1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Mỹ chỉ rõ chính sách “chia để trị” của Trung Quốc

(Dân trí) - Chuyên gia Mỹ về Chiến lược Quốc phòng, cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby đánh giá rằng chính sách “chia để trị” của Trung Quốc đang là một trong những thách thức lớn với Mỹ và các nước tại khu vực Biển Đông và Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Chuyên gia Mỹ chỉ rõ chính sách “chia để trị” của Trung Quốc - 1

Chuyên gia Mỹ về Chiến lược Quốc phòng, cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby (Ảnh: Đức Hoàng)

“Vấn đề chính mà chúng ta đang đều phải đối mặt chính là chính sách “chia để trị” của Trung Quốc nhằm chia rẽ, cô lập các nước nhỏ hơn bằng cách gây nên áp lực và buộc họ phải làm theo những điều kiện mà Trung Quốc mong muốn và có lợi cho Bắc Kinh”, ông Colby nhận định trong cuộc trao đổi ngày 23/8 tại Hà Nội.

Ông Colby cho rằng Trung Quốc dường như đang tìm cách bá quyền ở Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm lấn áp chi phối ở đây và điều này khiến Mỹ không thể chấp nhận vì họ có quyền lợi tại khu vực. Mỹ mong muốn hợp tác, giao thương với các nước trong khu vực một cách tự do và tuân thủ luật lệ quốc tế, không cần phải theo luật chơi mà Trung Quốc tạo ra.

Chuyên gia Mỹ cho rằng quan điểm của Washington là một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa, nơi các quốc gia có quyền quyết định tương lai, tiến hành giao thương, quan hệ an ninh phù hợp với lợi ích quốc gia của các nước trong khu vực.

Ông Colby cũng nhấn mạnh rằng bối cảnh thế giới hiện tại không còn là đơn cực khi Mỹ hiện tại vẫn là cường quốc hàng đầu nhưng không còn có sức mạnh tuyệt đối như trong quá khứ. Vì vậy, Mỹ mong muốn phối hợp với các đối tác có cùng lợi ích cũng như các đồng minh truyền thống tại khu vực. Đây được cho là một trong những cách tiếp cận của Mỹ với các quốc gia trong khu vực thông qua hợp tác quốc phòng, hợp tác kinh tế.

Chiến thuật “tằm ăn dâu” của Trung Quốc

Ông Colby cũng nhắc lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/8 rằng việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát và các tàu hộ tống trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động leo thang căng thẳng và đe dọa an ninh khu vực.

Chuyên gia Mỹ cho rằng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục chiến thuật “tằm ăn dâu” đối với các nước ở khu vực Biển Đông. Đây là chiến lược ám chỉ việc Trung Quốc duy trì liên tục những hành động nhỏ, không đủ để tạo một biến cố lớn gây nên xung đột, nhưng theo thời gian dần đưa tới những sự chuyển hóa chiến lược có lợi cho Bắc Kinh.

“Mỹ không muốn tạo ra khối NATO ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”

Ông Colby đánh giá, Mỹ rõ ràng không muốn tạo ra cuộc Chiến tranh Lạnh hay “bức màn sắt” mới ở khu vực. Mục đích của Mỹ tại đây là giao thương và hợp tác một cách tự do. Tuy nhiên, thực tế cho thấy “các hành động của Trung Quốc ngày càng bành trướng. Họ muốn tạo ra thực tế mới có lợi cho họ nên Mỹ cho rằng cần phải có biện pháp để ngăn chặn việc đó”, ông Colby nhận định.

Trong các chiến lược an ninh và quốc phòng công bố gần đây, Mỹ nêu rõ rằng Washington muốn tập hợp các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương có chung lợi ích để tạo ra mạng lưới kết nối mạnh mẽ hơn nhằm ngăn cản Trung Quốc. Ông Colby cho biết Mỹ sẽ không muốn tạo ra khối NATO mới ở châu Á mà muốn tạo ra một khu vực rộng mở và tự do để họ có thể tiến hành giao thương cũng như đảm bảo các quốc gia trong khu vực có quyền tự quyết.

Chuyên gia Mỹ đánh giá rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tập trung vào vấn đề Trung Quốc nhiều hơn bất cứ chính quyền nào trước đây thông qua các động thái xoay trục sang Ấn Độ - Thái Bình Dương và hàng loạt các phát biểu cũng như hành động cụ thể trong vài năm qua. 

Chuyên gia Colby cũng nhấn mạnh lại tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày hôm qua về việc Trung Quốc thử tên lửa mặt đất ở California hồi cuối tuần qua là thông điệp gửi tới Trung Quốc.

Cựu quan chức Mỹ cho biết Washington ý thức được rằng họ phải có các biện pháp răn đe trước việc Trung Quốc phát triển các hệ thống tên lửa và có thể gây ra mối đe dọa làm tổn thương tới lợi ích của Mỹ và các đồng minh.

Đức Hoàng