1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Có phải phương Tây đã "mất" Thổ Nhĩ Kỳ?

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, chính thái độ và những việc làm không thực tâm đã phá hỏng mối quan hệ giữa Ankara và phương Tây.

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/8 cho rằng, cách hành xử của Liên minh châu Âu (EU) với nước này đã được thúc đẩy bởi tâm lý chống Thổ Nhĩ Kỳ và thái độ thù địch đối với Tổng thống Tayyip Erdogan, đồng thời cảnh báo, EU đang mắc sai lầm nghiêm trọng trong cách phản ứng sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7.

Mối quan hệ Ankara - phương Tây đang bị rạn nứt nghiêm trọng sau đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7. (Ảnh: Reuters)
Mối quan hệ Ankara - phương Tây đang bị rạn nứt nghiêm trọng sau đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7. (Ảnh: Reuters)

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay đã không ngần ngại bày tỏ sự tức giận đối với những gì mà họ gọi là “sự quan tâm quá mức” của châu Âu với các cuộc đàn áp sau đảo chính và cáo buộc châu Âu đang thờ ơ với hậu quả của cuộc đảo chính làm hơn 240 người thiệt mạng.

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo EU đang mắc “sai lầm nghiêm trọng”

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với hãng thông tấn Anadolu: “Thật không may là EU đang theo đuổi một số sai lầm nghiêm trọng. Họ đã thất bại trong việc xem xét âm mưu đảo chính… Vấn đề của họ là chống Thổ Nhĩ Kỳ và thái độ thù địch với Tổng thống Erdogan.

Chúng tôi đã hoạt động rất tích cực để có thể trở thành thành viên EU trong suốt 15 năm qua. Chúng tôi không bao giờ cầu xin nhưng chúng tôi đã làm việc rất nghiêm túc. Giờ đây, cứ 3 người được hỏi thì có 2 người nói chúng tôi nên dừng đàm phán với EU”.

Trước đó, ngày 8/8, trả lời phỏng vấn của hãng tin Nga (TASS), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan tuyên bố, EU đã không thực hiện những lời hứa với Thổ Nhĩ Kỳ và “đánh lừa” Ankara suốt những năm qua.

Ông Erdogan cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sự chân thành của mình và chờ đợi điều tương tự từ EU. Tuy nhiên, EU trong suốt thời gian qua đã “lừa dối” Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Reuters, có hơn 60.000 người trong quân đội, tòa án, dịch vụ dân sự và giáo dục đã bị giam giữ, bị đình chỉ công tác hoặc bị điều tra sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7.

Chiến dịch thanh trừng này vẫn chưa dừng lại khi hôm 10/8 có thêm 648 thẩm phán và công tố viên bị đình chỉ công tác để điều tra, nâng tổng số các thẩm phán và công tố viên bị đưa vào “danh sách đen” sau cuộc đảo chính lên đến 3.489 trường hợp.

Đài truyền hình tư nhân NTV dẫn nguồn tin từ Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ (Tubitak) cho biết, đã có 560 nhân viên thuộc sự quản lý của Hội đồng bị loại bỏ sau đảo chính.

Cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7 đang gây ra những hệ lụy xấu đối với Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Reuters)
Cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7 đang gây ra những hệ lụy xấu đối với Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Reuters)

Đầy rẫy những nghi kỵ

Nhiều nước châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng, Tổng thống Erdogan đang lợi dụng cuộc đảo chính như cái cớ để mạnh tay thanh trừng những thế lực có thể cản đường ông thâu tóm quyền lực. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ cáo buộc này và nói rằng, họ đang thực hiện chiến dịch làm trong sạch đất nước, loại bỏ những kẻ âm mưu phá hoại sự ổn định của quốc gia.

Một số thành viên của EU cũng xem việc Thổ Nhĩ Kỳ chủ động xích lại gần Nga có thể là động thái nhằm gây sức ép đối với Mỹ và Liên minh châu Âu để nước này có thể sớm gia nhập ngôi nhà chung EU.

Thủ tướng Áo Christian Kern trả lời phỏng vấn đài ORF hôm 10/8 cho biết: “Tôi quan tâm đến một cuộc thảo luận cơ bản. Đó là chúng ta làm thế nào có thể chấp nhận một quốc gia trở thành thành viên EU mà không tuân thủ các tiêu chuẩn dân chủ, sẵn sàng bỏ qua các yêu cầu nhân đạo cơ bản và chà đạp lên các quy định của pháp luật?”.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đàm phán gia nhập EU vào năm 2005 và mặc dù đã có những cải cách nhất định nhưng tiến bộ đạt được là không đáng kể. Thực tế là nhiều quốc gia thành viên EU không muốn thấy một quốc gia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo trở thành thành viên của liên minh, đặc biệt khi việc đảm bảo quyền công dân ở Thổ Nhĩ Kỳ không những không được cải thiện mà còn có chiều hướng đi xuống trong những năm gần đây.

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang ấm dần. (Ảnh: Reuters)
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang "ấm" dần. (Ảnh: Reuters)

Bình luận về chuyến thăm Nga của ông Erdogan, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết: “Chúng tôi không hàn gắn quan hệ với Nga chỉ để gửi một điệp tới phương Tây. Nếu một ngày nào đó phương Tây ‘mất’ Thổ Nhĩ Kỳ thì đó sẽ không phải do các mối quan hệ của chúng tôi với Nga, với Trung Quốc hay với thế giới Hồi giáo mà chính vì bản thân họ”.

Người phát ngôn của Tổng thống Erdogan nói với các phóng viên ở Ankara rằng, sẽ là hoàn toàn bình thường khi Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm “lựa chọn khác” về hợp tác quốc phòng vì nước này không nhận được sự ủng hộ từ bạn bè phương Tây và các đồng minh NATO sau cuộc đảo chính.

Dường như cảm thấy đây không phải chỉ là lời đe dọa suông, ngày 10/8, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ra tuyên bố khẳng định tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nhấn mạnh “lập trường rất rõ ràng” của liên minh quân sự này là tiếp tục ủng hộ chính quyền Ankara sau cuộc đảo chính bất thành ở nước này hồi trung tuần tháng 7 vừa qua.

Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu nhấn mạnh, “không có gì phải nghi ngờ về tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ”. NATO hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục đóng góp cho liên minh và Ankara có thể tin tưởng vào sự đoàn kết và ủng hộ của NATO.

Với những diễn biến gần đây, câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có dám đánh đổi quan hệ với các nước đồng minh phương Tây để khôi phục quan hệ hữu nghị với Nga? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời cho câu hỏi này. Tuy nhiên, chắc chắn sự “ấm lên” trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tác động tới mối quan hệ giữa Ankara và các nước phương Tây thời gian tới./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN