1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cơ hội hòa bình Trung Đông bỏ ngỏ sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ

Giới phân tích đã không có được sự lạc quan về cơ hội hòa bình Trung Đông bỏ ngỏ sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ.

Ngày 22/5, trong chuyến thăm tới Israel, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ lạc quan về "cơ hội lớn" đối với nền hòa bình ở Trung Đông. Tuy nhiên, đối với tuyên bố của Tổng thống Mỹ thì giới phân tích đã không có được sự lạc quan như vậy.

Phát biểu tại cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Reuven Rivlin, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định có nhiều lý do để hy vọng rằng khu vực Trung Đông sẽ đạt được hòa bình và sự ổn định.

Ông Donald Trump nêu rõ, các nước Trung Đông đang có cơ hội "hiếm hoi" có thể mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực, đánh bại chủ nghĩa khủng bố và tạo ra tương lai hòa bình và thịnh vượng, song điều đó chỉ có thể đạt được khi các nước bắt tay hợp tác.

“Đây là một thách thức và cũng là cơ hội. Nhưng có một cơ hội tuyệt vời cho hòa bình khu vực Trung Đông. Việc tôi đang ở Israel là một điều đặc biệt cho chúng ta và do vậy, chúng tôi hy vọng sẽ có những cuộc trò chuyện thú vị”- Tổng thống Mỹ Donald Trump nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phu nhân tới Israel (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phu nhân tới Israel (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho rằng, những gì xảy ra tại Iran đã khiến các quốc gia khác trong khu vực hướng về Israel. Ông khẳng định Iran không bao giờ được phép sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời lên án nước này hậu thuẫn “những phần tử khủng bố”.

Trong khi đó, Tổng thống Israel Reuven Rivlin cũng cho rằng, sự hợp tác giữa hai nước có thể sẽ giúp cải thiện tình hình khu vực.

“Số phận đang khiến người Palestine và người Do Thái cùng sống chung tại mảnh đất này. Chúng ta cần phải xây dựng sự tin tưởng và hợp tác, nhưng để đạt được điều này, chúng ta cần ý tưởng mới, năng lượng mới để giúp chúng ta tiến lên phía trước”- Tổng thống Israel nói

Tuy nhiên, ông Reuven Rivlin cũng nhấn mạnh, để có được sự ổn định tại khu vực thì Iran, nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhóm vũ trang Hamas không hiện diện tại khu vực biên giới Israel.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Tel Aviv bắt đầu chuyến thăm Israel và dự kiến có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Benjamin Netanyahu. Trong ngày 23/5, ông chủ Nhà Trắng có cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Bethlehem. Các cuộc hội đàm sẽ tập trung vào những nỗ lực nhằm nối lại các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine vốn đình trệ từ tháng 4/2014.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc ông Donald Trump tuyên bố làm trung gian cho một thỏa thuận Israel-Palestine thiếu kế hoạch cụ thể và thiếu tính khả thi.

Theo giới chuyên gia, Tổng thống Donald Trump sẽ không có nhiều ảnh hưởng trong việc thúc đẩy Israel từ bỏ các điều kiện tiên quyết đối với hòa bình, cho dù chính quyền của ông Donald Trump đang xây dựng mối quan hệ nồng ấm hơn với Israel so với các thời tổng thống tiền nhiệm của Mỹ.

Bên cạnh đó, nhận định về việc bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman, người ủng hộ mạnh mẽ hoạt động tái định cư của Israel, giới phân tích cho rằng sự kiện này cho thấy Mỹ không có khả năng cũng như không sẵn sàng đóng vai trò là nhà trung gian tin cậy trong khu vực.

Ông Ghanim, nhà phân tích chính trị Palestine nhận định: "Ông ấy ý thức rất rõ về tính phức tạp của tình hình chính trị tại Trung Đông. Theo quan điểm của tôi thì ông Donald Trump sẽ không tiến hành bước đi thật sự nào để thúc đẩy một giải pháp cho tình hình khu vực”.

Cũng theo các nhà phân tích thì ông Donald Trump không thể gây bất kỳ sức ép thực sự nào đối với Israel, trong khi những quyền cơ bản của Palestine, kể cả quyền tự quyết, lại không nằm trong chương trình nghị sự của chính quyền ông Donald Trump./.

Theo Vũ Anh Tuấn/VOV- Trung tâm Tin