1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Cơn địa chấn" trên chính trường châu Âu có thể tác động chiến sự Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Năm này qua năm khác, các cuộc bầu cử ở châu Âu, đặc biệt là bầu cử Nghị viện châu Âu, thường nằm ngoài các hoạt động chính trị lớn.

Cơn địa chấn trên chính trường châu Âu có thể tác động chiến sự Ukraine - 1

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: AFP).

Điều này dẫn đến một quy luật bất thành văn: kết quả của các cuộc bầu cử ở châu Âu không ảnh hưởng đến chính trị quốc gia vì thực tế cho thấy các cuộc bầu cử quốc gia có thể tạo ra những con số hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, năm 2024 đang cho thấy điều ngược lại.

Trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine, các cuộc bầu cử ở châu Âu năm nay thu hút sự quan tâm đáng kể, chủ đề thảo luận chính là sự trỗi dậy của phe cực hữu.

Quả thực, có rất nhiều trong số các đảng cực hữu công khai hoặc ngấm ngầm ủng hộ Nga hoặc đã làm như vậy cho đến gần đây.

Phe cực hữu tồn tại ở nhiều nước Liên minh châu Âu (EU), từ Ba Lan đến Italy. Họ thường thúc đẩy các lợi ích của Nga. Tuy nhiên, có những đảng cánh hữu, không phải cực hữu.

Một lực lượng chính trị toàn châu Âu khác, thường bị truyền thông gọi nhầm là "cực hữu" là Nhóm Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR).

Trên thực tế, đây phần lớn là một liên minh của các đảng cánh hữu truyền thống, nói chung là những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu ôn hòa, ủng hộ một Liên minh châu Âu kinh tế mạnh mẽ nhưng chống lại sự tập trung hơn nữa của EU và muốn có nhiều quyền lực quốc gia hơn.

Trong kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) kéo dài vài ngày qua, hàng trăm triệu cử tri của 27 quốc gia EU đã đi bỏ phiếu.

Số ghế nghị sĩ của mỗi quốc gia tại Nghị viện châu Âu được phân bổ theo quy mô dân số của quốc gia đó. Cụ thể, Đức chiếm 96 ghế, Pháp 81 ghế, Italy 76 ghế. Hy Lạp, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Czech đều có 21 ghế. Mỗi nước Malta, Luxembourg và Cyprus có 6 ghế.

Các kết quả sơ bộ cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng đối với các đảng bảo thủ và cánh hữu bất chấp các chính sách hiện hành của khối, bao gồm nhập cư, an ninh và khí hậu.

Tại Pháp, đảng Mặt trận quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen giành được hơn 30% phiếu bầu, gấp hơn 2 lần so với tỷ lệ ủng hộ đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel macron.

Bà Lepen tuyên bố đã "sẵn sàng tiếp quản quyền lực". Nữ chính trị gia này ủng hộ việc gửi vũ khí phòng thủ cho Ukraine, song phản đối việc sử dụng chúng để tấn công lãnh thổ Nga. Bà cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow là không hiệu quả và chủ yếu gây hại cho người châu Âu.

Tại Đức, đảng Dân chủ Xã hội trung tả cầm quyền nhận kết quả đáng thất vọng, tụt lại sau đảng cánh hữu Sự thay thế cho nước Đức (AfD). AfD vốn phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tại Hà Lan, đảng Bảo thủ vì Tự do (PVV) do chính trị gia Geert Wilders đứng đầu, xếp thứ hai với 17% phiếu bầu và được dự đoán sẽ giành 7 ghế trong Nghị viện châu Âu, tăng từ 1 ghế trước đó.

Ông Wilders chủ trương phản đối việc gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, cho rằng việc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Kiev sẽ khiến quân đội Hà Lan không thể bảo vệ đất nước.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuyên bố từ chức sau khi đảng Open VLD của ông thất bại thảm hại, chỉ giành được 5,8% phiếu bầu. Trong khi đó, các đảng cánh hữu Vlaams Belang và N-VA theo chủ nghĩa dân tộc Flemish nhận được hơn lần lượt 14,8% và 14,2% phiếu bầu.

Đảng cánh hữu Fratelli d'Italia (Những người anh em của Italy) của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với 28% phiếu bầu, giành được 28 trong số 81 ghế. Đây là mức tăng đáng kể so với cuộc bầu cử năm 2019 khi đảng của bà Meloni chỉ giữ được 5 ghế.

Bà Meloni, chủ tịch hiện tại của Nhóm Cải cách và Bảo thủ Châu Âu (ECR) cánh hữu, đã chỉ trích Tổng thống Pháp Macron khi để ngỏ ý tưởng gửi quân đến Ukraine. Bà cũng phản đối sự leo thang căng thẳng giữa NATO và Nga.

Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu cho thấy sự nổi lên của các đảng có xu hướng phản đối can dự sâu vào xung đột Ukraine. Nếu các lực lượng chính trị này ngày càng giành nhiều quyền lực hơn, cách tiếp cận của châu Âu với cuộc xung đột ở Ukraine có thể sẽ thay đổi đáng kể.

EU đã đoàn kết ủng hộ Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra đầu năm 2022. Nhiều người ở châu Âu coi cuộc chiến này là mối đe dọa đến sự tồn tại quốc gia. Năm quốc gia EU có chung biên giới với Nga.

EU đã cung cấp hàng tỷ euro viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine và đưa nước này vào con đường trở thành thành viên EU, đồng thời áp đặt hết đợt trừng phạt này đến đợt trừng phạt khác đối với các quan chức, doanh nghiệp và các ngành kinh tế của Nga.

Không có mối đe dọa sắp xảy ra đối với việc ủng hộ Ukraine, nhưng kết quả bầu cử có thể làm phức tạp thêm các cuộc thảo luận về Ukraine.

Theo AP, Pravda