Con người có thể đặt chân lên “Trái đất” thứ 2 Kepler- 452b?
Dù có quá nhiều điểm gần gũi với Trái đất, việc con người có thể đặt chân đến hành tinh Kepler- 452b, trái đất thứ 2, giờ vẫn là giấc mơ quá xa xôi.
Theo Independent, với công nghệ hiện nay, con người không thể đến được hành tinh Kepler- 452b dù hành tinh này hoàn toàn hội đủ điều kiện để sự sống sinh sôi tại đây, bởi hành tinh này cách Trái đất tới 1.400 năm ánh sáng.
Phải mất 28 triệu năm, tàu New Horizon mới có thể đi hết quãng đường từ Trái đất đến hành tinh Kepler-425b (Ảnh AP)
Để dễ hiểu hơn, 1 năm ánh sáng là khoảng cách mà một tia sáng có thể di chuyển trong 1 năm. Với tốc độ “khủng khiếp” là 1 tỷ km/h ánh sáng có thể đi từ Trái đất lên Mặt trời chỉ trong vòng 8 phút.
Chính vì thế, việc đi từ Trái đất lên hành tinh Kepler- 452b gần như là không thể bởi ngay cả tàu vũ trụ New Horizon với tốc độ nhanh nhất hiện nay cũng chỉ đạt được tốc độ hơn 58.000km/h- con số hầu như “là bằng 0” so với vận tốc ánh sáng.
Các nhà khoa học ước tính, nếu một tàu vũ trụ giống như New Horizon đưa người lên hành tinh Kepler- 452b, thì phải mất 25,8 triệu năm mới có thể đến được hành tinh đó. Để dễ hình dung, người tiền sử mới chỉ xuất hiện trên Trái đất được 2,5 triệu năm, tức là chỉ bằng 1/10 thời gian của hành trình từ Trái đất đến Kepler- 452b.
Tờ Independent khuyến cáo vui rằng, nếu định đặt vé lên Trái đất thứ 2, bạn nên chờ cho đến khi các nhà khoa học chế tạo ra tàu vũ trụ có tốc độ nhanh hơn hiện nay./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN