1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Triều Tiên phóng tên lửa hai lần liên tiếp trong một tuần?

(Dân trí) - Hai vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên trong vòng chưa đầy một tuần có thể là cách để Bình Nhưỡng gửi thông điệp tới Mỹ và cộng đồng quốc tế khi các cuộc đàm phán hạt nhân lâm vào bế tắc.

Vì sao Triều Tiên phóng tên lửa hai lần liên tiếp trong một tuần? - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát cuộc diễn tập của Triều Tiên hôm 10/5. (Ảnh: Reuters)

Truyền thông Triều Tiên ngày 10/5 thông báo nước này đã tiến hành một cuộc diễn tập tấn công tầm xa, không lâu sau khi Hàn Quốc phát hiện Bình Nhưỡng phóng các vật thể chưa xác định từ khu vực tây bắc nước này ra bờ biển Nhật Bản.

Lầu Năm Góc xác định các vật thể được Triều Tiên phóng đi hôm qua là các tên lửa đạn đạo với tầm bay hơn 300km. Trong khi đó, Hàn Quốc xác định Bình Nhưỡng đã phóng hai tên lửa tầm ngắn với tầm bay lần lượt là 420km và 270km.

Vụ phóng hôm qua là vụ phóng thử tên lửa thứ hai của Triều Tiên trong vòng chưa đầy một tuần. Điều đáng lưu ý là nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều trực tiếp chỉ đạo tiến hành cả hai vụ phóng này.

Nhận định về động cơ của Triều Tiên khi phóng liên tiếp tên lửa sau một thời gian tạm dừng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng Bình Nhưỡng dường như bất mãn vì không đạt được thỏa thuận với Mỹ tại cuộc gặp thượng đỉnh lần hai hồi tháng 2.

Theo nhà lãnh đạo Hàn Quốc, thông qua các vụ phóng tên lửa, Triều Tiên dường như cũng mong muốn giành được lợi thế trong các cuộc đàm phán với Mỹ trong tương lai.

Một số chuyên gia nhận định nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đang tìm cách đánh tín hiệu rằng ông đã hết kiên nhẫn với Mỹ khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa ngày càng rơi vào bế tắc sau thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội.

“Triều Tiên đã tìm cách đánh tín hiệu cho thấy sự không hài lòng với Mỹ và Hàn Quốc, song vẫn chưa vượt qua bất kỳ lằn ranh đỏ nào với cộng đồng quốc tế”, Andrew Yeo, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Công giáo Mỹ, nói.

Triều Tiên thường tiến hành các vụ thử vũ khí với hai mục đích chính: Thứ nhất, để cải thiện năng lực quân sự, tương tự như bất kỳ quốc gia nào khác. Thứ hai, để gửi thông điệp chính trị tới Mỹ và các đồng minh, trong đó chủ yếu là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Triều Tiên đã chính thức thông báo rằng vụ thử tên lửa của nước này hồi tuần trước chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích quân sự.

“Cuộc diễn tập gần đây do quân đội Triều Tiên tiến hành không có mục đích nào khác ngoài một cuộc huấn luyện quân sự thường kỳ. Cuộc diễn tập không nhắm mục tiêu tới bất kỳ ai và cũng không làm trầm trọng thêm tình hình khu vực”, một quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.

Lời giải thích trên của Triều Tiên được cho là hợp lý sau vụ phóng thứ nhất. Tuy nhiên, lời giải thích này sẽ thiếu thuyết phục nếu áp dụng cho vụ phóng thứ hai diễn ra chỉ 5 ngày sau đó.

Mục tiêu của Triều Tiên

Vì sao Triều Tiên phóng tên lửa hai lần liên tiếp trong một tuần? - 2

Tên lửa được phóng trong cuộc diễn tập của Triều Tiên hôm 10/5. (Ảnh: Reuters)

Chắc chắn các vụ thử tên lửa của Triều Tiên được tiến hành nhằm phục vụ mục đích quân sự. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng chúng còn nhắm tới một mục tiêu khác, đó là nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn thể hiện sự bất mãn với Mỹ theo cách gây chú ý nhất mà ông có thể làm hiện giờ.

“Triều Tiên có động cơ để gia tăng các hành động khiêu khích”, David Kim, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson ở Washington, nhận định.

Chuyên gia David Kim đã nhắc lại hàng loạt vụ việc được cho là có liên quan tới động cơ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên.

Thứ nhất, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã rời Hà Nội mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nhượng bộ thực tế nào với chính quyền Trump. Thứ hai, Mỹ và Hàn Quốc vừa tiến hành cuộc tập trận quân sự chung mà Triều Tiên chỉ trích là hành động khiêu khích. Thứ ba, cũng là vấn đề đáng lưu ý nhất, Mỹ đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi đầu tháng này.

Tất cả những yếu tố trên dường như “cộng hưởng” lại, khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảm thấy rằng đã đến lúc nên gửi một tín hiệu tới Mỹ rằng Triều Tiên không để bị gây sức ép nữa.

Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể đang “lợi dụng” chính tuyên bố của Mỹ để tiến hành phóng tên lửa.

Sau vụ thử tên lửa hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng tên lửa do Triều Tiên phóng đi gần đây chỉ là “tên lửa tầm ngắn” và không đe dọa tới Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Ông Pompeo cũng nhắc lại cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về việc không thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Với tuyên bố trên, giới phân tích cho rằng Ngoại trưởng Mỹ đã đánh tín hiệu rằng chính quyền Trump về cơ bản vẫn chấp nhận các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên, miễn là Bình Nhưỡng không thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo có thể đã “bật đèn xanh” cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un, từ đó cho phép Triều Tiên phóng bất kỳ tên lửa nào ngoại trừ ICBM.

Mặc dù hai vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng chưa cho thấy các cuộc đàm phán Mỹ - Triều sẽ đổ vỡ. Tuy nhiên, đây chắc chắn là dấu hiệu báo động các cuộc đàm phán đang diễn ra theo chiều hướng tiêu cực.

Một số chuyên gia tỏ ra thiếu lạc quan về tương lai của các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều sau hai vụ phóng tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng, nhận định đây là dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong-un không sẵn sàng quay trở lại đàm phán với ông Trump.

"Game of Chicken" (tạm dịch: Ai là gà) là một lý thuyết trò chơi để đo mức độ dũng cảm, xuất phát từ câu chuyện hai tài xế cùng lái xe trên một con đường và có nguy cơ xảy ra va chạm. Nếu một trong hai tài xế không bẻ lái, cả hai có thể sẽ cùng chết. Nhưng nếu một tài xế chuyển hướng trước, họ sẽ bị gọi là “gà”, ngụ ý là kẻ hèn nhát.

“Trò chơi “Ai là gà” đang diễn ra giữa ông Kim và ông Trump. Nếu cả hai đều không chuyển hướng, trò chơi này sẽ nhanh chóng trở thành một trò nguy hiểm”, Cheon Seong-whun, cựu cố vấn an ninh quốc gia tổng thống Hàn Quốc, nói.

Vipin Narang, giáo sư về nghiên cứu an ninh quốc tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định các nguy cơ ngày càng tăng lên sau mỗi vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

“Ông Kim Jong-un có nguy cơ đi quá xa và khiêu khích phản ứng giận dữ của ông Trump nếu ông Trump cảm thấy bị phản bội. Và nếu đây là nỗ lực (của Triều Tiên) nhằm gây sức ép với Mỹ để thay đổi lập trường đàm phán, điều đó có thể gây ra tác dụng ngược: Mỹ sẽ chỉ càng cứng rắn hơn để tránh bị coi là đang nhượng bộ trước các vụ thử và sức ép của Triều Tiên”, giáo sư Narang nhận định.

Thành Đạt

Theo Vox, New York Times