1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cơn "ác mộng" phân biệt chủng tộc ám ảnh người Mỹ gốc Á

Đức Hoàng

(Dân trí) - Số lượng các vụ việc phân biệt chủng tộc nhằm vào người Mỹ gốc Á gia tăng mạnh thời gian qua khiến nhiều thành viên thuộc cộng đồng này sống trong tâm lý bất an, lo sợ.

Cơn ác mộng phân biệt chủng tộc ám ảnh người Mỹ gốc Á - 1

Một cuộc tuần hành ở Washington hôm 17/3 phản đối nạn kỳ thị chủng tộc chống lại người gốc Á tại Mỹ (Ảnh: New York Times).

Một người đàn ông người Mỹ gốc Á ngồi ăn trưa tại một nhà hàng ngoài trời ở Mountainside, California, một phụ nữ da trắng tiến lại gần, nhổ nước bọt vào người này và nói rằng ông hãy "cuốn gói về nơi mà ông xuất phát".

Đó là vụ việc xảy ra ở một tiệm café tại Naples, Florida khi các khách hàng vội vã rời đi sau khi một người gốc Á ngồi xuống bàn. Đó là vụ việc cô này bị một người đàn ông tiến lại gần và yêu cầu cô "đi về nhà" và "biến khỏi đất nước này".

Giờ đây, bản danh sách 3.800 các hành vi bạo lực, phân biệt chủng tộc chống lại người gốc Á ghi nhận trong năm qua tiếp tục nối dài với vụ việc xả súng kinh hoàng ở các tiệm massage tại bang Georgia hồi đầu tuần làm 8 người chết, trong đó có 6 người phụ nữ gốc Á.

Theo Russell Jeung từ tổ chức hoạt động chống nạn phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc châu Á và Thái Bình Dương, Stop AAPI Hate, trong 3.800 vụ việc mà dự án ghi nhận trong năm qua, số vụ việc mà người lớn tuổi và phụ nữ trở thành nạn nhân cao gấp 2 nam giới.

Một thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Nạn thù ghét và Chủ nghĩa cực đoan tại Đại học bang California ở San Bernardino, cho thấy rằng số lượng các vụ việc liên quan tới hành vi ghét bỏ được báo cáo cho cảnh sát ở 16 thành phố lớn của Mỹ đã giảm 7% trong năm ngoái. Tuy nhiên, số vụ chống lại người Mỹ gốc Á lại tăng vọt 149%.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, tại một số nơi, các hành vi thù ghét chống lại người gốc Á dường như không được ghi nhận đầy đủ vì việc đưa ra tiêu chí để phân loại động thái này không phải là dễ dàng thực hiện. Mặc dù vậy, những nỗi đau và ám ảnh mà những người gốc Á phải hứng chịu là có thật.

Vào tháng 1, một người đàn ông 84 tuổi gốc Á bị một thanh niên 19 tuổi tấn công một cách công khai tại San Francisco, California. Cụ ông sau đó đã qua đời vì tuổi cao và chấn thương nặng. Vào tháng 2, một đoạn video ghi lại cảnh một phụ nữ gốc Á 52 tuổi bị đẩy xuống vỉa hè bên ngoài một tiệm bánh ở Queens, New York.

Trong bài phát biểu toàn quốc tuần trước, Tổng thống Biden thừa nhận các hành vi bạo lực chống lại người gốc Á là "sai trái, không phải là nước Mỹ và phải dừng lại ngay".

Hệ lụy từ Covid-19

Cơn ác mộng phân biệt chủng tộc ám ảnh người Mỹ gốc Á - 2

Hai phụ nữ gốc Á tưởng nhớ những người thiệt mạng trong các xụ xả súng gần đây tại bang Georgia (Ảnh: Reuters).

Nhiều ý kiến cho rằng đại dịch Covid-19 có thể đã đóng góp vào tâm lý ghét bỏ người châu Á tại Mỹ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc hồi cuối năm 2019. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bị chỉ trích là góp phần vào nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á gia tăng trong năm qua. Cách gọi SARS-CoV-2 "vi rút Trung Quốc" hay "vi rút Vũ Hán" của ông Trump được cho đã gây ra "tác dụng phụ", khiến người gốc Á bị đối xử tồi tệ hơn.

Chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cũng cáo buộc ông Trump có những tuyên bố "gây tổn hại" đã dẫn tới những nhận thức sai lệch một cách không công bằng về cộng đồng người gốc Á.

Tuy nhiên, theo Financial Times, các động thái phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á đã từng xuất hiện từ lâu tại Mỹ và thậm chí có cả bằng chứng lập pháp cho vấn đề này. Ví dụ, Đạo luật Loại trừ Trung Quốc năm 1882 đã được ban hành để cấm công nhân Trung Quốc nhập cư tới Mỹ.

Nhiều người gốc Á phàn nàn rằng họ bị "bỏ quên" trong các cuộc thảo luận về những đối xử bất công về chủng tộc tại Mỹ. "Trong nhận thức nói chung, người gốc Á sống trong tình trạng mơ hồ khi da họ không đủ trắng, không đủ sẫm, không nhận được sự tin tưởng từ người gốc Phi, bị người da trắng phớt lờ", Cathy Park Hong, một nhà thơ và một phê bình, nhận định.

Elizabeth OuYang, giáo sư luật tại Đại học New York, so sánh sự tương đồng giữa những gì người gốc Á phải chịu đựng trong đại dịch với những đối xử mà cộng đồng người Mỹ gốc Hồi giáo phải hứng chịu sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. OuYang cho rằng, tình trạng này có thể còn tồi tệ hơn nữa nếu nhiều trường học không đóng cửa vào năm ngoái.

"Bất kể khi nào Mỹ gia tăng căng thẳng với một quốc gia châu Á, người Mỹ gốc Á sẽ thường phải hứng chịu phản ứng dữ dội", OuYang cho biết.

Năm 1982, khi ngành công nghiệp ô tô Mỹ đi xuống vì sự cạnh tranh từ đối thủ nước ngoài, Vincent Chin, một người Mỹ gốc Trung Quốc đã bị 2 công nhân ngành sản xuất ô tô đánh chết ngay trước ngày cưới vì họ nghĩ Chin là người Nhật Bản.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm