cáo buộc tội bà Mạnh là: các giao dịch phát sinh sau cuộc trò chuyện này được thanh toán bằng USD thông qua công ty con của HSBC tại Mỹ.
Hiện Tòa án tối cao Mỹ vẫn chưa đưa ra phán quyết chắc chắn rằng, liệu việc thanh toán bằng USD như vậy có đủ để thiết lập quyền tài phán đối với một thực thể nước ngoài hay không. Mặc dù vậy, cả SEC và DOJ, vốn chuyên xử lý các hành vi vi phạm này, đều nêu rõ những hành động đó là đủ để thiết lập quyền tài phán.
Ngoài ra, lịch sử dẫn độ Canada - Mỹ cũng không ủng hộ bà Mạnh. Từ năm 2006-2017, chỉ có 16 trong số 198 trường hợp yêu cầu dẫn độ kháng án thành công. Cũng không có nhiều khả năng Bộ trưởng Tư pháp sẽ ra phán quyết bác bỏ yêu cầu dẫn độ. Kể từ năm 2008 đến nay, Bộ trưởng Tư pháp Canada chỉ bác 9 yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Hầu hết những quyết định đó đều do các vấn đề về sức khỏe của bị cáo hoặc do những hướng dẫn tuyên án quá khác biệt của Mỹ. Trên thực tế, tỷ lệ dẫn độ của Canada đến Mỹ là rất cao, khoảng 90%.
Có một số vụ Canada từ chối dẫn độ vì lý do can thiệp chính trị nhưng tỷ lệ cũng rất thấp. Mặc dù nhóm pháp lý của bà Mạnh đang nỗ lực tập trung vào cáo buộc cựu Tổng thống Trump can thiệp chính trị, nhưng vẫn không có bằng chứng rõ ràng. Hơn nữa, việc ông Trump không còn nắm quyền cũng khiến chiến lược tấn công này khó thành công.
Các chuyên gia cho rằng, theo những diễn biến đang xảy ra, bà Mạnh Vãn Chu có khả năng sẽ bị dẫn độ sang Mỹ. Nếu phát quyết cuối cùng là bị dẫn độ đến Mỹ, giám đốc tài chính của Huawei có thể phải đối mặt án tù hàng chục năm.