1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Toan tính phía sau vụ phóng tên lửa bất ngờ của Triều Tiên

(Dân trí) - Vụ phóng vũ khí chiến thuật mới của Triều Tiên có thể là cách để Bình Nhưỡng gửi thông điệp tới Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngày càng rơi vào bế tắc.

Toan tính phía sau vụ phóng tên lửa bất ngờ của Triều Tiên - 1

Tên lửa Triều Tiên trong vụ phóng thử ngày 4/5. (Ảnh: Reuters)

Vài tuần trước khi Triều Tiên phóng tên lửa và vũ khí chiến thuật hôm 4/5, Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ quyết định của Bộ Tài chính Mỹ về việc siết chặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Bình Nhưỡng. Theo tuyên bố của thư ký báo chí Nhà Trắng, lý do cho động thái này là bởi “Tổng thống Trump quý mến Chủ tịch Kim Jong-un” và nhà lãnh đạo Mỹ “không cho rằng các lệnh trừng phạt là điều cần thiết”.

Giờ đây, gần một năm sau khi bắt đầu triển khai các nỗ lực ngoại giao cá nhân tích cực, Tổng thống Trump đang rơi vào thế bế tắc. Ông chủ Nhà Trắng phát hiện ra rằng tình bạn giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể mang lại những hình ảnh đẹp, nhưng đó không phải là chiến lược hiệu quả để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Sau khi giành được rất ít lợi ích thiết thực về kinh tế từ hai cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bây giờ đang quay trở lại con đường đi quen thuộc của cha và ông nội. Ngày 4/5, Triều Tiên đã phóng loạt tên lửa tại bờ biển phía đông nước này trong một động thái được các nhà phân tích cho là nhằm gia tăng sức ép với Tổng thống Trump, từ đó buộc ông chủ Nhà Trắng phải quay trở lại bàn đàm phán.

Trong bối cảnh ông Trump đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, chiến lược của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đe dọa điều mà ông chủ Nhà Trắng ca ngợi là sáng kiến ngoại giao mang đậm dấu ấn cá nhân. Ông Trump từng tự hào tuyên bố ông đã mang lại nền hòa bình mà những người tiền nhiệm không thể làm được.

Toan tính phía sau vụ phóng tên lửa bất ngờ của Triều Tiên - 2

Ông Kim Jong-un ngày 4/5 đã đích thân thị sát một cuộc tập trận của các đơn vị phòng thủ ở vùng biển phía đông Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Trên thực tế, nền hòa bình với Triều Tiên có lẽ vẫn là điều xa vời. Các cơ quan tình báo Mỹ đã thông báo trước Quốc hội hồi cuối tháng 1 rằng Triều Tiên đã dành một năm qua để sản xuất thêm nhiên liệu hạt nhân và chế tạo một số lượng chưa xác định các vũ khí mới. Tổng thống Trump từng nói rằng thành tựu lớn nhất của ông trong vấn đề Triều Tiên là Bình Nhưỡng đã dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, điều đó hiện nay không đã không còn chắc chắn.

Giới chức Hàn Quốc phán đoán các tên lửa do Triều Tiên phóng đi hôm 4/5 là tên lửa “tầm ngắn”, với tầm bay chỉ từ 70-200km. Tầm bay này đã loại trừ khả năng Triều Tiên đã nối lại các vụ thử tên lửa tầm trung hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Tuy vậy, vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên vẫn được đánh giá là hành động thử nghiệm vũ khí nghiêm trọng nhất kể từ khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 hồi tháng 11/2017.

Giới phân tích nhận định mặc dù Triều Tiên vẫn chưa phá vỡ cam kết do nước này đưa ra trước đây về việc tạm dừng tiến hành thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, song vụ phóng mới nhất cũng là dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong-un có thể đang cân nhắc ý tưởng chấm dứt cam kết và nối lại các vụ thử bị tạm dừng.

Theo Lee Byong-chul, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, Hàn Quốc, vụ thử tên lửa gần đây cho thấy rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un “ngày càng bi quan” về khả năng đạt được thỏa thuận với Tổng thống Trump.

“Có thể sẽ có một số điều chỉnh nhỏ trong hành vi của Triều Tiên, phụ thuộc vào cách Mỹ phản ứng như thế nào. Tuy nhiên về lâu dài, dường như ngày càng rõ rằng ông Kim Jong-un đã quyết định đi theo con đường riêng của mình”, chuyên gia Lee nhận định.

Sau khi trở về nước mà không nhận được cam kết nới lỏng trừng phạt từ Mỹ, điều mà Triều Tiên đang mong chờ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra “tối hậu thư” cho Tổng thống Trump, yêu cầu ông chủ Nhà Trắng phải đưa ra đề xuất mới trước cuối năm nay.

Bằng cách gia tăng dần các vụ thử vũ khí, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đã tính toán cẩn trọng các phương án của ông với Tổng thống Trump. Việc lựa chọn phóng vũ khí tầm ngắn có thể là cách để ông Kim Jong-un tìm kiếm sự đột phá trong các cuộc đàm phán bế tắc với Mỹ, đồng thời cũng để tránh khiêu khích Tổng thống Trump.

Theo Vox, có hai giả thuyết để lý giải cho việc Triều Tiên sẵn sàng liều lĩnh “chọc giận” Tổng thống Trump khi phóng tên lửa vào tuần trước.

Giả thuyết thứ nhất, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể từng hy vọng rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên lẽ ra phải đạt được kết quả ở thời điểm hiện tại rồi. Tuy nhiên điều đó rốt cuộc đã không xảy ra và khiến ông Kim Jong-un thất vọng.

“Có vẻ như ông Kim Jong-un muốn ông Trump thúc đẩy các vấn đề liên quan tới Mỹ - Triều, và ông ấy không ngần ngại thể hiện điều đó”, Grace Liu, chuyên gia về hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho biết.

Giả thuyết thứ hai, Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành tập trận quân sự mặc dù đã giảm quy mô để tránh khiêu khích Triều Tiên. Bình Nhưỡng từ lâu đã coi các cuộc tập trận này là sự chuẩn bị của liên minh Mỹ - Hàn cho kịch bản xâm lược Triều Tiên.

Trước đây, Triều Tiên cũng từng có động thái phô diễn sức mạnh quân sự mỗi khi Mỹ - Hàn tập trận. Do vậy, vụ phóng tên lửa mới nhất có thể là dấu hiệu cho thấy sự không hài lòng của Bình Nhưỡng.

Thành Đạt

Theo NYT, Vox