1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cơ hội tới miền đất mới của lao động Triều Tiên ở nước ngoài

(Dân trí) - Đối với một số người lao động Triều Tiên được phép ra nước ngoài làm việc, đây sẽ là cơ hội để họ tìm đến một chân trời mới với những trải nghiệm khác biệt so với cuộc sống tại quê nhà.

Công nhân Triều Tiên làm việc trong nhà máy giầy ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Công nhân Triều Tiên làm việc trong nhà máy giầy ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Năm 31 tuổi, Kim Seung-chul từng là người lao động Triều Tiên làm công việc đốn gỗ ở Siberia. Tốt nghiệp từ Đại học Thủy lợi Hamhung, ông đủ tiêu chuẩn để có thể nhận một công việc tại Triều Tiên. Tuy nhiên, người đàn ông này đã tận dụng cơ hội hiếm hoi để rời khỏi đất nước trong bối cảnh nền kinh tế Triều Tiên gặp nhiều khó khăn.

Tại Siberia, ông Kim làm việc với tần suất 13 giờ/ngày và liên tục 7 ngày trong tuần. Sau khi trừ đi khoản tiền phải nộp cho chính phủ Triều Tiên, số tiền ông nhận được trong một tháng khoảng 20 USD.

Sau gần 2 năm, vào tháng 1/1993, ông Kim đã rời khỏi khu nhà tập thể ở Siberia và dành một năm tiếp theo sống ẩn dật ở Nga, Uzbekistan và Kazakhstan. Vào mùa xuân năm 1994, cảm thấy mệt mỏi vì liên tục phải chạy trốn, ông Kim đã tìm đến đại sứ quán Hàn Quốc tại Astana, thủ đô của Kazakhstan.

Hiện tại, ông Kim đang điều hành Đài Cải cách Triều Tiên - một đài phát thanh do chính ông thành lập năm 2007. Đài phát thanh này chuyên phát các bản tin về Triều Tiên nhằm tác động tới tâm lý của các quan chức cấp cao, từ đó dụ dỗ họ quay lưng chống chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Thông qua các mối quan hệ tại những nước có người Triều Tiên làm việc, ông Kim tiếp nhận các đoạn phim, băng ghi âm và tài liệu có liên quan tới người lao động Triều Tiên ở nước ngoài. Ông cũng đích thân tới thăm các cơ sở này để cập nhật điều kiện sống của các lao động Triều Tiên.

Những người lao động này nằm trong số ít các công dân Triều Tiên được phép rời khỏi đất nước. Nhiệm vụ của họ là giúp mang lại nguồn tài chính cho chính quyền Triều Tiên. Các nhà phân tích nhận định Bình Nhưỡng sẽ mang về từ 200 triệu đến 2 tỷ USD USD mỗi năm từ nguồn lao động ở nước ngoài.

Theo ông Greg Scarlatoiu, giám đốc điều hành của Ủy ban phụ trách vấn đề nhân quyền Triều Tiên, những người Triều Tiên được đưa ra nước ngoài làm việc là những công dân thuộc tầng lớp cao trong hệ thống phân tầng xã hội dựa trên lòng trung thành (songbun). Họ là những người xuất thân từ các gia đình có nền tảng tốt và được xem là “an toàn”.

“Họ thường là những người đàn ông đã kết hôn và có ít nhất một con, hoặc tốt hơn là hai đứa. Tất nhiên, các thành viên trong gia đình họ sẽ phải ở lại Triều Tiên để đảm bảo rằng những người được đưa ra nước ngoài làm việc không bỏ trốn”, ông Greg nói, đồng thời cho biết hiện Triều Tiên có ít nhất 60.000 người lao động làm việc ở 20 quốc gia trên toàn thế giới.

Sức ép từ lệnh trừng phạt


Các cô gái làm việc tại một nhà hàng Triều Tiên ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Các cô gái làm việc tại một nhà hàng Triều Tiên ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Kim Seung-chul đã chia sẻ một số tài liệu, bao gồm các thước phim và một cuốn sổ từ nơi làm việc của người Triều Tiên tại Nga, cho Washington Post. Các tài liệu này đã cung cấp góc nhìn hiếm hoi về cơ chế tài chính của chính quyền Triều Tiên, giúp nước này “sống sót” qua các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế cũng như kiếm đủ ngân sách để vận hành chương trình hạt nhân và tên lửa.

Cuốn sổ cùng thước phim quay tại Nga đã cho thấy cách các ông chủ Triều Tiên thu tiền từ lương của người lao động để chuyển về quê nhà. Với những nét chữ Triều Tiên nguệch ngoạc, cuốn sổ đã ghi lại các mục tiêu tài chính cùng với tên của những công nhân nợ tiền. Ngoài ra, một trang trong cuốn sổ dường như còn ghi thêm chỉ dẫn về cách giữ trật tự tại nơi làm việc.

Mặc dù Triều Tiên từng phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế, song mãi tới tháng 8 và tháng 9 gần đây, chương trình lao động của Triều Tiên ở nước ngoài mới bị đưa vào nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hưởng ứng lệnh trừng phạt này, một số nước như Kuwait và Qatar đã trục xuất các công nhân Triều Tiên và thông báo chấm dứt gia hạn thị thức mới. Trước đó, Ba Lan đã dừng cấp thị thực cho lao động Triều Tiên từ cuối năm ngoái.

Mặc dù vậy, hiệu quả thực sự của nghị quyết trừng phạt sẽ còn phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc, hai nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, và là bạn bè thân cận của Bình Nhưỡng. Đây cũng là 2 quốc gia có số lượng người lao động Triều Tiên đông nhất, lên tới 50.000 người.

Trong trường hợp tất cả người lao động Triều Tiên ở nước ngoài hồi hương, một vấn đề được đặt ra đó là điều gì sẽ chờ đợi họ tại quê nhà. Theo thông tin từ những người Triều Tiên đào tẩu, các lao động nước ngoài trở về Triều Tiên sẽ bị đặt dưới sự giám sát gắt gao trong vòng 3 năm.

“Mặc dù thực tế là họ đã sống trong các khu nhà tập thể trong phần lớn thời gian làm việc ở nước ngoài, nhưng chắc chắn họ cũng đã cảm nhận được sự tự do, và họ có thể sẽ không nhìn thấy điều này khi quay về nước. Nếu đây là một vấn đề, thì chính quyền Triều Tiên sẽ phải làm gì để giải quyết trường hợp của hàng chục nghìn lao động về nước?”, Giám đốc Viện Mỹ Hàn tại Đại học John Hopkins Jae H. Ku đặt câu hỏi.

Thành Đạt

Theo Washington Post