1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Italia giải thích lý do châu Âu đặc biệt quan tâm tới tình hình Biển Đông

(Dân trí) - Tiến sĩ Nicola Casarini, Giám đốc chương trình châu Á thuộc Viện Các vấn đề quốc tế (IAI) Italia, cũng chỉ ra một sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Liên minh châu Âu với vấn đề Biển Đông là gia tăng sự hiện diện an ninh trong khu vực.

Chuyên gia Italia giải thích lý do châu Âu đặc biệt quan tâm tới tình hình Biển Đông - 1

Tiến sĩ Nicola Casarini tại Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ 11 tại Hà Nội (Ảnh: SCSC)

Trong vòng vài năm qua, các quốc gia châu Âu đã có những thay đổi đáng chú ý về sự quan tâm tới tình hình Biển Đông thông qua các tuyên bố quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng trong khu vực và tăng cường sự hiện diện ở vùng biển này.

“Sự quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông là một “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên, khiến các nước gia tăng sự tham gia trong khu vực… EU đã tăng cường các kết nối về an ninh tại và với châu Á, phù hợp với mục tiêu chiến lược toàn cầu của khối nhằm ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên các quy định”, Tiến sĩ Nicola Casarini, Giám đốc chương trình châu Á thuộc Viện Các vấn đề quốc tế (IAI) Italia, nói tại Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ 11 tại Hà Nội tháng 11/2019.

Trao đổi với Dân trí bên lề và sau hội thảo, Tiến sĩ Nicola Casarini, lý giải có 2 lý do để Liên minh châu Âu ngày càng quan tâm tới tình hình Biển Đông. Thứ nhất là lợi ích kinh tế gia tăng khiến các quốc gia thành viên chú ý hơn tới sự phát triển năng động của khu vực. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN. Một lý do nữa là tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở Biển Đông.

Chuyên gia trên cũng nhấn mạnh tới một sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của EU với vấn đề Biển Đông là gia tăng sự hiện diện an ninh. EU vẫn có truyền thống hỗ trợ môi trường an ninh khu vực trên các lĩnh vực viện trợ phát triển, trợ giúp nhân đạo hoặc hỗ trợ các diễn đàn đối thoại và các khuôn khổ đa phương.

“Nhưng trong 3 hoặc 4 năm qua, chúng ta đã chứng kiến việc EU và các quốc gia thành viên tăng cường tham gia trong các lĩnh vực an ninh và quân sự”, ông Nicola nói.

Ví dụ, từ năm 2016, đã có các hoạt động hải quân do một số quốc gia thành viên EU thực hiện, đặc biệt là Pháp và Anh, tại Biển Đông. Nhưng trong năm 2019, có một số thiết bị hải quân được điều tới khu vực, không chỉ của Anh và Pháp mà còn có của Đức, Đan Mạch, Italia, Bồ Đào Nha. Điều đó có nghĩa là các quốc gia thành viên lần đầu tiên cử tàu hải quân tới Biển Đông để đóng góp vào việc duy trì an ninh và trật tự dựa trên các quy định. Động thái này cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận và lập trường của EU và các quốc gia thành viên chỉ trong vòng vài năm.

Liên quan tới ý kiến cho rằng EU có thể chịu sức ép của Mỹ nhằm gia tăng tiếng nói ở Biển Đông, chuyên gia Italia cho hay, tất nhiên Mỹ gây sức ép lên châu Âu để các đồng minh châu Âu hành động với Mỹ. Nhưng trong trường hợp này, cũng có một suy nghĩ mới tại châu Âu nhằm gửi thông điệp về Biển Đông.

“Vì thế chúng tôi có cả hai. Một mặt, Washington gia tăng sức ép lên các đồng minh châu Âu - điều vốn được xem là bình thường. Ý tôi là chuyện đó vẫn thường xảy ra. Nhưng cùng lúc đó, chính các quốc gia châu Âu cũng hiểu rằng đây là lúc họ phải gia tăng sự hiện diện an ninh trong khu vực. Có thể nói đó là sự kết hợp của 2 hai khuynh hướng”, ông Nicola nói.

Trả lời câu hỏi về việc EU có thể đóng góp như thế nào nhằm thúc đẩy sự ổn định khu vực từ góc độ sử dụng các kinh nghiệm trong giải quyết hòa bình các tranh chấp, luật pháp quốc tế, chuyên gia Italia cho hay, trước tiên EU là một khối thương mại, vì vậy một trong những đóng góp lớn nhất có thể là một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) EU-ASEAN trong tương lai.

“Giờ đây, chúng ta đã có một loạt các thỏa thuận song phương, ví dụ Việt Nam và EU đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do vào tháng 6/2019. Nhưng trong tương lai, một FTA giữa toàn bộ khối EU và ASEAN sẽ giúp đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực”, ông Nicola nói.

Theo chuyên gia Italia, về khía cạnh quyền lực mềm, có thể kể tới hỗ trợ phát triển và trợ giúp kỹ thuật. Nhưng cũng có một yếu tố thứ ba là đối thoại và trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm. EU có thể học hỏi từ ASEAN và ASEAN cũng có thể học hỏi từ châu Âu, đặc biệt trong các lĩnh vực như quản ký đánh bắt hoặc tài nguyên hàng hải.

“Ví dụ, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong quản lý và chia sẻ tài nguyên ở Địa Trung Hải. EU có thể thảo luận kinh nghiệm này với ASEAN để tìm ra đâu là giải pháp tốt nhất có thể áp dụng cho Biển Đông. Tôi cho rằng cách các quốc gia ASEAN có thể xử lý vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, cách thực thi bộ quy tắc ứng xử cũng là chủ đề rất đáng chú ý với EU. Chia sẻ thông tin và trao đổi các kinh nghiệm có thể là một khía cạnh quan trọng đối với cả hai khối. Phối hợp cùng nhau, hai bên có thể góp phần tìm ra các giải pháp tiềm tàng cho các tranh chấp ở Biển Đông”, ông nói.

Chuyên gia Italia đã đề cập các hành động cụ thể hơn của EU ở Biển Đông trong tương lai, như tiếp tục các hoạt động hải quân và ngoại giao hải quân. Ông cho rằng đây là một thông điệp gửi tới tất cả các quốc gia trong khu vực rằng đây là hành động rất cụ thể và Biển Đông là một lo ngại với EU. Các quốc gia châu Âu có thể hiện diện nhiều hơn, không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn ở khía cạnh an ninh và quốc phòng.

“Tôi lấy một ví dụ. EU và Việt Nam chỉ mới vài tuần trước đã ký một thỏa thuận an ninh và quốc phòng, trong đó Việt Nam có thể làm tham gia kiểm soát khủng hoảng và các sứ mệnh dân sự trong tương lai do EU tiến hành. Đây là một tín hiệu tốt vì nó cho thấy trong trường hợp này Việt Nam có thể tìm hiểu một số thực tiễn từ châu Âu về cách đối phó, xử lý khủng hoảng. Đó là một hành động rất cụ thể, vốn có thể sử dụng trong tường hợp leo thang căng thẳng, hoặc cần làm giảm căng thẳng. Việt Nam đang mở đường vì là quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN ký thỏa thuận này và hi vọng các quốc gia Đông Nam Á khác cũng hành động tương tự”, ông Nicola nói.

Theo chuyên gia Italia, nếu tất cả các quốc gia thành viên ASEAN và EU đều ký thỏa thuận như vậy, đây sẽ là một sự đóng góp rất cụ thể, vì ở góc độ này, sẽ không chỉ có tăng cường đối thoại mà còn tăng cường trao đổi giữa lực lượng an ninh và quân sự giữa ASEAN và EU.

“Theo quan điểm của tôi, đó sẽ là sự đóng góp rất quan trọng nhằm giải quyết các tranh trấp từ góc độ dân sự. Các hoạt động của EU là kiểm soát khủng hoảng, và là các hoạt động dân sự, nhưng được thực hiện bởi lực lượng quân sự”, ông nói.

An Bình