1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyện ô nhiễm ánh sáng ở Hồng Kông

(Dân trí) - Năm 2009, Chiu Mung-ngor và chồng đã trả 3,3 triệu USD cho căn hộ của họ trong một khu chung cư sang trọng tại Hồng Kông. Khi mua, họ bị mê hoặc một phần bởi căn hộ nhìn ra Vịnh Victoria tuyệt đẹp.

Chuyện ô nhiễm ánh sáng ở Hồng Kông - 1
Vịnh Victoria nổi tiếng Hồng Kông trong một đêm trời mưa.

Nhưng niềm vui đó “chỉ tày gang”. Tháng 10 năm ngoái, một tấm biển quảng cáo bằng đèn LED cao bằng 3 tầng nhà nằm “chình ình” trên nóc của một trung tâm thương mại gần đó đã chặn đứng tầm nhìn ra vịnh. Không những thế, hàng trăm bóng đèn trên tấm biển không ngừng chiếu rọi vào phòng khách, phòng ngủ của họ cho tới tận đêm khuya.

Chiu và những người dân khác phàn nàn với trung tâm thương mại, nhà phát triển, công ty quản lý khu chung cư, chính quyền địa phương, các chính trị gia, các nhà hoạt động. Nhưng không có gì thay đổi.

Và giờ đây, 10 bên sở hữu hàng chục căn hộ trong tòa nhà ở khu Tsim Sha Tsui có thể sẽ đệ đơn trong một vụ kiện đầu tiên về ô nhiễm ánh sáng ở Hồng Kông, với lý do tấm biển quảng cáo đã phá hủy giá trị căn hộ cũng như chất lượng cuộc sống của họ.

“Bắt đầu từ tháng 10, một cặp vợ chồng Australia, rất thích căn hộ và đã đến tham quan 4 lần, đã quyết định thuê”, Chiu cho hay. Song cô cũng cho biết thêm 3 khách thuê nhà tiềm năng khác đã phải bỏ đi bởi tấm biển quảng cáo nhấp nháy cách đó 250m.

“Rồi đột nhiên, dấu hiệu đó đến. Họ đã đi quanh hỏi tấm biển quảng cáo đó sáng muộn đến khi nào. Cuối cùng họ quyết định không thuê nữa”.

Chiu chỉ có thể tìm được một khách hàng ở trong thời gian ngắn sau khi đã giảm giá thuê căn hộ rộng hơn 100m2 từ 8.300USD xuống còn 6.300USD.

Mary Elvin, đã sống trong khu vực suốt 20 năm qua, cho biết nhiều người đã bỏ đi bởi khu vực phát triển với tốc độ chóng mặt, gây ra “thảm họa” về tiếng ồn, ánh sáng và giao thông.

Cô cho biết cô đã phải chịu đựng tới 6 năm khi trung tâm thương mại đối diện được xây dựng. Nhưng giờ cô lại tiếp tục phải chịu đựng không chỉ ánh đèn chiếu từ trung tâm thương mại mà còn ánh sáng phản chiếu từ những tấm kính ở bên cạnh tòa nhà.

“Trong phòng ngủ tôi phải treo rèm hai lớp. Tôi không có rèm lớn ở phòng khách, tại sao tôi lại phải làm thế cơ chứ? Chúng tôi phải sống trong ngục tối hay sao?”, cô bức xúc.

Phàn nàn về ô nhiễm ánh sáng ở Hồng Kông đã tăng lên gấp 6 lần kể từ năm 2004, loại ô nhiễm góp phần làm gia tăng khí thải nhà kính, Han Chu Hon-keung, giám đốc môi trường của nhóm Friends of the Earth (Bạn bè của Trái đất) cho hay.

“Tại Hồng Kông, dân số tăng chưa đầy 6% trong 10 năm qua, nhưng tiêu dùng năng lượng lại tăng vọt tới 80%. Thật lãng phí”, ông cho hay.

Không chế tài

Tại Hồng Kông, hiện không hề có quy định cụ thể nào cho việc thắp đèn ngoài trời và các vụ phàn nàn chỉ được giải quyết đơn lẻ.

 

Trước năm 2000, đèn nhấp nháy bị cấm ở Hồng Kông bởi chúng gây nguy hiểm cho các máy bay hạ cánh xuống sân bay nằm ở giữa trung tâm thành phố. Nhưng sau khi sân bay được chuyển tới đảo Lantau, chính quyền bị các nhà phát triển, quảng cáo gây sức ép, buộc phải cho phép họ lắp đèn nháy trang trí và biển quảng cáo trên các tòa nhà.

Trên thực tế, chính quyền cũng đầu tư tiền của vào cuộc trình diễn ánh sáng ở quanh Vịnh Victoria, tạo ra một cuộc đua giữa các ông chủ các tòa nhà xung quanh Vịnh. Họ bắt đầu đua nhau “khoác” lên các tòa nhà những tấm áo ánh sáng lung linh đủ loại, thậm chí cả ở các khu dân cư.

Song, trước áp lực của công chúng, ngày 28/3 tới, nhà lập pháp Audrey Eu sẽ đưa vấn đề ra Hội đồng lập pháp địa phương để xem xét tái ra quy định về đèn.

“Từ trước cuộc chiến chỉ do các nhà môi trường khởi xướng”, ủy viên hội đồng quận Paul Zimmerman cho hay. “Nhưng giờ chúng ta có những người chủ căn hộ lên tiếng: “Hãy nhìn đây, nghe đây, Đèn làm ảnh hưởng đến chất lượng căn hộ của chúng tôi”. Rõ ràng đây đã là điều mà cả Hồng Kông cảm thấy khó chịu”.

Phan Anh

Theo Reuters