Chuyên gia: Tên lửa mới của Triều Tiên có thể châm ngòi một cuộc chiến
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng tên lửa mới của Triều Tiên ngày càng khó phát hiện hơn và mang nhiều thông điệp chính trị, thậm chí có thể châm ngòi cho một cuộc chiến.
Ngày 9/5, Triều Tiên tiếp tục phóng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn lần thứ hai trong vòng một tuần, khiến Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên thừa nhận rằng “không ai vui vẻ” khi nỗ lực ngoại giao mang đậm dấu ấn cá nhân của ông nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên đột nhiên bị đe dọa.
Bình luận của Tổng thống Trump được đưa ra cùng ngày Mỹ thông báo bắt giữ một một tàu Triều Tiên bị cáo buộc lách lệnh trừng phạt khi chở than bị cấm, đồng thời tiết lộ một căn cứ quy mô lớn, tồn tại suốt nhiều năm được cho là nơi cất giấu và bảo vệ kho tên lửa tầm xa ngày càng lớn của Triều Tiên.
Những tín hiệu đáng lo ngại từ cả Mỹ và Triều Tiên là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy Tổng thống Trump, sau chưa đầy một năm theo đuổi sáng kiến đàm phán song phương với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã vấp phải những chướng ngại vật và sự chán nản từng làm sụp đổ mọi nỗ lực của 4 chính quyền tiền nhiệm trong vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên lần này, chính sách ngoại giao với Triều Tiên thậm chí còn phức tạp hơn. Tổng thống Trump đang phải giải quyết cuộc chiến thương mại căng thẳng với Trung Quốc - quốc gia mà ông chủ Nhà Trắng đang cần nhất để “kiềm chế” Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ dường như ngày càng lún sâu vào cuộc đối đầu căng thẳng với Iran.
Trong vụ phóng mới nhất, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa từ một căn cứ ở tây bắc Bình Nhưỡng, với tầm bay lần lượt là 270 km và 410 km. Khoảng cách này còn rất xa mới đạt đến tầm bay của tên lửa đạn đạo liên lục địa từng khiến Mỹ đứng ngồi không yên khi Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công hồi năm 2017.
Tuy vậy, vụ phóng tên lửa mới nhất cho thấy Triều Tiên hoàn toàn dễ dàng có thể tấn công thủ đô Seoul hoặc binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Các chuyên gia cũng đang nghiên cứu những bằng chứng cho thấy các tên lửa do Triều Tiên phóng đi gần đây dựa trên thiết kế của tên lửa Nga.
Tên lửa trong vụ phóng 9/5 của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)
Theo báo cáo sơ bộ do 38 North, trang mạng chuyên theo dõi thông tin về Triều Tiên, công bố hôm 9/5, tên lửa mới của Triều Tiên có thiết kế tương tự tên lửa SS-26 Iskander của Nga. Tên lửa này được cho là sẽ “vượt mặt” hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Hàn Quốc.
Mỹ và Hàn Quốc đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và Patriot để bắn hạ nhiều tên lửa đạn đạo và hành trình. Tuy nhiên, năng lực thực sự của các vũ khí này vẫn còn đặt nhiều nghi vấn.
Theo giới phân tích, các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên gần đây không chỉ đơn thuần mang mục đích chính trị.
“Vụ thử nghiệm (tên lửa) thứ hai càng củng cố một điều rằng, các vụ phóng này không chỉ nhằm khuấy động tình hình và khiêu khích phản ứng của Mỹ để nối lại đàm phán. Họ (Triều Tiên) đang phát triển một tên lửa đáng tin cậy, đủ khả năng đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa và tiến hành một cuộc tấn công chính xác nhằm vào Hàn Quốc”, Grace Liu, chuyên gia về tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin (CNS) tại California, nhận định.
Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc đều không đưa ra phản ứng quá gay gắt về các vụ thử vũ khí của Triều Tiên gần đây. Thậm chí, Tổng thống Trump còn nói rằng các tên lửa này không phải là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng phóng tới lãnh thổ Mỹ.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng không nên đánh giá thấp ý nghĩa về mặt quân sự của các tên lửa mới do Triều Tiên thử nghiệm.
“Chính quyền Trump vẫn đánh giá thấp những tên lửa này vì chúng không phải ICBM, tuy nhiên dù không thể phóng tới lục địa Mỹ, chính những tên lửa như vậy sẽ khơi mào một cuộc chiến. Đó là những tên lửa nhỏ, dễ che giấu, dễ vận hành và bạn không thể biết rõ chúng đang mang đầu đạn nào. Chúng có thể mang vũ khí hạt nhân”, chuyên gia về vũ khí Melissa Hanham nhận định.
Trong khi bản chất của tên lửa Triều Tiên vẫn chưa rõ ràng, một nhóm gồm các nhà phân tích của CNS cho rằng vụ thử nghiệm hôm 9/5 đã xác nhận tên lửa này có khả năng cơ động để né tránh các hệ thống phòng thủ, đồng thời bảo vệ kíp phóng tên lửa khỏi bị phát hiện.
“Nếu Triều Tiên kéo một tên lửa ICBM ra, mọi người đều biết họ sẽ phóng một tên lửa hạt nhân. Còn với những tên lửa mới này, bạn không nắm bắt được, do vậy rất khó để chuẩn bị”, nhà phân tích Hanham nói, đồng thời nhận định các tên lửa mới đã nâng sự khó đoán của Triều Tiên lên một mức độ mới.
Giới chức Hàn Quốc hiện vẫn phỏng đoán về động cơ chính trị phía sau các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Họ cho rằng Bình Nhưỡng phóng tên lửa để gia tăng sức ép buộc Mỹ và các nước phải nới lỏng trừng phạt, phản đối các động thái phô diễn sức mạnh quân sự của Hàn Quốc như mua các máy bay chiến đấu F-35 mới hay tập trận chung với Mỹ.
Ngoài ra, vụ phóng tên lửa mới cũng có thể là thông điệp do nhà lãnh đạo Kim Jong-un gửi tới người dân, từ đó nâng cao sự ủng hộ của họ dành cho chính quyền Triều Tiên.
Thành Đạt
Theo Reuters, New York Times