1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyện về cây thông duy nhất còn lại sau thảm họa sóng thần Nhật

(Dân trí) - ”Người sống sót” duy nhất trong rừng thông 70.000 cây từng hiên ngang đứng trước biển ở Rikuzentakata đã trở thành biểu tưởng của hi vọng tại Nhật Bản, khi đất nước này vật lộn trong thảm họa 11/3 năm ngoái. Song giờ đây, “cây thông của hi vọng” đang dần chết.

 
Chuyện về cây thông duy nhất còn lại sau thảm họa sóng thần Nhật
"Cây thông của hi vọng" đứng vững giữa ngổn ngang tàn phá.

Rất ít thứ còn có thể đứng vững tại thành phố Rikuzentakata sau khi trận đại hồng thủy quét qua một năm trước. Thậm chí với cả rừng thông bên bờ biển tồn tại nhiều thế kỷ nay, rừng thông đã trở thành biểu tượng của thành phố, cũng bị xóa sổ.

 

Song giữa sự tàn phá rộng khắp, làm 1/12 dân số thành phố thiệt mạng, một cây thông duy nhất trong tổng số 70.000 cây đã bám trụ được với cuộc sống. Cây thông trở thành biểu tượng cho hi vọng của người dân về ngày mai tươi mới.

 

“Lúc đó, chúng tôi không còn chút hi vọng nào. Vì vậy, có một thứ còn sống sót giống như là còn một tia sáng le lói giữa bóng tối”, Seiko Handa, 47 tuổi, cho hay.

 

Nhưng giờ đây cây thông 250 tuổi lại đang chết dần, do trận sóng thần đã để lại nước muối biển trên mặt đất.

 

“Ngay từ đầu khi chúng tôi chăm sóc cây, chúng tôi cũng đã lo ngại nó sẽ chết dần”, Kazunari Takahashi, quan chức thuộc phòng Rừng, Nghề cá và Nông nhiệp thành phố cho hay.

 

Được trồng với mục đích là rừng chắn cát và muối biển, bảo vệ mùa màng trong thành phố, rừng thông rậm rạp được biết đến với tên gọi Takata-Matsubara trải dài khoảng 2km dọc bờ biển và đã trở thành một trong những địa điểm nổi tiếng ở miền bắc Nhật.

 

Nhưng bức tường nước cao gần 10m ầm ầm đổ vào sau trận động đất 9,0 richter vào ngày 11/3 năm ngoái đã xóa sổ cả vùng đất nơi rừng thông này đứng cùng với hơn 3.000 ngôi nhà trong thành phố.

 

Gần 2.000 người đã thiệt mạng tại Rikuzentakata. Và tổng cộng khoảng 25.000 người đã chết trong thảm họa ở đông bắc Nhật.


Giờ đây giới chức thành phố đã bỏ hi vọng cứu sống “cây thông của hi vọng”.

 

Đã có cuộc bàn luận về việc lưu giữ lại cây thông ở nơi nó đang đứng, thậm chí là cả khi nó đã chết, như một đài tưởng niệm. Song việc lưu giữ cây thông có thể phải tốn kém tới 300 triệu Yên (tức khoảng 3,7 triệu USD) và điều đó khó có thể xảy ra trong bối cảnh thành phố đang rất cần tái thiết.

 

Cái chết nhãn tiền của cây thông đã khiến rất nhiều người nỗ lực tìm cách cứu, ít nhất là một phần của nó để cho những thế hệ tương lai.

 

“Chúng tôi đã chiết một nhánh nhỏ của cây thông và đây là cách để giữ cho cây thông được sống mãi”, Takahashi cho hay. “Chúng tôi cũng thu thập quả thông còn trên cây và một vài hạt còn sót lại để trồng”. Một công ty đã dùng những hạt này để ươm giống mà giới chức thành phố hi vọng một ngày nào đó có thể dùng để trồng một khu rừng mới.

Nhưng dù điều gì có xảy ra đi chăng nữa, cây thông biểu tượng sẽ sống mãi trên các đồng xu tưởng niệm thảm họa động đất/sóng thần mà chính phủ sắp phát hành, để gây quỹ tái thiết.

 
Chuyện về cây thông duy nhất còn lại sau thảm họa sóng thần Nhật
Một cách lưu giữ "cây thông của hi vọng" (trái ngoài cùng)

Những đồng xu 1.000 yên và 10.000 yên sẽ có hình ảnh của cây thông với đàn bồ câu sải cánh bên trên.

”Chúng tôi đã quyết định dùng thiết kế này với hi vọng phục hồi lại miền đông Nhật”, Bộ trưởng tài chính Nhật Azumi cho biết khi công bố đồng xu mới.

 

Cây thông Rikuzentakata không phải là biểu tượng duy nhất của sự tái sinh dọc bờ biển bị sóng thần tàn phá. Đi dịch về phía nam, tại thành phố Kesennuma bị tàn phá nặng nề, một cây thông đã bắt đầu mọc lên giữa kẽ nứt bê tông. Vươn mình giữa những ngôi nhà bị tàn phá và cách không xa một rừng thông khác bị cuốn trôi, cây thông mới này đã thu hút được rất nhiều sự chú ý, bởi cách nó đứng thẳng giữa bầu trời. “Nó vẫn còn khá nhỏ, nhưng nó đang vươn mình hết sức”, Katsushi Sato, một người dân, cho biết. “Tôi muốn nói đến sự dũng cảm thường trực”.
 
 


Phan Anh

Theo Reuters