1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyện tình lãng mạn của các cô dâu Việt tại Hàn Quốc lên báo nước ngoài

(Dân trí) - Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa, những cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc đã và đang cố gắng hòa nhập với cuộc sống mới, vun vén chăm lo cho hạnh phúc gia đình, trở thành hậu phương vững chắc cho chồng.

Vận động viên Sin Eui-hyun và người vợ Việt Nam Mai Kim Hein (Ảnh: KBS)
Vận động viên Sin Eui-hyun và người vợ Việt Nam Mai Kim Hein (Ảnh: KBS)

Khi vận động viên trượt tuyết Sin Eui-hyun giành huy chương đồng cho Hàn Quốc tại nội dung trượt 15 km trong thế vận hội mùa Đông giành cho người khuyết tật Pyeongchang 2018, người vợ Việt Nam của anh Sin đã xuất hiện ôm chặt lấy người chồng và không thể cầm được nước mắt vì hạnh phúc.

Anh Sin, 38 tuổi, sau đó chiến thắng huy chương vàng đầu tiên cho Hàn Quốc ở nội dung trượt tuyết băng đồng 7,5 km. Anh đã gửi lời cảm ơn tới người vợ đã vất vả nuôi nấng 2 đứa con và chăm sóc cha mẹ già khi anh đang luyện tập chăm chỉ ở nước ngoài.

“Tôi không thể giành được thành tựu này nếu như không có vợ tôi”, anh Sin xúc động chia sẻ với Straits Times.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã biết về câu chuyện tình yêu vượt qua những thách thức của vợ chồng anh Sin và ông đã gửi lời mời vợ chồng anh cùng tới Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm Hà Nội của hồi tháng 3.

Theo Straits Times, còn rất nhiều những ví dụ tiêu biểu khác cho thấy cuộc hôn nhân hạnh phúc của những cặp đôi Hàn Quốc - Việt Nam dù có nhiều bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa.

Theo một thống kê, Hàn Quốc hiện có 40.000 cô dâu là người gốc Việt Nam, dẫn đầu trong danh sách các quốc gia có phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc kể từ năm 2015 tới nay. Tính riêng trong năm 2017, có 5.364 cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, so với 4.651 trường hợp năm 2015.

Các chuyên gia cho rằng sự nồng ấm trong quan hệ ngoại giao và thương mại Hàn - Việt, cũng như trào lưu âm nhạc, điện ảnh Hàn Quốc bùng nổ là 2 trong nhiều nguyên nhân dẫn đến con số trên.

Năm 2015, Seoul và Hà Nội ký thông qua hiệp định thương mại tự do. Tới năm 2017, thương mại song phương 2 nước ước đạt 87,1 tỷ USD, và Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 tại Việt Nam, trong khi ngược lại, Hà Nội trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Seoul.

Một trung tâm mai mối hôn nhân Hàn Quốc nói với Straits Times rằng đàn ông Hàn Quốc rất thích cô dâu Việt Nam về cả ngoại hình lẫn tính cách. Những cô gái Việt Nam có tính tình hiền lành, trong sáng, chăm chỉ và sẵn sàng phụng dưỡng cha mẹ chồng lớn tuổi. Hơn nữa, đàn ông Hàn Quốc đánh giá phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, vì vậy họ rất thích cô dâu Việt Nam.

Những rào cản

Các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc thường xuyên gặp gỡ, nói chuyện vơi bớt nỗi nhớ quê hương (Ảnh: Guro Family Center)
Các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc thường xuyên gặp gỡ, nói chuyện vơi bớt nỗi nhớ quê hương (Ảnh: Guro Family Center)

Người Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết họ cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện đại, hệ thống giao thông công cộng thuận tiện và khoa học kỹ thuật khá phát triển cũng như mức lương cao. Tuy nhiên, rào cản về ngôn ngữ tại quốc gia mà tiếng Anh không phải là tiếng phổ thông, khiến cho những người Việt Nam xa xứ đôi khi cảm thấy nản lòng.

Vợ vận động viên Sin, cô Mai Kim Hein, chỉ mới 19 tuổi khi cô gặp anh Sin lần đầu hồi năm 2006. Sin bị mất chân trong tai nạn xe hơi và cha mẹ anh đã thuyết phục Sin lấy một cô vợ Việt Nam.

Cô Hein quyết định cưới anh Sin chỉ vài giờ sau khi họ gặp mặt. “Tôi khá tò mò về cuộc sống ở Hàn Quốc. Tôi nghĩ khuyết tật không phải là vấn đề quá lớn”, cô Hein nói.

Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ không ít lần khiến Hein buồn lòng vì cô và chồng không thể trò chuyện do không hiểu nhau. “Tôi thường khóc rất nhiều vì tôi nghĩ tôi đã sai khi quyết định sang Hàn Quốc. Tôi không thể nói được và thường xuyên cãi vã”, cô chia sẻ.

Anh Sin thừa nhận rằng anh đã cư xử ích kỷ trong những năm đầu hôn nhân. “Tôi không thể khiến vợ cười, tôi làm trái tim cô ấy tan nát. Nhưng cô ấy đã thay đổi tôi, đã giúp tôi trở thành tôi của ngày hôm nay”, anh Sin nói, nhấn mạnh rằng sự xuất hiện của Hein đã khiến cuộc đời anh thay đổi theo hướng tích cực.

Hồi tưởng lại chuyến thăm Việt Nam cùng với Tổng thống Moon, anh Sin cho biết: “Vợ tôi cực kỳ hạnh phúc nên cũng cảm thấy hạnh phúc”.

Tuy nhiên, không phải cuộc hôn nhân nào cũng có kết cục hạnh phúc như anh Sin và cô Hein. Năm ngoái, có 1,575 cặp đôi Hàn-Việt nộp đơn ly dị, bằng 30 % so với số lượng các cuộc hôn nhân. Ngoài ra, cũng có những câu chuyện cô dâu Việt Nam bị đối xử tệ bạc vì mâu thuẫn chồng chất do khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa.

Trước đây, những cuộc hôn nhân giữa đàn ông Hàn Quốc và phụ nữ Việt Nam khoảng cách tuổi tác thường khá chênh lệch, từ 20-30 tuổi và phụ nữ sang Hàn Quốc có xu hướng sẽ ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình.

Tuy nhiên, khi thế hệ phụ nữ Việt Nam mới, trẻ trung xuất hiện tại Hàn Quốc, họ đã mạnh mẽ lựa chọn học ngôn ngữ, ra ngoài kiếm công ăn việc làm và xây dựng cuộc sống theo những gì họ mong muốn.

Cô Nguyen Thi Van, 24 tuổi, hiện đang làm phiên dịch tại một trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa ở Yongsan, Seoul. Van cho biết cô sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nhưng cô luôn ước mơ có thể du học nước ngoài. Vì vậy, sau khi lấy một người chồng Hàn Quốc, cô đã có thể thực hiện điều cô mong muốn.

“Lấy chồng và ra nước ngoài không mấy khác biệt so với lấy chồng Việt Nam. Chồng tôi đã hứa là sẽ cố gắng hết sức để giúp tôi hoàn thành tâm nguyện”, Van cho biết.

Cô nói rằng cô rất hài lòng với cuộc sống hôn nhân, luôn cố gắng vun đắp hạnh phúc gia đình dù chồng cô là người khô khan, không thích thể hiện cảm xúc, một nét tính cách phổ biến của đàn ông Hàn Quốc.

Với những người đàn ông Hàn Quốc muốn lấy vợ Việt Nam, vận động viên Sin dành lời khuyên rằng: “Người chồng nên học tiếng Việt và đừng bắt ép người vợ nhất nhất tuân theo văn hóa Hàn Quốc. Hãy cố gắng thấu hiểu văn hóa Việt và họ có thể cùng chia sẻ những mối quan tâm và tôn trọng lẫn nhau trong cuộc sống hôn nhân sau này".

Đức Hoàng

Theo Straits Times