Mỹ tiếp tục đánh Syria khi ông Trump tới Trung Đông
Các cuộc tấn công diễn ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên, trong đó có điểm đến Trung Đông.
Tấn công ở địa phận Deir Ezzor sau vụ không kích đoàn xe
Theo tin từ truyền hình Iraq Afaq TV, không quân liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu vừa tiến hành cuộc không kích nhằm vào lực lượng quân tình nguyện Iraq gần biên giới Syria.
Cụ thể, lực lượng quân tình nguyện Iraq, trung đoàn Sayyed Al-Shuhada, bị không quân liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu không kích gần biên giới Albukamal trong địa phận tỉnh Deir Ezzor.
Cuộc không kích ác liệt này đã khiến một chiến binh Sayyed Al-Shuhada bị sát hại và 6 người khác bị thương nặng gần thị trấn Albukamal.
Trung đoàn Sayyed Al-Shuhada là một đơn vị thành viên của Lực lượng Động viên rộng rãi PMU (Hashd Al-Sha'abi) tại Iraq. Lực lượng này đã từng tham gia tấn công IS ở Iraq dưới sự hậu thuẫn của quân đội Mỹ.
Cuộc tấn công diễn ra sau cuộc không kích dữ dội của không quân liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đánh vào đoàn xe quân sự Syria gần biên giới Tanf trên hướng đông nam tỉnh Homs hôm 18/5.
Khi đó, lực lượng vũ trang Syria đang tiến đến gần các nhóm Hồi giáo cực đoan nổi dậy được Mỹ và Jordan hậu thuẫn trên vùng sa mạc tỉnh Homs.
Al-Masdar News dẫn nguồn tin từ Damascus cho biết: lực lượng tình nguyện trong đoàn xe quân sự này là đơn vị người Alawi, còn được gọi là lực lượng Saraya Al-'Areen.
Tương tự như PMU, Saraya Al-'Areen được các cán bộ nòng cốt của Hezbollah đào tạo và chiến đấu trên khắp đất nước, tham gia vào các trận đánh ở Aleppo, Latakia, Damascus và Palmyra.
Liên quân cho rằng họ tiến hành vụ tấn công trên sau khi nhận thấy lực lượng thân Chính phủ Syria là "mối đe dọa" đối với Mỹ và các đối tác.
Thông điệp của ông Trump
Các vụ tấn công liên tiếp nói trên có thể coi là thông điệp cảnh cáo của chính quyền Donald Trump đối với không chỉ Syria mà với cả lực lượng được xem là đồng minh của ông Assad - Hezbollah.
Mỹ nói không kích khủng bố tại Syria. |
Đặc biệt, các cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump vừa bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên, trong đó có điểm đến Trung Đông. Đây có thể coi là đòn thị uy của ông Trump trước khi đặt chân đến mảnh đất này.
Trước đó, Thượng nghị sĩ cấp cao Nga Konstantin Kosachev đã lên án cuộc tấn công hôm 18/5, đồng thời đặt câu hỏi liệu đó có phải một cuộc không kích có chủ ý.
"Đây không chỉ là một cuộc tấn công vào Syria và chống lại Syria, mà còn chống lại đàm phán Geneva. Mỹ đang tức giận vì quá trình Geneva không nằm trong tầm kiểm soát của họ, và tệ hơn là đàm phán có thể thành công''.
Một điểm đáng chú ý, vào thời điểm này, ở nước Mỹ đang sôi sục yêu cầu đòi luận tội ông Trump với cáo buộc cản trở công vụ khi khi ông này yêu cầu Giám đốc FBI James Comey "bỏ qua" vụ điều tra mối liên hệ giữa cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và phía Nga.
Sau đó, ông Comey đã bất ngờ bị ông Trump sa thải.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng bị cáo buộc tiết lộ thông tin tình báo mật cho quan chức Nga.
Với việc gây ồn ào bằng các cuộc tấn công liên tiếp quân Syria, ông Trump có thể thành công trong việc "chuyển lửa" ra khỏi nước Mỹ.
Đòn tương tự 59 quả Tomahawk
Nước đi chính trị này của ông Trump không có gì lạ bởi ông đã dùng cách này khi bất ngờ ra lệnh tấn công Syria bằng 59 tên lửa hành trình Tomahawk hôm 7/4.
Thời điểm ấy, ông Trump cũng đang phải hứng chịu nhiều thất bại và gặp sự chống đối gay gắt. Các quyết định của ông về chính sách nhập cư và loại bỏ ObamaCare đều bị Quốc hội cũng như tòa án bác bỏ và phản đối. Các cố vấn thân cận nhất của ông phải rời khỏi các chức vụ then chốt trong Nhà Trắng.
Thêm vào đó, ông Trump phải đối mặt với những hoạt động âm thầm của cơ quan tình báo và FBI về "những liên hệ bí mật với Nga" trong quá trình tranh cử Tổng thống.
Một số thượng nghị sĩ có ảnh hưởng lớn trong Đảng Cộng hòa đã công khai thái độ muốn loại bỏ ông Trump khỏi Nhà Trắng.
Các báo và truyền thông của Mỹ đã ra mặt chống Tổng thống Trump bằng những bài viết chỉ trích ông, kéo theo là tỉ lệ tín nhiệm của ông sụt giảm chỉ còn 38%.
Bởi thế, có ý kiến cho rằng, cuộc tấn công quân sự của ông Trump vào Syria ngày 7/4 chỉ là một hành động mang tính tượng trưng, phục vụ cho uy tín chính trị của ông là chính.
The Guardian từng đánh giá, Donald Trump là bậc thầy đánh lạc hướng chú ý của dư luận. Bởi thế, lần tấn công này nhằm vào quân Syria có thể cũng là một cách để Trump tự đưa mình ra khỏi rắc rối lúc lâm vào thế khó.
Theo An Nhiên
Đất Việt