1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Mỹ: Việt Nam có quyết tâm cao nhằm bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật

(Dân trí) - Chuyên gia người Mỹ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền của người khuyết tật Helena Berger đánh giá cao quyết tâm của chính phủ Việt Nam liên quan tới các hoạt động giúp người khuyết tật vượt qua những rào cản và thách thức hướng tới sự bình đẳng trong xã hội.

Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hội Người khuyết tật Mỹ (AAPD) Helena Berger (Ảnh: Đức Hoàng)
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hội Người khuyết tật Mỹ (AAPD) Helena Berger (Ảnh: Đức Hoàng)

Ngày 31/8, Đại sứ quán Mỹ đã tổ chức buổi thảo luận về Quyền của người khuyết tật với diễn giả người Mỹ Helena Berger. Bà Berger là nhà hoạt động làm việc trong lĩnh vực quyền của người khuyết tật trong 30 năm nay. Bà hiện là Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hội Người khuyết tật Mỹ (AAPD).

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ngoài Hà Nội, bà dự kiến sẽ tới thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để gặp gỡ với các bên liên quan và thảo luận về quyền của người khuyết tật.

Đánh giá về hoạt động của chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ người khuyết tật, bà Berger cho biết sau các cuộc gặp với các cơ quan trung ương và địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm hoạt động vì người khuyết tật trong những ngày qua, bà ghi nhận quyết tâm của Việt Nam trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật hòa đồng với xã hội, đảm quyền bình đẳng trong các lĩnh vực.

Bà Berger cho hay, với một nước lớn như nước Mỹ, vốn đã ban hành luật cho người khuyết tật (ADA) từ 28 năm trước, nước này vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ nguồn lực, giáo dục, cơ sở hạ tầng và việc làm. Vì vậy, với các quốc gia đang phát triển và nguồn ngân sách cho hoạt động hỗ trợ người khuyết tật còn hạn chế, thách thức mà Việt Nam gặp phải là điều không tránh khỏi.

Tuy nhiên, theo bà Berger, để triển khai tốt luật về người khuyết tật cần có sự tham gia không chỉ của chính phủ, các tổ chức mà còn chính là tiếng nói góp ý của người khuyết tật trong việc thực thi luật pháp cho chính họ. Họ cần phải đứng lên để bảo vệ quyền lợi, tận dụng các cơ hội giao lưu và trao đổi với chính quyền, cơ quan chức năng về những vấn đề còn khúc mắc.

Ví dụ, các phương tiện giao thông, các công trình công cộng cần có khu vực dành cho người khuyết tật để họ có thể sử dụng giống như người bình thường, hay vấn đề bình đẳng trong giáo dục, tuyển dụng lao động. Chuyên gia người Mỹ cho rằng những cuộc đối thoại thẳng thắn sẽ giúp chính quyền có thể thấu hiểu và thực thi luật pháp về người khuyết tật tốt hơn.

Ngoài ra, tại Việt Nam, bà Berger cho rằng vấn đề quyền của người khuyết tật cần được tuyên truyền sâu rộng hơn nữa. Sau khi ADA ra đời, nước Mỹ đã có một thế hệ người khuyết tật mới, không coi những khiếm khuyết là điều bất lợi hay đáng thương cảm. Họ tự hào về sự khác biệt của bản thân họ, là minh chứng cho sự đa dạng trong xã hội. Theo chuyên gia này, vấn đề mặc cảm, phân biệt đối xử có thể dẫn tới sự kỳ thị và ngăn cản người khuyết tật có thể tự lập, tự chủ tài chính và tự xây dựng cuộc sống sau này. Chính vì vậy, các hoạt động tuyên truyền giúp người khuyết tật và người không mang khuyết tật thay đổi nhận thức là điều rất cần thiết.

Mặt khác, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, bà Berger với tư cách đại diện cho AAPD, cam kết sẽ là cầu nối giữa các tổ chức khuyết tật Việt Nam, chính phủ Việt Nam với các tổ chức ở Mỹ, tạo cơ hội huy động nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm vì một cuộc sống tốt hơn cho người khuyết tật ở cả 2 nước.

Đức Hoàng